|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nhân Dzung Nguyễn: Đối mặt với 'cá mập', startup sẽ vượt qua nỗi sợ hãi

09:20 | 23/07/2018
Chia sẻ
Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan nhận định khi người khởi nghiệp dám đối mặt với "cá mập" để gọi vốn, họ sẽ vượt qua nỗi sợ của bản thân.

“Bà đỡ” cho Foody, Tiki, Vật Giá...

Trước khi trở thành một trong 4 “cá mập” chính trên chương trình Shark Tank Việt Nam, doanh nhân Nguyễn Mạnh Dũng (Dzung Nguyễn) là Giám đốc Qũy đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan. Ông từng dẫn dắt 25 công ty khởi nghiệp thành công - bao gồm Vật giá, Tiki, NhacCuaTui, Vicare, Topica, Batdongsan, Luxstay, Vexere, CleverAds.

doanh nhan dzung nguyen doi mat voi ca map startup se vuot qua noi so hai
Doanh nhân Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Qũy đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan.

Ông đồng sáng lập Foody và là người tiên phong khai phá thị trường Thái Lan, rồi đầu tư vào Priceza, Acommerce. Đặc biệt, ông còn cố vấn cho nhiều công ty gọi được vốn như Jamja, Canavi, Homedy.

Cơ sở để đánh giá startup

Với 11 năm kinh nghiệm đầu tư mạo hiểm, Dzung Nguyễn thường đánh giá startup trên bốn phương diện: quy mô thị trường, đội ngũ công ty, sản phẩm và lợi thế cạnh tranh. Theo ông, nhóm dự án giỏi sẽ tạo ra sản phẩm tốt trong thị trường lớn và hiểu lợi thế cạnh tranh dù họ đi sau.

Chia sẻ trong chương trình Café Khởi nghiệp gần đầy, người sáng lập CyberAgent cho biết, ông từng đầu tư thất bại bởi chọn sai người và không đúng thời điểm. “Mình thấy họ làm giỏi, nhưng để họ tự thiết kế, phát triển sản phẩm lại không làm được. Vì thế sản phẩm ra thị trường chậm, trong khi công ty đối thủ nhanh hơn", ông nói.

Trong buổi kêu gọi vốn, nhà đầu tư thường căn cứ vào mức lương của người sáng lập để đánh giá tâm huyết họ dành cho dự án. Những công ty được quỹ CyberAgent cam kết rót vốn đều trải qua thử thách ban đầu là mức lương chủ doanh nghiệp phải thấp nhằm chứng tỏ họ làm vì dự án mà không phải do mức lương cao.

doanh nhan dzung nguyen doi mat voi ca map startup se vuot qua noi so hai
Ông Nguyễn Mạnh Dũng xuất hiện cùng giám đốc điều hành Tiki trong chương trình Café Khởi nghiệp.

“Lương chỉ là thử thách ban đầu giúp nhà đầu tư đánh giá yếu tố con người. Nếu cam kết rót vốn, họ sẽ đề nghị mức lương phù hợp để nhà sáng lập không phải lo nghĩ về cuộc sống hàng ngày, có thể tập trung toàn bộ sức lực vào công ty”, ông Dũng nói.

“Đầu tư không phải mục tiêu, đầu tư thành công mới là mục tiêu”

Thực tế cho thấy hầu hết công ty công nghệ xây dựng nền tảng không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn quyết định rót tiền để tăng quy mô doanh nghiệp. Họ có những chỉ số đánh giá tiềm năng phát triển của nền tảng như tỷ lệ người dùng, phần trăm khách hàng quay lại sử dụng và nguyên nhân khiến họ trung thành với dịch vụ.

“Startup về nền tảng hoặc phát triển thật nhanh hoặc tụt hậu. Người lãnh đạo phải quyết định chọn lợi nhuận trước mắt nhưng thất bại sớm hay sẽ xây dựng nền tảng để sau khi mở rộng quy mô mới bắt đầu tối ưu hóa thu lợi nhuận”, Dzung Nguyễn nhấn mạnh.

Không chỉ là nhà đầu tư, Dzung Nguyễn còn trở thành bạn đồng hành, cánh tay phải cho người sáng lập mỗi khi công ty gặp rắc rối. Bởi với ông, đầu tư không phải là mục tiêu, đầu tư thành công mới là mục tiêu. Ngoài vốn, ông hỗ trợ doanh nghiệp từ nguồn lực, tìm kiếm đối tác đến tuyển dụng nhân tài.

Chỉ đầu tư vào startup có ước mơ lớn

Là một người đầu tư, ông Dũng hiểu mục đích cung cấp vốn là tăng quy mô doanh nghiệp. Bởi vậy, những mô hình kinh doanh vừa và nhỏ (SME) sẽ không thu hút quỹ đầu tư.

“Nhà đầu tư chỉ đầu tư vào những công ty có ước mơ lớn. Startup chưa sẵn sàng cho ước mơ đó thì đừng nên gọi vốn”, ông Dũng nói.

Doanh nhân Dũng cho rằng người khởi nghiệp nên tham gia các chương trình gọi vốn. Dám đương đầu với các nhà đầu tư, họ sẽ vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Đặc biệt, mỗi câu hỏi nhà đầu tư đưa ra đều là ẩn số cho người sáng lập tìm lời giải cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn, chương trình đó tạo ra cơ hội gặp gỡ tiếp theo.

“Việc gặp gỡ nhà đầu tư như một credit - thẻ tín dụng, khiến những nhà đầu tư tiếp theo tin tưởng hơn vào dự án khởi nghiệp”, ông Dũng khẳng định.

Hiện nay, thị trường xuất hiện ngày càng nhiều quỹ đầu tư, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trẻ. CEO CyberAgent nhận định cách tìm nhà đầu tư phù hợp nhất là hỏi những người bạn làm cùng lĩnh vực và từng gọi vốn thành công.

“Startup đừng tự gửi email cho nhà đầu tư. Vì nếu không thực sự nổi bật, email của bạn sẽ rất dễ bị bỏ qua”, ông Dũng khuyên các công ty khởi nghiệp muốn gọi vốn.

Xem thêm

Bùi Mến