|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Hạ cánh mềm' là điều gần như không thể với nền kinh tế Mỹ

13:09 | 12/05/2022
Chia sẻ
Ảnh hưởng của gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới và nhu cầu tiêu dùng tăng cao sau dịch COVID đang khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào lạm phát. Các biện pháp nhằm bình ổn lạm phát của Fed nhiều khả năng sẽ đưa nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Lạm phát tại Mỹ đang ở vùng đỉnh 40 năm.

Theo Financial Times, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell từng tuyên bố: “Lạm phát đang quá cao và chúng tôi hiểu những khó khăn mà nó gây ra. Fed có đủ những công cụ cần thiết cũng như lòng quyết tâm bình ổn giá cả cho các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ”.

Tuyên bố của ông Powell thực sự là một lời xin lỗi, nhưng ẩn chứa trong lời nói ấy có dáng dấp của phát biểu nổi tiếng “bằng bất cứ giá nào” vào tháng 7/2012 của ông Mario Draghi (cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu 2011-2019, nay là đương kim thủ tướng Italia).

Chủ tịch Powell lạc quan tuyên bố rằng “nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ hạ cánh mềm hoặc tương đối mềm”.

“Hạ cánh mềm” theo định nghĩa của ông Powell là cầu được kéo gần cung, dẫn đến “giảm chi phí tiền lương cho doanh nghiệp, hạ lạm phát mà không kìm hãm nền kinh tế, không gây ra suy thoái và thất nghiệp cao”.

Ông cũng cho rằng “nền kinh tế đang mạnh mẽ, đủ sức chống chọi với chính sách tiền tệ thắt chặt”. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed cho rằng quá trình này sẽ “là một thử thách khó khăn”.

Liệu có thể giảm lạm phát chỉ bằng hạ nhiệt thị trường lao động? Ông Alan Blinder, Cựu Phó Chủ tịch Fed cho biết ít nhất 7 trong số 11 lần thắt chặt gần đây, Cục dự trữ Liên bang đã giúp nền kinh tế hạ cánh “khá mềm”.

Tuy nhiên, hiện nay, lạm phát đang ở mức kỷ lục trong vòng 40 năm. Kể cả chỉ số lạm phát giá tiêu dùng “cốt lõi” (không bao gồm năng lượng và thực phẩm) cũng lên tới 6,2% vào tháng 4/2022.

Bão giá

Kinh tế Mỹ có tốc độ phục hồi cao so với các nền kinh tế lớn khác.

Sau dịch COVID, kinh tế Mỹ đã có một sự phục hồi đặc biệt mạnh mẽ. Mức tăng trưởng sản lượng năm 2021 mạnh hơn nhiều so với các nước thu nhập cao khác. Sự phục hồi của thị trường lao động diễn ra mạnh mẽ, với tỷ lệ công việc trống và thôi việc đều ở mức cao cùng với tỷ lệ thất nghiệp thấp trở lại nhanh chóng.

Chỉ có các chỉ số tuyển dụng ở mức dưới đỉnh một chút so với quá khứ. Ông Jason Furman, cựu chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế đã nhận xét rằng tăng trưởng tiền lương cũng nhanh chóng đạt mức cao, nhưng gần đây đã chậm lại đôi chút.

Thị trường Mỹ trở nên sôi động sau dịch COVID.

Tuy nhiên, trái ngược lại với tuyên bố của ông Powell, lạm phát sẽ không thể dễ dàng trôi qua trong một nền kinh tế mạnh như Mỹ. 

Lạm phát một phần đang bị ảnh hưởng bởi khó khăn trong chuỗi cung ứng những tháng qua. Nhưng khẳng định này chỉ là cách nói khác cho sự thật rằng, nhu cầu tăng quá cao đang gây sức ép lên nguồn cung cả trong lẫn ngoài nước Mỹ.

