Bong bóng trong chứng khoán Mỹ 'đã đổ vỡ', nhưng thị trường gấu còn lâu mới kết thúc
Đừng vội bắt đáy
Tỷ phú đầu tư Ray Dalio cảnh báo bong bóng trong các cổ phiếu công nghệ mới nổi đã đổ vỡ, nhưng giờ vẫn chưa đủ an toàn để nhà đầu tư bắt đáy những cái tên này.
Hồi tháng 1, nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates cảnh báo rằng các công ty công nghệ mới nổi “rõ ràng là đang trong một bong bóng cực đại”. Những cái tên ông nhắc đến bao gồm nhà sản xuất set-top box Roku và hãng xe điện Tesla, tờ MarketWatch cho biết.
Khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ đang “rất sát” với bong bóng, hay nói cách khác là đã đi 70% chặng đường hướng tới bong bóng lớn nhất, sự kiện từng xảy ra vào cuối thập niên 1990 và 1920.
Cùng lúc đó, ông Dalio còn nhấn mạnh những dấu hiệu cảnh báo khác, bao gồm sự bùng nổ của SPAC, IPO và hoạt động quyền chọn. Cả ba đều được thúc đẩy bởi lượng thanh khoản hậu COVID-19 chưa từng có đổ bộ vào thị trường.
Trong bài đăng trên LinkedIn ngày 2/5, vị tỷ phú viết: “Kể từ đó, những bong bóng này đã vỡ. Chúng lao dốc khoảng 1/3 trong năm qua – còn chỉ số S&P 500 gần như không đổi”.
Nhưng điều này không có nghĩa là mọi chuyện đã ổn. Cổ phiếu công nghệ mới nổi “có vẻ không còn ở trong bong bóng nữa, nhưng vẫn chưa đảo chiều về hướng ngược lại, đây chưa phải thời điểm tốt để mua vào”, ông nhấn mạnh.
“Bong bóng có thể mất nhiều thời gian để xì hết hơi và đảo chiều. Bong bóng năm 1929 mất hai năm và bong bong công nghệ cuối thập niên 1990 mất một năm. Do vậy việc các cổ phiếu công nghệ mới nổi không còn ở trong bong bóng cực đại vẫn chưa đủ để đánh giá rằng chúng an toàn hoặc giờ là thời điểm tốt để nắm giữ lâu dài”.
Vị tỷ phú tiếp tục cảnh báo rằng chứng khoán Mỹ nói chung vẫn có vẻ bị định giá quá cao. Các biểu đồ dưới đây cho thấy nếu kết thúc của bong bong hiện nay đi theo khuôn mẫu giống những năm 1920 và 1990 thì thị trường vẫn còn rủi ro sụt giảm rất lớn.
“Lịch sử cho thấy một khi sự đổ vỡ bắt đầu xảy ra, bong bóng thường có xu hướng kéo thị trường giảm sâu thay vì hạ cánh ở mức giá ‘bình thường’ hơn", ông Dalio tổng kết.
"Cách xa đoạn kết"
Ông Mike Wilson, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley có cùng quan điểm rằng nhiều khả năng thị trường vẫn chưa thấy đáy. Sau tháng 4 tồi tệ nhất với chứng khoán Mỹ kể từ năm 1970, ông Wilson và nhóm chuyên gia của Morgan Stanley đã vạch ra kịch bản cho “giai đoạn tiếp theo của thị trường gấu”, dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ còn giảm sâu hơn nữa.
Ông Wilson viết trong lưu ý gửi tới khách hàng ngày 2/5: “Chúng tôi nghĩ chỉ số S&P 500 có thể giảm xuống 3.800 điểm trong ngắn hạn và có thể rớt xuống tận 3.460 điểm, bằng đường MA 200 tuần nếu EPS 12 tháng dự phóng bắt đầu giảm do lo ngại về biên lợi nhuận hoặc suy thoái”.
Đường MA 200 tuần cũng “đang gần bằng với mức đỉnh trước đại dịch là 3.400 điểm. Theo nhiều phương diện, điều này hoàn toàn hợp lý với quan điểm rằng đại dịch không tạo ra giá trị thực cho nền kinh tế và hầu hết doanh nghiệp, mà thực chất đang phá hủy giá trị”.
Ông Wilson cho rằng việc chứng khoán biến động "khủng khiếp" kể từ mùa thu năm ngoái là cảnh báo với nhà đầu tư rằng tin xấu sắp xuất hiện. Đầu tiên, các cổ phiếu định giá cao bị hạ gục trong tháng 11 và tháng 12 khi nhà đầu tư đánh giá việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chuyển hướng chính sách.
“Giờ thì nhà đầu tư đang nhận ra rằng quý I/2022 có thể là quý tích cực cuối cùng cho lợi nhuận doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí gia tăng và rủi ro suy thoái đè nặng lên tăng trưởng tương lai”.
Theo ông, "bằng chứng cho thấy tăng trưởng đang giảm tốc nhanh hơn dự đoán của phần lớn nhà đầu tư" chính là ngòi nổ cho cú lao dốc mạnh của chứng khoán Mỹ vào tuần trước.
Nhưng nhóm chuyên gia của Morgan Stanley cũng có một tin tốt: “Về mặt tích cực, thị trường hiện tại đang ở sâu trong vùng quá bán đến mức bất kỳ tin tốt nào cũng có thể dẫn đến một cuộc phục hồi dữ dội trong thị trường gấu. Chúng tôi không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào trong ngắn hạn nhưng muốn nói rõ rằng thị trường gấu vẫn còn cách xa đoạn kết”.