Doanh nghiệp xuất khẩu gạo bộn bề khó khăn
9 tháng đầu năm 2019, tình hình sản xuất gạo thế giới chững lại. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đều ra ước tính sản lượng sản xuất gạo suy giảm, trong khi Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC) ước tăng nhẹ.
Đối với Việt Nam, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó khăn khi các thị trường lớn truyền thống giảm nhập khẩu, theo nhận định của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Đáng chú ý, việc tồn kho tại Trung Quốc tăng cao khiến quốc gia này không những giảm nhập mà còn trở thành đối thủ cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường như Châu Phi và Trung Đông.
Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cho biết nhu cầu tiêu thụ ảm đạm giữ giá gạo Việt Nam ở mức thấp trong gần 12 năm.
Xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2019 của nước ta vẫn tăng 5,9% về khối lượng so với cùng kì năm trước, ước đạt 5,2 triệu tấn, tuy nhiên về giá trị lại giảm 9,8%, đạt 2,24 tỉ USD.
9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp sản xuất gạo hàng đầu Việt Nam, Vinafood II (Mã: VSF) chịu cảnh kinh doanh thua lỗ khi mà hoạt động xuất khẩu trầm lắng và tiêu thụ nội địa cũng chậm lại.
Theo Vinafood II, nhu cầu thị trường rất yếu và giá chào người mua đưa ra cũng thấp so với giá thành sản xuất. Những đơn vị khác như Lộc Trời và Xuất Nhập khẩu Kiên Giang (Kigimex) cũng đón nhận kết quả kinh doanh quí III/2019 suy giảm.
Về Lộc Trời (Mã: LTG), tính riêng mảng gạo thì doanh thu quí III là 845 tỉ đồng, giảm 1,6% so với cùng kì năm trước, trong khi tỉ lệ giá vốn trên doanh thu mảng này lại tăng từ 90,6% lên mức 96,7%.
Các mảng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và giống (chủ yếu là giống lúa) của Lộc Trời cũng chịu ảnh hưởng khi doanh thu giảm lần lượt 2,5% và 12% so với cùng kì, đạt 890 tỉ đồng và 184 tỉ đồng trong quí III/2019.
Vinaseed (Mã: NSC), doanh nghiệp giống (chuyên về lúa) lớn của Việt Nam, cũng tham gia sản xuất gạo nhưng tập trung vào sản phẩm có thương hiệu phục vụ thị trường nội địa, chưa tham gia nhiều vào hoạt động xuất khẩu.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, doanh thu và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) quí III/2019 của Vinaseed lần lượt giảm 21% và 49% so với cùng kì năm trước.
Vẫn có những doanh nghiệp tìm được hướng đi riêng, giữa bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều thử thách, như Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR).
Xét tổng thể 9 tháng đầu 2019, doanh thu của Trung An suy giảm khi hoạt động xuất khẩu vào Trung Quốc bị ảnh hưởng. Trong quí II và quí III/2019, thị trường xuất khẩu chính của Công ty phải tập trung vào các đối tác truyền thống từ Philippines, Thái Lan, Maylaysia, Dubai và Pháp,...
Tuy nhiên, lợi nhuận của Trung An vẫn tăng trưởng nhờ việc đẩy mạnh bán hàng tại thị trường nội địa thông qua chuỗi bán lẻ gần 20 cửa hàng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng bán cho các đối tác như VinEco, VinCommerce, các hệ thống trường học,...
Tỉ trọng doanh thu nội địa trong 9 tháng đầu năm nay của Trung An là trên 76%, trong khi cùng kì năm trước ở mức 54%. Đây cũng là lí do mà trong quí III năm nay, doanh thu Công ty giữ được mức xấp xỉ cùng kì.
Với việc triển khai hệ thống cánh đồng mẫu lớn 50.000 ha và 800 ha gạo Organic, Trung An kì vọng kết quả kinh doanh sắp tới sẽ khả quan hơn khi thị phần gạo Organic của Công ty vẫn đang tăng ổn định.
Angimex là đơn vị báo lãi ròng quí III tăng trưởng 23% so với cùng kì năm trước, nhờ cải thiện được biên lợi nhuận gộp mảng gạo.
Tính chung 9 tháng đầu năm, dù doanh thu suy giảm 16% so với cùng kì xuống còn 1.029 tỉ đồng, việc tỉ lệ giá vốn/doanh thu giảm từ 93,8% xuống còn 91,9% góp phần giúp lãi ròng Angimex tăng trưởng đến 43%, đạt 31 tỉ đồng.
(Nguồn: TV tổng hợp)
Về tiến độ thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2019, sau 3 quí kinh doanh, đa phần doanh nghiệp ngành gạo vẫn còn cách khá xa so với các chỉ tiêu đặt ra cả năm.
Angimex là đơn vị duy nhất đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, tính đến hết tháng 9 năm nay. Về phần Trung An, dù lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhưng việc đặt kế hoạch tham vọng khiến tiến độ thực hiện chỉ tiêu của doanh nghiệp này tương đối thấp.
(Nguồn: TV tổng hợp)
(Nguồn: TV tổng hợp)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) nhận định giá lúa, gạo trong nước có thể giảm nhẹ do thiếu vắng nhu cầu mới, thị trường xuất khẩu gạo sẽ rất thử thách trong thời gian tới.
Trong tháng 9, chính phủ Phillipines cho biết đang đề xuất áp thuế tự vệ đối với nhập khẩu gạo, dự kiến sẽ không thấp hơn 30%, do qui định trong Đạo luật Cộng hòa số 8800 của nước này có đề cập Philippines có thể áp thuế 30 - 80% đối với gạo nhập khẩu vượt quá 350 nghìn tấn.
Tính trong 8 tháng đầu năm 2019, Philippines là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam với 36,1% thị phần, khi đạt 1,76 triệu tấn và 720,4 triệu USD, gấp 2,9 lần về khối lượng và gấp 2,6 lần về giá trị so với cùng kì năm 2018.
Như vậy, gạo nhập khẩu vào Philippines ngoài việc phải chịu thuế quan 35%, trong trường hợp nước này đã nhập khẩu quá 350 nghìn tấn thì mức thuế phải chịu thấp nhất sẽ là 65%.
Vẫn có những cơ hội cho gạo Việt Nam khi Singapore đang xem xét chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu từ các nguồn khác ngoài Thái Lan.
Trong khi đó, Nhật Bản - quốc gia thường xuyên nhập khẩu 50% gạo từ Mỹ đang xem xét chuyển hướng sang nhập khẩu gạo từ các quốc gia kí kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có Việt Nam.