Warren Buffett chỉ cách đầu tư vào chứng khoán khi lạm phát tấn công thị trường
Warren Buffett dành phần nhiều thư gửi cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway vào cuối những năm 1970 và đầu 1980 để bình luận về tác động của lạm phát tới cổ phiếu, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Ông sống và đầu tư trong suốt giai đoạn Đại Lạm phát ở Mỹ, khi mà lạm phát chạm ngưỡng 14% và lãi suất thế chấp lên cao tới 20%. Một số người gọi đây là thất bại kinh tế vĩ mô tồi tệ nhất của Mỹ hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Dẫu vậy, Warren Buffett chưa bao giờ bỏ quên hay sợ hãi lạm phát. Dưới đây là một số chiêm nghiệm của ông về đầu tư trong thời kỳ lạm phát, theo tổng hợp của CNBC:
1. Khi bạn đang làm tốt, hãy nhớ về lạm phát
Từng có thời điểm trong quá khứ, khi Berkshire đạt lợi nhuận khả quan, Warren Buffet đã nhắc nhở cổ đông đừng vui mừng quá sớm: “Tỷ lệ lạm phát cộng với từng mức thuế suất riêng lẻ sẽ là yếu tố quyết định cuối cùng rằng liệu hoạt động điều hành nội bộ của chúng tôi có tạo ra kết quả đầu tư thành công hay không".
"Trong điều kiện lạm phát không tồi tệ như hiện nay, một doanh nghiệp kiếm được 20% lợi nhuận trên vốn vẫn có thể tạo ra tỷ suất lợi nhuận âm cho chủ sở hữu”, vị tỷ phú lưu ý.
2. Khi lạm phát cao, lợi nhuận doanh nghiệp không phải biến số quan trọng nhất
“Đáng tiếc, lợi nhuận trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp không còn là biến số chủ chốt quyết định liệu chủ sở hữu là bạn có được hưởng bất kỳ lợi nhuận thực nào không. Vì chỉ sự gia tăng trong sức mua mới thể hiện lợi nhuận thực từ khoản đầu tư.
Nếu bạn: a) từ bỏ 10 cái bánh hamburger để mua một khoản đầu tư, b) được chia cổ tức sau khi trừ thuế thì đủ để mua hai cái hamburger, và c) sau khi bán sở hữu và trừ thuế, nhận được số tiền đủ để mua 8 cái, thì d) bạn không tạo ra được thu nhập thực nào từ khoản đầu tư, dù giá trị danh nghĩa của nó tăng đến đâu. Bạn có thể cảm thấy giàu hơn, nhưng bụng của bạn sẽ không được no hơn”.
3. Hiểu được “Chỉ số Khốn khổ”
“Tỷ lệ lạm phát cộng với phần trăm vốn mà cổ đông phải trả để chuyển lợi nhuận hàng năm do doanh nghiệp tạo ra vào túi của mình (ví dụ như thuế thu nhập trên cổ tức và thuế trên thặng dư vốn) có thể được coi là 'chỉ số khốn khổ của nhà đầu tư'.
Khi chỉ số này vượt quá lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, sức mua của nhà đầu tư (vốn thực) suy giảm dù ông ta không tiêu thụ gì. Berkshire Hathaway không có giải pháp doanh nghiệp nào đối với rắc rối này, lạm phát cao sẽ không giúp chúng tôi tạo ra được ROE cao hơn”.
4. Lạm phát là “giun sán” khiến doanh nghiệp tồi càng tồi tệ hơn
“Chủ sở hữu của một doanh nghiệp 'tồi' còn phải chịu thêm một hình phạt đau đớn hơn nữa. Để tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp sinh lời thấp thường sẽ phải giữ lại phần lớn thu nhập dù cho chính sách này gây thiệt thòi cỡ nào cho cổ đông.
Bởi lạm phát hành xử giống như một con giun sán khổng lồ ký sinh vào doanh nghiệp. Hàng ngày, con giun sán này sẽ hấp thụ một lượng tiền đầu tư, bất kể sức khỏe vật chủ như thế nào.
Bất chấp lợi nhuận được báo cáo là bao nhiêu (dù là 0 đi nữa), thì doanh nghiệp sẽ càng cần thêm nhiều tiền cho nợ phải thu, hàng tồn kho và tài sản cố định để duy trì sản lượng bằng với năm trước. Doanh nghiệp càng nghèo khó thì tỷ lệ dinh dưỡng sẵn có bị giun sán cướp mất càng cao… Giun sán lạm phát sẽ vét sạch đĩa".
