|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự báo chỉ tăng 2% trong 2019

15:52 | 08/10/2019
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nhận định năm nay tăng trưởng xuất khẩu sẽ không cao như năm 2018 và dự báo chỉ dừng ở mức 2%.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 không thể tăng trưởng mạnh như năm 2018

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 9 ước đạt 3,5 tỉ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu ba quí đầu năm nay đạt trên 30 tỉ USD, tăng 2,7% cùng kì năm 2018.

ảnh_Viber_2019-10-08_14-01-45

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu diễn ra sáng ngày 8/10 tại Hà Nội. Ảnh: ĐQ.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 14 tỉ USD, giảm 7,2%. Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt hơn 6 tỉ USD, giảm 2%.

Trong khi đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,93 tỉ USD, tăng 18%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nhận định năm nay tăng trưởng xuất khẩu sẽ không cao như năm 2018 và dự báo chỉ dừng ở mức 2%.

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt gần 3,9% so với năm 2017 lên hơn 40 tỉ USD. Thặng dư thương mại đạt hơn 8,7 tỉ USD.

"Về cơ bản, xuất khẩu nông, lâm, sản của Việt Nam sẽ không cao như năm 2018 và có thể chỉ dừng ở mức 2%. Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp nỗ lực đạt trên 41 tỉ USD, hoàn thành mục tiêu Chính phủ đề ra hồi đầu năm là 41 - 42 tỉ USD", Thứ trưởng Hà Công Tuấn dự báo.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhìn nhận 2019 được xác định là năm vô cùng khó khăn, nhất là ngành chăn nuôi khi phải đối mặt với dịch bệnh.

"Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại 200.000 con heo tại Việt Nam", Thứ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc tháo gỡ thể vàng IUU từ phía EU. Quan hệ thương mại với các quốc gia tiềm lực lớn như Mỹ và Trung Quốc còn nhiều khó khăn.

Theo đó, vừa qua, Trung Quốc liên tục siết chặt hoạt động nhập khẩu hàng đường tiểu ngạch, cũng như các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc .

Điều này khiến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau quả sang thị trường này liên tục giảm.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả 15 ngày đầu tháng 9 đạt 128,45 triệu USD, giảm 20% so với cùng kì năm 2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9 xuất khẩu hàng rau quả đạt gần 2,7 tỉ USD, giảm 6% so với cùng kì năm 2018.

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-08 lúc 15

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019. Tỉ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc giảm 12,3 điểm phần trong so với cùng kì năm năm ngoái xuống còn 68,8%.

Cần kiên nhẫn giải quyết khó khăn xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết hiện nay Việt Nam có 9 mặt hàng xuât khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đối với mặt hàng Việt Nam có lợi thế trước đây vẫn xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, hiện nay gặp khó khăn để tiếp cận sang thị trường này.

2

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản. Ảnh: ĐQ

Để giải quyết khó khăn cho bà con nông dân trong ngắn hạn, ông Toản cho biết thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở thị trường nội địa thông qua hệ thống hơn 8.000 chợ và 1.200 siêu thị.

Còn về dài hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn vẫn đang trong tiến trình gửi hồ sơ và đàm phán mở rộng các nông sản được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như khoai lang, sầu riêng, bơ...

"Vấn đề là chúng ta cần phải kiên trì, không phải 1 - 2 năm là có thể đàm phán thành công được", ông Toản cho biết.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định trong bối cảnh khó khăn như hiện nay đa dạng thị trường trường xuất khẩu nhằm giảm thiểu rủi ro là rất cần thiết đối với ngành rau quả trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế, trong 8 tháng đầu năm 2019, mặc dù xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc suy giảm nhưng ở các thị trường khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan, Hong Kong, Australia lại tăng mạnh.

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-08 lúc 15

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết hàng tháng Bộ liên tục rà soát và điều chỉnh các giải pháp sao cho phù hợp với thực tế nhằm đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung những ngành hàng có lợi thế như gỗ và lâm sản để bù cho một số mặt hàng như, lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi.

H.Mĩ