Để giúp nền kinh tế hạ cánh mềm, Fed phải tinh chỉnh lãi suất sao cho nhu cầu giảm vừa đủ để kìm hãm lạm phát, nhưng không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Các doanh nghiệp cũng như người lao động Mỹ đang chịu thiệt hại và thu nhập thực tế giảm. Ông Furman nhận xét: “Mức tăng 8,5% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 12 tháng tính tới tháng 3/2022 đã vượt qua tốc độ tăng của tiền lương, dẫn tới sự sụt giảm thu nhập thực tế cao nhất trong vòng 40 năm”.

Những điều kiện cho một cuộc bão giá giờ đã chín muồi. Mỹ nên hi vọng vào việc những khó khăn trong nguồn cung cũng như thị trường lao động sẽ đảo ngược, qua đó giá cả sẽ giảm xuống và không cần phải phục hồi mức thu nhập đã mất để bù đắp nữa.

Không chắc chắn

Ý kiến cho rằng một cuộc suy thoái kinh tế lớn là không cần thiết để ngăn chặn lạm phát thực sự quá lạc quan. Tuy nhiên đây vẫn chưa là kiểu lạc quan duy nhất mà người ta đang thể hiện gần đây. Một ý kiến khác cho rằng suy thoái kinh tế có thể tránh được. Cái khó ở đây là tinh chỉnh việc giảm tốc nền kinh tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với bình thường. 

Không thể khẳng định chắc chắn rằng khi mức thu nhập thực tế thấp hơn trong điều kiện lạm phát phi mã sẽ dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm. Mức độ giảm nhu cầu sẽ phụ thuộc vào việc người tiêu dùng có sẵn sàng tiêu số tiền đã tiết kiệm được trong thời gian suy thoái COVID hay không.

Một vấn đề không thể chắc chắn nữa, và có lẽ là quan trọng nhất, là việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các điều kiện tài chính cả trong và ngoài Mỹ. 

Hiện nay số nợ tính bằng USD đang ở mức cao kỷ lục. Ngoài ra, giá tài sản cũng đang đạt tới cực điểm: giá nhà ở tại Mỹ (tính bằng Chỉ số Giá nhà Quốc gia S&P/Case-Shiller, có điều chỉnh theo CPI) vào tháng 2 đã cao hơn 15% so với hồi khủng hoảng tài chính 2007-2009; chỉ số giá cả/lợi nhuận (PE ratio) điều chỉnh theo chu kỳ của cổ phiếu đã cao hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ năm 1881, ngoại trừ khoảng thời gian cuối những năm 90 và đầu những năm 2000. 

Giá tài sản tụt dốc không phanh do phản ứng với việc thắt chặt sẽ càng đẩy nhanh chính sách của Fed một cách không thể lường trước. Kể cả những động thái mềm mỏng của Fed cũng dẫn tới những ảnh hưởng lớn: lãi suất leo thang và thị trường đã gặp biến động khó lường. 

Những gì chúng ta đã và đang chứng kiến có phải là điểm dừng của những biến động hay thực chất mới chỉ là điểm bắt đầu?

Các nhà hoạch định chính sách đang quá lạc quan về lạm phát. Fed đáng lẽ ra cần phải bình thường hóa chính sách tiền tệ ngay sau khi khủng hoảng tồi tệ nhất đã qua. Fed thực sự đang hành động quá chậm chạp, Financial Times nhận định.

Một cuộc suy thoái kinh tế là cần thiết để kiểm soát lạm phát. Hơn nữa, ngay cả khi cho rằng lạm phát tự trôi qua, một cuộc suy thoái vẫn có thể diễn ra, đơn giản là vì bất kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nào dù là nhỏ nhất cũng gây tổn hại nghiêm trọng lên thị trường tài sản mong manh hiện nay. Các nhà hoạch địch chính sách tại Fed phải đủ dũng cảm để làm mọi thứ “bằng bất cứ giá nào”.

Minh Quang