5. Tập trung vào doanh nghiệp tạo ra thay vì tiêu tốn tiền
“Hoạt động thâu tóm của Berkshire Hathaway hướng tới những doanh nghiệp tạo ra tiền mặt, chứ không phải tiêu thụ tiền. Khi lạm phát nóng lên, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận thấy rằng họ phải tiêu sạch số tiền tạo ra được chỉ để duy trì khối lượng hàng hóa.
Các công ty hoạt động như vậy có chất lượng tựa như ảo ảnh. Dù số liệu lợi nhuận có hấp dẫn đến đâu, chúng tôi cũng sẽ cảnh giác với những doanh nghiệp có vẻ không thể biến những con số đẹp đẽ đó thành tiền mặt”.
6. Luôn nghĩ về ngày mai, đặc biệt là khi tốc độ thay đổi gia tăng
“Vài thập kỷ trước, ROE chỉ cần đạt 10% là đã đủ để doanh nghiệp được coi là 'tốt'. Tức là, nhà đầu tư có thể kỳ vọng rằng với 1 USD tái đầu tư vào doanh nghiệp, thị trường sẽ định giá nó cao hơn 100 xu.
Ngày đó đã không còn nữa nhưng chúng ta có thể rút ra bài học từ giai đoạn đó. Tuy nhà đầu tư và nhà quản lý cần hướng tới tương lai, ký ức của họ vẫn gắn chặt với quá khứ.
Việc nhà đầu tư sử dụng hệ số P/E hoặc các nhà quản lý sử dụng thước đo định giá doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc một trong hai nhóm phải tư duy lại tiền đề của mình mỗi ngày. Khi thay đổi diễn ra chậm chạp, việc liên tục suy tính lại thực chất là không cần, vì kết quả không nhiều mà lại làm chậm thời gian phản ứng.
Khi thay đổi rất lớn, việc giữ lại các giả định của ngày hôm qua sẽ khiến doanh nghiệp phải trả giá đắt. Và tốc độ thay đổi kinh tế đã trở nên cực kỳ khủng khiếp trong thời gian qua”.
7. Doanh nghiệp không thể quản lý giỏi hơn chính phủ
“Một nhà quan sát có đôi mắt sắc bén đã chỉ ra rằng giá trị sổ sách của cổ phiếu Berkshire vào cuối năm 1964 sẽ mua được khoảng một nửa ounce vàng. 15 năm tiếp theo, sau khi chúng tôi đã tái đầu tư mọi khoản thu nhập cùng với máu, mồ hôi và nước mắt, giá trị sổ sách của Berkshire cũng sẽ chỉ mua được nửa ounce vàng. Phép so sánh tương tự cũng có thể được đưa ra với dầu thô của Trung Đông. Rắc rối là tuy chính phủ cực kỳ giỏi trong việc in tiền và hứa hẹn, nhưng lại không thể in ra vàng hay tạo ra dầu.
Chúng tôi dự định sẽ vận dụng hết khả năng để quản lý các công việc nội bộ của tập đoàn. Nhưng bạn nên hiểu rằng các điều kiện bên ngoài, vốn ảnh hưởng đến sự ổn định của tiền tệ, rất có thể là yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định xem liệu bạn có nhận được bất kỳ phần thưởng thực sự nào từ khoản đầu tư vào Berkshire Hathaway hay không”.
8. Không có giải pháp cho lạm phát, nhưng có lẽ còn lý do để hy vọng
Warren Buffett viết trong năm 1980: “Không phải là chúng ta không có khả năng đưa lạm phát về mức thấp. Lạm phát do con người tạo ra, nên có lẽ nó cũng có thể bị con người chế ngự. Điều khiến chúng ta lo sợ có thể cũng sẽ báo động cho các nhà lập pháp và những tổ chức quyền lực khác, từ đó họ có thể đưa ra những phản ứng phù hợp”.
Diễn biến gần đây trên thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy nhà đầu tư không tin tưởng rằng phản ứng chính sách của chính phủ là đủ để khống chế lạm phát, nhưng khả năng phản ứng này là vừa đủ cũng không phải bằng 0.