Trái chiều kết quả kinh doanh của các đại gia phân phối công nghệ
3 đại gia phân phối công nghệ trên sàn chứng khoán là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT); CTCP Đầu tư Thế Giới Di động (HoSE: MWG) và CTCP Thế Giới Số (HOSE: DGW). Trong quý III/2019, với những chiến lược khác nhau, các công ty trên đã ghi nhận những kết quả kinh doanh có phần trái chiều.
Bài toán doanh thu, chi phí vốn luôn là một bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp. Việc chi phí bào mòn miếng bánh lợi nhuận vốn không phải điều hiếm gặp.
FRT: Doanh thu tăng mạnh nhưng lãi vẫn giảm
Trong quý III/2019, FRT mặc dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng tích cực nhưng lãi sau thuế lại sụt giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, quý III/2019, doanh thu của FRT đã tăng thêm 24,5% so với cùng kỳ chủ yếu do doanh thu online tăng 80% và việc mở rộng thêm 26 cửa hàng điện thoại mới trong quý III/2019.
Ngoài ra, việc hợp nhất chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu. FRT cho biết nếu tính riêng kết quả của Long Châu, doanh thu chuỗi nhà thuốc này tăng mạnh 90% lên 496 tỷ đồng khi số lượng cửa hàng tăng từ 23 vào thời điểm cuối năm 2018 lên 50 vào thời điểm cuối tháng 09/2019.
Nguồn: NCĐT tổng hợp.
Mặc dù doanh thu tăng mạnh tuy nhiên dự phòng nợ xấu liên quan đến chương trình F.Friends và trợ giá nhà mạng ảnh hưởng đến lợi nhuận. Phía FRT cho biết trong tháng 09/2019, FRT ghi nhận dự phòng nợ xấu khoảng 10 tỷ đồng liên quan đến các khoản nợ xấu mà công ty chưa nhận bồi thường từ các công ty bảo hiểm (tổng cộng khoảng hơn 20 tỷ đồng).
Biên lợi nhuận gộp giảm 1,39 điểm % so với cùng kỳ năm 2018. Kết thúc quý III/2019, lãi sau thuế của FRT giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Thế Giới Di Động (MWG) lại ghi nhận mức biên lợi nhuận gộp cao nhất từ trước đến nay khiến bức tranh kinh doanh trong quý III/2019 khá tích cực.
MWG nước lên thuyền lên...
Mặc dù quý III/2019 là quý đầu tiên trong năm 2019 MWG ghi nhận doanh thu dưới 1.000 tỷ đồng, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế của MWG đều tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.
Về hoạt động kinh doanh chính, doanh thu thuần của Thế Giới Di Động tăng hơn 20% trong quý III/2019. Trong 9 tháng đầu năm 2019, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 76.763 tỷ đồng tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Mảng online đóng góp 13% trong tổng doanh thu của MWG. Cuối tháng 09/2019, MWG có 2.706 cửa hàng, tăng 85 cửa hàng so với cuối tháng 8, đây cũng là một yếu tố khiến doanh thu của MWG tăng mạnh.
Ngoài ra, MWG cho biết Công ty đã hoàn tất thay đổi trưng bày cho thêm 125 cửa hàng Điện máy xanh mini trong quý III/2019. Chuỗi Bách hóa xanh phát triển thêm 63 điểm bán và nâng tổng số cửa hàng lên 788. Chuỗi “Điện Thoại Siêu Rẻ” có 11 cửa hàng thử nghiệm tại TP.HCM.
Biên lợi nhuận gộp đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đạt mức 19,65% trong quý III/2019 nhờ sự đóng góp tích cực của ngành hàng điện lạnh, gia dụng, dụng cụ nhà bếp, thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh.
Nguồn: NCĐT tổng hợp.
Kết quả, cuối quý III/2019 Thế Giới Di Động báo lãi sau thuế hơn 855 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 3 đại gia này, thì DGW là Công ty có biên lợi nhuận thấp nhất, trong 7 quý gần đây, biên lợi nhuận của DGW luôn duy trì dưới 8%. Dù vậy, DGW lại ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, vượt dự báo của các chuyên gia.
DGW tăng trưởng đồng bộ
Nguồn: NCĐT tổng hợp.
Trong quý III/2019, doanh thu của DGW tăng hơn 53% so với quý III/2018. Điều tích cực là cả 4 mảng của DGW đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2018. Cụ thể, mảng kinh doanh máy tính xách tay và máy tính bảng ghi nhận doanh thu tăng hơn 32% trong quý III/2019 nhờ xu hướng cao cấp hóa của khối tiêu dùng cá nhân và xu hướng số hóa của khối doanh nghiệp.
Ngoài ra, mảng kinh doanh điện thoại di động cũng tăng hơn 80% nhờ ra mắt nhiều mẫu điện thoại mới. Thiết bị văn phòng cũng ghi nhận doanh thu tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhóm hàng tiêu dùng ghi nhận hơn 66 tỷ đồng doanh thu, gấp 6,6 lần cùng kỳ 2018.
Biên lợi nhuận gộp cũng có sự cải thiện, tăng 0,92 điểm % so với quý III/2019. Tổng kết quý III/2019, DGW báo lãi sau thuế tăng 43% so với cùng kỳ năm 2018, ghi nhận hơn 50,6 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), DGW ở vị thế tốt để hưởng lợi từ sự gia tăng hợp nhất của thị trường laptop Việt Nam và nhu cầu gia tăng từ chiến dịch số hóa của Chính phủ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Điện thoại Xiaomi có sự cạnh tranh về giá cả cạnh tranh, thương hiệu để thúc đẩy mở rộng thị phần tại thị trường Việt Nam. Mảng hàng tiêu dùng thành động lực tăng trưởng chủ chốt của công ty khi độ nhận diện sản phẩm và mạng lưới phân phối vững chắc hơn trong tương lai...