Lợi nhuận các ngân hàng đang ở đâu so với vạch đích năm 2019?
Đã có ngân hàng vượt qua vạch đích
Chỉ còn một khoảng thời gian ngắn nữa là năm tài chính 2019 sẽ kết thúc, tính thời thời điểm hiện tại, các ngân hàng mới chỉ công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm và một vài ngân hàng có kết quả của 10 tháng.
Tuy nhiên, bức tranh tổng thể cho kết quả khả quan khi theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm có 11 trong tổng số 27 ngân hàng khảo sát ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực khi thực hiện trên 80% kế hoạch lợi nhuận.
Trong đó, hai ngân hàng và Eximbank và Saigonbank đã có con số lợi nhuận vượt kế hoạch của cả năm. Cụ thể, Saigonbank có lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt gần 221 tỉ đồng, vượt 26,3% kế hoạch năm; Eximbank vượt kế hoạch năm 2,3% mặc dù lợi nhuận trước thuế 9 tháng giảm gần 3% xuống 882 tỉ đồng.
Đối với Saigonbank, kết quả này chủ yếu đến từ việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro từ 158 tỉ đồng xuống còn 55 tỉ đồng. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động kinh doanh khác giảm lần lượt 68,1% và 40,3%.
Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, VietinBank gần về đích khi thực hiện được hơn 89% kế hoạch năm với lợi nhuận trước thuế 8.456 tỉ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận sự tăng trưởng mạnh với mức lãi thuần đạt 1.189 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kì 2018 và đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của ngân hàng.
Riêng Agribank dù lãi trước thuế 9 tháng ước đạt 9.700 tỉ đồng, bằng 88,2% kế hoạch năm (11.000 tỉ đồng) nhưng sau một tháng chỉ tiêu này đã tăng mạnh lên 10.350 tỉ đồng, gần sát với vạch đích của năm.
Mặc dù có con số % đạt theo kế hoạch năm thấp nhất (86%) nhưng Vietcombank lại là ngân hàng có con số lợi nhuận cao nhất và tăng mạnh nhất trong nhóm "ông lớn" ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 17.613 tỉ đồng, tăng 51% so với cùng kì.
Trong khi đó, BIDV vẫn cách vạch đích khá xa với lãi trước thuế 9 tháng đạt hơn 7.000 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kì và chỉ mới bằng 68% kế hoạch năm. Nguyên nhân là trong ba quí vừa qua BIDV đã trích tới hơn 16.500 tỉ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng gần 15% dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng.
Đối với nhóm ngân hàng cổ phần, ngoài Eximbank và Saigonbank nói trên đã cán đích thì có 6 ngân hàng đã thực hiện trên 80% kế hoạch lợi nhuận năm gồm VIB, Sacombank, LienVietPostBank, SeABank, VietBank và SCB. Kết quả này có được chủ yếu đến từ việc tăng trưởng thu nhập lãi thuần và mảng dịch vụ.
Ở chiều ngược lại, OCB, MSB, Bản Việt, VietABank, NCB là những ngân hàng chỉ mới hoàn thành dưới 65% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong đó, NCB là ngân hàng cách vạch đích xa nhất khi chỉ mới thực hiện được hơn 34% kế hoạch năm.
Được biết, 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của NCB giảm 4,9% với gần 705 tỉ đồng. Hoạt động kinh doanh khác ghi nhận sự sụt giảm mạnh 94% chỉ mang về 5,5 tỉ đồng, cùng kì năm trước là 92 tỉ đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn tăng mạnh chi phí dự phòng (hơn 40%) cùng với mức trích xử lí theo đề án tái cơ cấu lớn (70 tỉ đồng).
Ghi chú *: Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ, đvt: Tỉ đồng (MA tổng hợp).
Nhiều ngân hàng kì vọng kết quả kinh doanh 2019 tăng cao hơn năm trước
Theo kết quả cuộc điều tra "Xu hướng kinh doanh" mới nhất do NHNN tiến hành vào tháng 9 thì tình hình kinh doanh 2019 của ngân hàng sẽ tiếp tục có cải thiện tốt.
Dự kiến trong quí IV, có 82,3% tổ chức tín dụng (TCTD) kì vọng tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện" và 87,1% TCTD kì vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 "cải thiện" hơn so với năm 2018. Trong đó, 28,4% - 29,7% TCTD kì vọng "cải thiện nhiều", cao hơn so với tỉ lệ ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2019.
Dự kiến đến cuối năm 2019, có 91% TCTD kì vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2018, 3% TCTD kì vọng không đổi và 6% TCTD lo ngại suy giảm.
Cùng với đó, các nhân tố khách quan và chủ quan được các TCTD đánh giá là có cải thiện hơn so với quí trước.
Trong các nhân tố khách quan thì "cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của TCTD" tiếp tục được đánh giá là cải thiện tốt hơn các nhân tố khác. Còn về phía các nhân tố chủ quan, "Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của TCTD" và "Năng lực tài chính của TCTD" được đánh giá là cải thiện tích cực nhất trong quí III/2019.
Hầu hết TCTD kì vọng hai nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan trên cùng với "Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng" sẽ tiếp tục được cải thiện rõ nét nhất.