Thời của doanh nghiệp nhiệt điện?
Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại
Điện than tăng trưởng mạnh bù đắp thủy điện
Kết quả kinh doanh của nhiều nhà máy nhiệt điện trong quí III năm nay cho thấy tín hiệu khởi sắc so với cùng kỳ, đặc biệt đối với các nhà máy nhiệt điện than ở khu vực Miền Bắc.
Trong các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, hai nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh và Nhiệt điện Phả Lại đều ghi nhận doanh thu tăng gấp rưỡi, lần lượt đạt 2.268 tỉ đồng và 1.958 tỉ đồng. Trong khi Nhiệt điện Hải Phòng cũng báo mức tăng trưởng trên 32%, đạt doanh thu 2.326 tỉ đồng. Một nhà máy khác là Nhiệt điện Ninh Bình thậm chí tăng gấp đôi doanh thu, đạt 280 tỉ đồng.
Trong khi đó tại khu vực phía Nam, doanh thu của các nhà máy tăng trưởng ít hơn, như Nhơn Trạch 2 tăng 8% đạt 1.745 tỉ đồng; Nhiệt điện Bà Rịa tăng 12%, đạt doanh thu 231 tỉ đồng. Đây cũng là hai nhà máy sử dụng nhiên liệu khí phục vụ sản xuất.
BM tổng hợp
Trong một báo cáo tổng kết tình hình 9 tháng đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu rõ việc huy động cao các nhà máy nhiệt điện than cho hệ thống điện quốc gia, trong bối cảnh nguồn thủy điện khó khăn khi chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Thực tế mực nước ở nhiều hồ thủy điện thấp hơn mực nước chết khiến cho nhà máy không thể vận hành. Theo số liệu từ EVN, mực nước hụt so với mức nước dâng bình thường hơn 29 tỉ m3, tương ứng sản lượng điện thiếu hụt 12,5 tỉ kWh.
Còn tại báo cáo của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, nửa đầu năm 2019, 15/19 nhà máy thủy điện báo giảm doanh thu, lợi nhuận so với cùng kỳ.
Theo Viện nghiên cứu thời tiết quốc tế của Đại học Columbia, xác suất hiện tượng El Nino trong cuối năm 2019 và đầu năm 2020 đã giảm mạnh và chỉ còn khoảng 40%. Tuy nhiên lượng mưa thấp trong mùa mưa năm 2019 làm cho các hồ thủy điện không tích được nước dẫn tới các doanh nghiệp thủy điện sẽ tiếp tục khó khăn cho ít nhất đến hết nửa đầu năm 2020.
Tỉ giá ổn định, nhiệt điện thi nhau báo lãi
Quay trở lại với các doanh nghiệp nhiệt điện than, không chỉ tăng cường công suất để đáp ứng nhu cầu lớn hơn trong nước. Yếu tố tỉ giá ít biến động cũng tạo đà hỗ trợ tích cực đến kết quả lợi nhuận cuối cùng của các doanh nghiệp này.
Tại Nhiệt điện Quảng Ninh, lỗ chênh lệch tỉ giá trong quí III chỉ còn 14 tỉ đồng, giảm hơn 130 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự với Nhiệt điện Hải Phòng, lỗ tỉ giá trong 9 tháng đầu năm giảm tới 92% chỉ còn 28 tỉ đồng. Hay tại Nhiệt điện khí Nhơn Trạch 2, lỗ tỉ giá cũng giảm từ 42 tỉ đồng xuống còn 3 tỉ đồng.
VND là một trong số những đồng tiền hiếm hoi giữ giá ổn định so với USD từ đầu năm. So với thời điểm cuối năm 2018, tỉ giá giao dịch USD/VND đã giảm 0,11% trên ngân hàng và giảm tới 0,39% trên thị trường tự do.
FDI giải ngân tăng cao, cán cân thương mại trong 9 tháng thặng dư cao nhất từ trước đến nay, tới 7,1 tỉ USD. Ngoài ra dòng vốn đầu tư gián tiếp và kiều hối khá tích cực khiến cho cung ngoại tệ trong quí III dồi dào; bất chấp chênh lệch lãi suất VND - USD trên liên ngân hàng giảm mạnh về quanh mức 0, tỉ giá vẫn đi ngang.
Việc không còn phải "gánh" lỗ tỉ giá nặng như cùng kỳ năm ngoái khiến cho các nhà máy nhiệt điện đua nhau báo lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ. Có thể kể đến như Nhơn Trạch 2 lãi ròng 162 tỉ đồng trong quí III, tăng 6,5 lần; Nhiệt điện Hải Phòng từ lỗ 148 tỉ đồng thành lãi 93 tỉ đồng; hay Nhiệt điện Quảng Ninh từ lỗ nặng 311 tỉ đồng giảm chỉ còn lỗ 6 tỉ đồng; hay các nhà máy nhỏ như Nhiệt điện Bà Rịa, Nhiệt điện Ninh Bình cũng chuyển từ lỗ sang lãi...
BM tổng hợp
"Chìa khóa" của điện than
Cũng từ cuối năm ngoái - đầu năm nay, việc thiếu nguồn nguyên liệu than đã làm cho nhiều nhà máy nhiệt điện than không đủ nguyên liệu để tận dụng công suất phát khi giá trên thị trường phát điện cạnh tranh tăng cao, thậm chí một số nhà máy phải tạm dừng phát ở một số tổ máy.
Để giải quyết cho bài toán thiếu than và thiếu điện, Thủ tướng chính phủ và Bộ Công thương đã cho phép Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) nhập khẩu than về trộn với than trong nước phục vụ cho mục đích phát điện.
Điều này đã giúp cho đa số các nhà máy đủ nguồn nguyên liệu than để phát điện. Mặc dù giá than nhập khẩu cao hơn so với giá than trong nước khoảng 5 - 10% nhưng điều này chưa tác động đáng kể lên kết quả hoạt động kinh doanh do giá than được chuyển qua giá điện đối với phần sản lượng theo hợp đồng.
Bên cạnh đó giá than thế giới đang trong xu hướng giảm khá mạnh, giá than cho nhà máy điện Australia cuối tháng 9/2019 đã giảm 44,5% so với mức giá đỉnh vào tháng 7/2018. Theo dự báo được Bloomberg tổng hợp thì giá than dự kiến sẽ ổn định quanh mức hiện tại trong năm tới. Giá than nhập khẩu có độ trễ do thời gian đấu thầu nên giá than nhập khẩu trong giai đoạn vừa qua không giảm nhanh như giá than thế giới nhưng dự kiến sẽ giảm trong thời gian tới.
Điều này sẽ giúp cho các nhà máy nhiệt điện than gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường phát điện cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận.
Dù vậy, việc phát triển điện than hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề về tính bị động đối với nguồn nguyên liệu tác động đến sự ổn định về hiệu quả của các nhà máy.
Chưa kể, việc phát triển điện than cũng đang đặt ra những vấn đề lo ngại về môi trường. Theo bản cam kết thực Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC): Việt Nam sẽ cắt giảm tới 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 để đạt được mục tiêu nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2°C.
Theo đó, các nhà máy nhiệt điện trong tương lai sẽ phải tốn chi phí cho việc đầu tư lắp đặt hệ thống kiểm soát khí thải và áp dụng các công nghệ nhiệt điện than tiên tiến nhằm có được những công nghệ sạch hơn, tiêu tốn ít nhiên liệu mà vẫn đạt hiệu suất cao. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các nhà máy điện than.