Hà Nội 18 °C | 03:16PM, 09/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thủy sản nào đang dẫn đầu đường đua lợi nhuận quí III?

07:29 | 21/10/2019
Chia sẻ
Trong số 6 doanh nghiệp thủy sản công bố báo cáo tài chính quí III/2019, tất cả đều là những đơn vị chế biến sản phẩm từ cá tra. Navico hiện đang dẫn đầu với khoản lợi nhuận 153 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kì.
tong hop kqkd qui iii thuy san

Kết quả kinh doanh quí III/2019 của nhóm doanh nghiệp thủy sản. (Nguồn: Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp)

Kết quả tích cực của Navico đến từ việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng. Phía đại diện doanh nghiệp từng cho biết Navico thậm chí có những lúc không đủ cá để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, và kì vọng rằng dự án Bình Phú, vùng nuôi với diện tích lên tới 600 ha, sẽ giúp Công ty giải bài toán này.

Về triển vọng kinh doanh trong quí IV/2019, Navico cho biết đây là thời gian cao điểm tiêu thụ cá của thế giới và sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường Trung Quốc. Phía doanh nghiệp kì vọng rằng doanh thu quí IV sẽ đóng góp lớn vào thành tích cả năm.

Một doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ cá tra khác, Trisedco có doanh thu tăng trưởng mạnh 71%, tuy nhiên việc biên lợi nhuận gộp giảm từ 11% xuống chỉ còn 6% là nguyên nhân chủ yếu khiến lãi sau thuế của chỉ đạt mức tăng trưởng 22%.

Trisedco là công ty con được sở hữu hơn 79% bởi CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (Mã: IDI). Sản phẩm chính của Trisedco là bột, mỡ và dầu cá.

So sánh thời điểm cuối tháng 9 với đầu năm 2019, khoản phải thu ngắn hạn của Trisedco tăng gấp 2,5 lần lên mức 549 tỉ đồng. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến dòng tiền kinh doanh trong kì âm gần 141 tỉ đồng.

Đồng thời, Công ty tăng cường vay nợ để tài trợ hoạt động. Tính đến 30/6/2019, nợ vay ngắn hạn của Trisedco là hơn 711 tỉ đồng, tăng 105 tỉ đồng so với đầu năm.

trisedco khoan phai thu

Các khoản phải thu khách hàng của Trisedco. (Nguồn: Báo cáo tài chính quí III của Trisedco)

Aquatex Bến Tre có lãi sau thuế tăng trưởng dù doanh thu suy giảm nhờ nguồn thu nhập hơn 16 tỉ đồng từ cổ tức được chia từ việc nắm 16,5% cổ phần tại Thực Phẩm Sao Ta (Mã: FMC). Cả Aquatex Bến Tre và Sao Ta đều là những đơn vị thuộc Tập đoàn PAN (Mã: PAN). 

Cl Fish nằm trong số doanh nghiệp bị áp mức thuế chống bán phá giá 1,37 kg/USD, theo kết luận cuối cùng POR14 công bố hồi tháng 4/2019 của Bộ Thương mại Hòa Kỳ.

Về CL Fish, doanh thu của đơn vị này giảm 44% trong quí III, cùng với đó biên lợi nhuận gộp cũng rơi xuống mức 22% (cùng kì năm trước vào khoảng 31,7%) khiến lãi sau thuế suy giảm mạnh.

Hoạt động kinh doanh của CL Fish chịu tác động bởi việc bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ. So sánh thời điểm cuối quí III với đầu năm 2019, phải thu ngắn hạn khách hàng của CL Fish giảm 36% xuống 234 tỉ đồng, hàng tồn kho tăng gần 52% lên khoảng 701 tỉ đồng.

Việc hàng tồn kho, phần lớn là thành phẩm và chi phí sản xuất dở dang, tăng mạnh là nguyên nhân chủ yếu khiến dòng tiền kinh doanh của CL Fish chỉ ghi nhận dương 32 tỉ đồng trong 9 tháng, thấp hơn đáng kể so với con số 120,5 tỉ đồng cùng kì.

Trên thị trường chứng khoán, kể từ khi kết quả kinh doanh quí III của CL Fish được công bố, cổ phiếu ACL đã giảm hơn 15% xuống mức giá 27,800 đồng (kết phiên 18/10/2019).

Cl fish ACL hang ton kho

Hàng tồn kho của CL Fish. (Nguồn: Báo cáo tài chính quí III/2019 của CL Fish)

Agifish báo lãi 6,4 tỉ đồng trong quí IV niên độ 2018 - 2019, cùng kì năm trước doanh nghiệp này lỗ 217 triệu đồng. Dù vậy, lưu ý BCTC  trước kiểm toán của Agifish có lịch sử sai lệch so với BCTC sau kiểm toán.

Kết thúc niên độ 2018 - 2019, Agifish ghi nhận doanh thu thuần đạt 807 tỉ đồng và lỗ ròng gần 112 tỉ đồng, qua đó lỡ hẹn kế hoạch kinh doanh được cổ đông giao phó.

Nhìn chung, hiện chỉ duy nhất Mekong Fish đã vượt kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng, trong khi đó Aquatex Bến Tre mấp mé chỉ tiêu đặt ra trong năm 2019.

9 thang tong hop thuy san

Tình hình thực hiện kế hoạch kinh doanh cả năm 2019. (*): Lợi nhuận trước thuế. (Nguồn: Các báo cáo tài chính quí III/2019 của doanh nghiệp); (*) AGF có niên độ tài chính từ 1/10/2018 - 30/9/2019

Trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,3 tỉ USD, giảm gần 8% so với cùng kì. Nguyên nhân chủ yếu là vì sự suy giảm xuất khẩu vào thị trường Mĩ, do thuế chống bán phá giá tăng theo kết luận cuối cùng của POR14.

Đồng thời, sản lượng cá tra tăng mạnh trong năm 2018 - đầu năm 2019 dẫn tới dư thừa nguồn cung, khiến cho giá cá nguyên liệu và thành phẩm xuất khẩu đều giảm, do đó góp phần làm giảm giá trị xuất khẩu cá tra.

Giữa bối cảnh đó, Trung Quốc - Hồng Kông nổi lên thành cứu cánh cho cá tra Việt Nam. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt gần 390 triệu USD, tăng hơn 17% so với cùng kì.

Báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời bà Lê Hằng, Phó Giám đốc VASEP PRO, dự báo nhu cầu tiêu thụ cá tra của Trung Quốc sẽ còn cao hơn nữa vào những tháng cuối năm 2019.

Thừa Vân