Toàn cảnh KQKD các ông lớn quí III: Khối ngân hàng vui, nhiều doanh nghiệp buồn
Ngân hàng lên ngôi
Ngân hàng là nhóm chiếm số lượng lớn trong chỉ số VN30 với 9 đại diện góp mặt. Nhóm các ngân hàng này tạo ra tổng lợi nhuận sau thuế 18.364 tỉ đồng dành cho cổ đông ngân hàng mẹ (lợi nhuận ròng), trong đó riêng Vietcombank là 5.048 tỉ đồng, tương ứng 27,5% tổng số. Tất cả các ngân hàng đều có lợi nhuận ròng quí III/2019 tăng trưởng so với cùng kì năm trước.
Về chỉ tiêu thu nhập lãi thuần, Eximbank là cái tên duy nhất có kết quả sụt giảm so với cùng kì, đồng thời đơn vị này cũng là ngân hàng thuộc nhóm VN30 có lãi ròng bé nhất.
(Nguồn: TV tổng hợp)
Trong một báo cáo hồi đầu tháng 10, Pyn Elite Fund, quĩ ngoại đang quản lí hàng trăm triệu USD (415 triệu USD tính đến 30/9/2019) cũng tỏ ra lạc quan về viễn cảnh kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam khi chứng kiến nhu cầu cho vay tại các nhà băng đang tăng mạnh, đặc biệt là nhóm ngân hàng bán lẻ.
Cùng với đó, các ngân hàng có nguồn thu tiềm năng từ phí dịch vụ liên quan đến các hợp đồng bancassurance với khối bảo hiểm. "Những nhà băng được chọn đối tác tùy thích", bà Maggie Yi, chuyên viên phân tích của Pyn Elite, cho biết.
Nhóm "họ Vin"
Vingroup đạt doanh thu thuần 31.571 tỉ đồng trong quí III/2019, tăng 35% so với cùng kì nhưng lợi nhuận giảm 19%, xuống còn 498 tỉ đồng. Vẫn tăng trưởng đều ở các mảng nhưng cơ cấu doanh thu quí III của tập đoàn này có sự chuyển dịch từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) sang các hoạt động cho thuê BĐS, bán lẻ, khách sạn nghỉ dưỡng và sản xuất (Vinfast, Vinsmart).
Mảng cho thuê BĐS tăng trưởng tích cực đã thúc đẩy lợi nhuận của Vincom Retail trong quí III năm nay, ngay cả khi tổng doanh thu giảm do hoạt động chuyển nhượng BĐS chỉ mang về 339 tỉ đồng doanh thu, trong khi cùng kì là 1.501 tỉ đồng.
Vinhomes, đơn vị quản lí mảng BĐS trong "nhà họ Vin", đạt kết quả tích cực nhờ mảng chuyển nhượng BĐS tăng trưởng mạnh. Quí III năm nay, doanh thu mảng này đạt 9.992 tỉ đồng, tăng trưởng 81% so với cùng kì, và biên lãi gộp cũng cải thiện từ 46,1% lên mức 65,4%.
(Nguồn: TV tổng hợp)
Vừa qua, VN-Index cũng đã vượt qua mốc 1.000 điểm nhờ sự dẫn dắt từ nhóm cổ phiếu "họ Vin" và các cổ phiếu ngân hàng.
(Nguồn: TV tổng hợp)
Ngoài thành tích kinh doanh tích cực của doanh nghiệp, diễn biến khởi sắc kể trên cũng được thúc đẩy bởi các đợt mua cổ phiếu quĩ với tổng giá trị gần chục nghìn tỉ đồng của Vinhomes, Vincom Retail và các ngân hàng HDBank, VPBank.
Trước đó, vào tháng 8, một đơn vị có cổ phiếu thuộc VN30 cũng tham gia mua vào lượng lớn cổ phiếu quĩ là Vietjet.
Các ông lớn bán lẻ, hàng tiêu dùng đồng loạt báo lãi tăng trưởng
Nhóm những doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng tiếp tục đạt thành tích kinh doanh tích cực, với những câu chuyện riêng.
