|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

KQKD doanh nghiệp BĐS quí III: Nam Long - Phát Đạt nghịch chiều

09:50 | 25/10/2019
Chia sẻ
17 doanh nghiệp BĐS niêm yết công bố KQKD quí III/2019 đạt 1.343 tỉ đồng LNST của cổ đông công ty mẹ. Đáng chú ý, một DN BĐS tăng trưởng khá ổn định trong nhiều năm qua như Nam Long ghi lợi nhuận giảm mạnh, trong khi Phát Đạt tăng trưởng tương ứng.

Theo thống kê của người viết, tính đến ngày 24/10/2019 đã có 17/66 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quí III/2019. Trong đó, có 9 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận, 1 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi, 6 doanh nghiệp giảm lãi và 1 doanh nghiệp lỗ.

17 doanh nghiệp này tạo ra 4.777 tỉ đồng doanh thu thuần1.343 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST) của cổ đông công ty mẹ trong quí III, tăng 1% về doanh thu và giảm 6% về lợi nhuận so với cùng kì.

BDS-KQKD-QIII-2019

KQKD của 17/66 doanh nghiệp BĐS niêm yết tính đến ngày 24/10/2019 (Đvt: Tỉ đồng). Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp

Đất Xanh, Phát Đạt dẫn đầu tăng trưởng

CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) tạm dẫn đầu nhóm BĐS với 351 tỉ đồng (LNST) của cổ đông công ty mẹ, tăng 10% so với cùng kì. 

Nhìn chung, doanh thu tăng trưởng 13% trong khi giá vốn hàng bán giảm 31% so với cùng kì giúp Đất Xanh đạt KQKD tăng trưởng trong quí III. Trong đó, mảng môi giới tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất trong nguồn thu của Đất Xanh.

Sau Đất Xanh, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cũng báo lãi quí III đột biến với 161 tỉ đồng, nhờ ghi nhận doanh thu bán đất nền tại hai dự án là Phát Đạt Bàu Cả và Phân khu số 4, thuộc khu đô thị sinh thái Nhơn Hội, Bình Định.

Quí III năm nay là quí đầu tiên CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HOSE: D2D) đạt mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2009 với kết quả 155 tỉ đồng. Trong đó, công ty có nguồn thu 300 tỉ đồng từ dự án Khu dân cư Lộc An.

CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã: NBB), việc ghi nhận 123 tỉ đồng tiền lãi từ chuyển nhượng cổ phần đã giúp công ty đạt lợi nhuận gấp 5 lần cùng kì với 119 tỉ đồng.

Tính đến cuối kì kế toán quí III, Năm Bảy Bảy đã thoái hết vốn tại công ty con CTCP Đầu tư Sài Gòn RiverFront, trong khi giá trị đầu tư tại thời điểm đầu năm được ghi nhận hơn 219 tỉ đồng.

Trong số các doanh nghiệp BĐS niêm yết đã công bố KQKD quí III, Năm Bảy Bảy là đơn vị duy nhất vượt kế hoạch kinh doanh sau 9 tháng đầu năm.

Lợi nhuận Nam Long giảm 65%, Đạt Phương lần đầu báo lỗ

Đối với CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG), nhiều dự án đang triển khai hoặc chưa đủ điều kiện hạch toán doanh thu là nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận của công ty giảm 65% so với cùng kì, đạt 146 tỉ đồng.

Nam Long cũng cho biết, các dự án mới như Novia, Waterpoint, Paragon Đại Phước đang trong quá trình xây dựng. Còn các dự án cũ như Valora Island, Kikyo Flora đã dần hoàn tất tiến độ giao nhà trong nửa đầu năm 2019.

Ở một diễn biến khác, CTCP Licogi 14 (Mã: L14) cho biết lợi nhuận quí III của công ty giảm 28% về 19 tỉ đồng do hai nguyên nhân chính: Công trình làm đường 3C nối với cao tốc Nội Bài Lào Cai (Yên Bái) chưa được nghiệm thu và doanh thu từ dự án Đô thị Minh Phương sụt giảm do "số diện tích còn lại bị ảnh hưởng về yếu tố phong thủy không tốt". 

Không chỉ lợi nhuận giảm sút mà lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, CTCP Đạt Phương (Mã: DPG) báo lỗ 9 tỉ đồng, trong khi cùng kì công ty lãi 35 tỉ đồng. Theo Đạt Phương, nguyên nhân chính cho kết quả này là do thời tiết quí III không thuận lợi dẫn đến lợi nhuận từ hoạt động thủy điện suy giảm.

17 doanh nghiệp tồn kho 27.551 tỉ đồng

Tính đến ngày 30/9/2019, qui mô tài sản của 17 doanh nghiệp BĐS niêm yết đã công bố KQKD quí III năm 2019 mở rộng 16% so với thời điểm đầu năm, ghi nhận 76.878 tỉ đồng

Trong đó, Đất Xanh là đơn vị có giá trị tài sản lớn nhất, gần chạm mốc 18.000 tỉ đồng, chủ yếu là các khoản phải thu chiếm 46% và hàng tồn kho chiếm 30%.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho của 17 doanh nghiệp này cũng tăng 22% so với thời điểm đầu năm, ghi nhận khoảng 27.551 tỉ đồng. Phát Đạt tạm dẫn đầu hàng tồn kho của nhóm doanh nghiệp BĐS với 7.017 tỉ đồng.

Trong 5 dự án tồn kho của Phát Đạt,  The EverRich 2 và The EverRich đã được Phát Đạt chuyển nhượng lấy tiền trả nợ cho Ngân hàng Đông Á từ cuối năm 2017.

Tại ngày lập Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quí III, hai dự án này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục yêu cầu theo qui định của Nhà nước để đủ điều kiện chuyển nhượng. 

Ngoài ra, tổng dư nợ vay của các doanh nghiệp trên cũng tăng 23% so với đầu năm, ghi nhận 11.083 tỉ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 34%, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 18%, lần lượt ghi nhận 3.664 tỉ đồng và 7.419 tỉ đồng.

Đất Xanh, Đạt Phương, Phát Đạt là những đơn vị có dư nợ vay trên 1.000 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ vay 1.871 tỉ đồng của Phát Đạt chỉ mới phát sinh trong năm nay. Riêng giá trị của 7 đợt trái phiếu Phát Đạt đã phát hành trong năm để tài trợ vốn cho dự án Nhơn Hội, Bình Định chiếm 71% dư nợ vay, tương đương 1.349 tỉ đồng.

BDS-tong-tai-san-QIII-2019

Tài sản của 17 doanh nghiệp (Đvt: Tỉ đồng). Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp.

BDS-hang-ton-kho-QIII-2019

Tồn kho của 17 doanh nghiệp (Đvt: Tỉ đồng). Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp.

BDS-du-no-vay-QIII-2019

Tổng dư nợ vay của 17 doanh nghiệp (Đvt: Tỉ đồng). Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp.

Nguyên Ngọc

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.