|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Toàn cảnh nhóm Vinachem quí III: Lợi nhuận Pinaco giảm, DAP lại lỗ, Cao su Đà Nẵng trở lại đường đua

11:27 | 24/10/2019
Chia sẻ
Tính đến 23/10/2019, tất cả có 17 doanh nghiệp mà Vinachem sở hữu cổ phần đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quí III, với tổng lợi nhuận sau thuế gần 384 tỉ đồng và tổng tài sản cuối kì vào khoảng 23.720 tỉ đồng.

Doanh nghiệp lãi sau thuế lớn nhất là Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC), với hơn 118 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả này chỉ bằng phân nửa cùng kì năm trước, do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm suy giảm vì thương chiến Mỹ - Trung và tình hình sản xuất nông nghiệp các nơi gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, biên lãi gộp Công ty trong quí III/2019 cũng giảm xuống mức 16,4%, cùng kì là 23,5%.

Doanh nghiệp thua lỗ duy nhất là DAP - VINACHEM (Mã: DDV), một trong 4 dự án nghìn tỉ thua lỗ thuộc Vinachem (cùng Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình và DAP số 2 - Vinachem), đồng thời cũng nằm trong nhóm đại dự án kém hiệu quả của Bộ Công Thương.

DAP - VINACHEM lỗ 18,4 tỉ đồng trong quí III, nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm vẫn lãi sau thuế 2,7 tỉ đồng. Mới vừa qua, Hội đồng Quản trị Công ty đã thông qua mục tiêu lợi nhuận 0,2 tỉ đồng cả năm 2019, tương ứng kế hoạch lỗ nhẹ vào quí IV.

kqkd nhom vinachem

Kết quả kinh doanh quí III/2019 của 17 doanh nghiệp có vốn góp của Vinachem. (Nguồn: Báo cáo tài chính quí III của các doanh nghiệp)

Với các mức giá khởi điểm và giá trúng cao ngất của SRC và DCI, mục tiêu của bên mua trong thương vụ cũng từng được giới đầu tư đặt dấu hỏi, là để phát triển doanh nghiệp hay bàn đạp thâu tóm đất đai.

Vào tháng 6-7/2019, Vinachem đã đấu giá thành công một phần sở hữu tại Bột giặt NET, Tư vấn Đầu tư & Xây Dựng Mỏ (Incodemic), Cao su Sao Vàng (Mã: SRC) và thoái toàn bộ vốn tại Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (Mã: DCI), qua đó thu về gần 410 tỉ đồng.

Quí III vừa qua, Bột giặt Net (Mã: NET) là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất, cao hơn 48% so với cùng kì.

Cao su Sao Vàng cũng là đơn vị có lợi nhuận khởi sắc trong quí III, lũy kế 9 tháng đạt 20,6 tỉ đồng lãi sau thuế. Dù vậy, thành tích này so với qui mô tài sản gần 830 tỉ đồng của doanh nghiệp là tương đối thấp.

Một doanh nghiệp săm lốp khác, Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina - Mã: CSM) có hiệu quả sử dụng tài sản còn kém hơn. Với tổng tài sản trên 3.777 tỉ đồng, đơn vị này chỉ lãi hơn 10 tỉ đồng trong quí III và lũy kế 9 tháng là gần 19 tỉ đồng.

Nguyên nhân chính yếu dẫn đến thành tích kinh doanh kém vui của nhóm săm lốp chính là áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ FDI và các sản phẩm giá rẻ Trung Quốc tràn vào nội địa. Ở chiều ngược lại, việc lốp xe Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cũng đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu đối với doanh nghiệp Việt.

Theo đó, Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) đã tận dụng được thời cơ khi đẩy mạnh xuất khẩu lốp radial sang thị trường Mỹ. Từ giữa quí II/2019, doanh nghiệp này cũng tăng giá bán 5% để bù đắp lại việc chi phí nguyên liệu đầu vào tăng. Kết quả quí III, Cao su Đà Nẵng báo lãi sau thuế gần 82 tỉ đồng, tăng trưởng đến 164% so với cùng kì.

Đáng lưu ý, Cao su Đà Nẵng là khoản đầu tư mà Vinachem đã thoái vốn hụt trong tháng 5/2019. Một đợt đấu giá "ế" khác của Vinachem là tại Phân bón Miền Nam (Mã: SFG), doanh nghiệp đến nay vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quí III.

Theo Đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017 - 2020, vẫn còn nhiều doanh nghiệp sẽ được tập đoàn này thoái vốn theo kế hoạch. Tuy nhiên trong nửa đầu năm 2019, lượng lớn cổ phần của Vinachem tại Phân bón Bình Điền (Mã: BFC), Bột giặt Lix (Mã: LIX) và Hóa chất Việt Trì (Mã: HVT) đã bị phong tỏa vì tập đoàn dính kiện tụng, tranh chấp với các đối tác.

Cụ thể, lần thứ nhất vào ngày 15/2, Tòa án Nhân dân TP HCM đã quyết định phong tỏa 12,17 triệu cp BFC thuộc sở hữu Vinachem, cùng số dư 13 triệu USD tài khoản tại Chi nhánh Ba Đình của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Lần hai vào ngày 4/4, khi 24 triệu cp BFC, 10 triệu cp LIX và 7,5 triệu cp HVT bị phong tỏa. Xét khoảng thời gian từ 4/4 đến hết 23/10, tổng giá trị thị trường của lượng cổ phần nói trên đã giảm từ 1.399 tỉ đồng xuống còn 1.081 tỉ đồng, tương ứng mất 29% giá trị.

Về kết quả kinh doanh quí III của nhóm doanh nghiệp nói trên, trong khi Bột giặt Lix tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận lần lượt 16% và 25%, thì lãi sau thuế của Hóa chất Việt Trì giảm đến 59% so với cùng kì. Riêng Phân bón Bình Điền tính đến 23/9/2019 vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quí III.

Những doanh nghiệp lớn khác như Hóa chất Cơ bản Miền Nam, Pin Ắc quy Miền Nam cùng Supe Phốt phát & Hóa chất Lâm Thao đều báo lãi suy giảm.

Trong đó, Hóa chất Lâm Thao suy giảm nặng nề nhất với lợi nhuận quí III/2019 giảm đến 92% so với cùng kì. Nguyên nhân là do biên lãi gộp Công ty suy giảm giữa bối cảnh thị trường phân bón nội địa cạnh tranh gay gắt. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm khó khăn khiến Hóa chất Lâm Thao phải giãn nợ, lùi thời gian thanh toán tiền hàng dẫn đến chi phí lãi vay tăng cao. 

Thừa Vân

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.