Như Sabeco bắt đầu cho thấy những chuyển biến rõ nét hơn trong tay những ông chủ người Thái. Việc triển khai chiến dịch tái khởi động thương hiệu, tăng giá bán các dòng bia giúp doanh thu quí III tăng trưởng 14% so với cùng kì. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát chi phí và nâng cao năng suất, lợi nhuận của Sabeco tăng trưởng ở mức còn ấn tượng hơn, với 42%.
Trong bối cảnh mảng kinh doanh điện thoại chững lại, Thế Giới Di Động vẫn đang tiếp tục tăng trưởng nhờ chiến lược mở rộng ngành hàng với những thành công bước đầu của các dòng sản phẩm đồng hồ, mắt kính và đẩy mạnh phát triển hệ thống Bách Hóa Xanh, Điện Máy Xanh. Biên lãi gộp của Thế Giới Di Động trong quí III ở mức 19,6%, cao nhất lịch sử niêm yết.
Một nhà bán lẻ khác là PNJ, đã trở lại quĩ đạo tăng trưởng trong quí III năm nay sau sự cố liên quan đến hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Tính đến cuối tháng 9, PNJ cũng gia tăng tích trữ hàng tồn kho để chuẩn bị cho giai đoạn kinh doanh cao điểm quí IV/2019 - quí I/2020.
Với Tập đoàn Masan, doanh thu thuần hợp nhất trong kì của của Masan Group giảm 2,2% so với cùng kì năm trước do ảnh hưởng từ Dịch tả heo châu Phi (ASF) và giá Vonfram trên thị trường xuống thấp. Dù vậy, lợi nhuận của Masan vẫn tăng trưởng mạnh nhờ thu nhập bất thường từ vụ thắng kiện với Jacobs E&C Australia vào Quý 3/2019.
(Nguồn: TV tổng hợp)
Nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu kém sắc
Cùng với Vinhomes, một trường hợp khác trong lĩnh vực BĐS hoạt động hiệu quả trong quí III là Cơ Điện Lạnh (REE). REE cho biết lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ nguồn thu từ mảng bất động sản gia tăng do ghi nhận doanh thu cho thuê tòa nhà ETown Central được lấp đầy so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó là nguồn thu nhập từ cổ tức, lãi tiền gửi tăng.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp đầu ngành như Novaland và Coteccons là phản ánh rõ nét cho bức tranh kém sắc của thị trường BĐS và xây dựng Việt Nam trong thời gian qua.
Đối với Coteccons, báo cáo tài chính quí III với những con số doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh đã đẩy cổ phiếu CTD tiếp tục rơi và chốt phiên 5/11 tại giá 74,500 đồng/cp, thấp nhất kể từ đầu năm 2016.
Hiện, vốn hóa thị trường của Coteccons xấp xỉ 5.750 tỉ đồng, trong khi lượng tiền và tiền gửi mà doanh nghiệp này sở hữu đã là 3.975 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 9 năm nay, Công ty có vốn chủ sở hữu 8.226 tỉ đồng và không hề vay nợ.
Trong khi đó, trước những biến động không thuận lợi trên thị trường quặng sắt, thép cùng với sự chững lại của thị trường xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát, nhà sản xuất thép đầu ngành, tiếp tục báo quí thứ tư liên tiếp suy giảm lợi nhuận, mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng đều.
(Nguồn: TV tổng hợp)
Về phần các doanh nghiệp còn lại, chỉ có duy nhất FPT và Tập đoàn Bảo Việt là tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận trong quí III năm nay.
Lợi nhuận ròng quí III/2019 của Chứng khoán SSI giảm 29% so với cùng kì năm trước. Kết quả này chủ yếu là do mảng môi giới chứng khoán của Công ty suy giảm mạnh, trong khi chi phí lãi vay tăng cao trong quí III.
Một doanh nghiệp có lợi nhuận suy giảm đến 61% là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, PVFCCo). Theo Đạm Phú Mỹ, kết quả này là do yếu tố mùa vụ khiến sản lượng giảm, cùng với đó giá bán cũng thấp hơn dẫn đến việc biên lãi gộp co lại còn 16,6% trong quí III năm nay, trong khi cùng kì ở mức 22,3%.
(Nguồn: TV tổng hợp)