Xuất khẩu nông sản, xơ sợi sang Trung Quốc tụt dốc
Xuất khẩu sợi những tháng cuối năm được dự báo chưa có nhiều khởi sắc, nhất là về giá.
Sụt giảm kim ngạch xuất khẩu
Chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của xơ sợi Việt Nam, nên khi Trung Quốc giảm nhập sợi, giá trị xuất khẩu xơ sợi của nước ta sụt giảm mạnh.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước xuất khẩu 947.000 tấn xơ sợi dệt các loại, thu về gần 2,4 tỷ USD, tăng 11% về lượng, nhưng chỉ tăng 2,6% về kim ngạch. Riêng sản lượng xuất sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm đạt 531.230 tấn, kim ngạch trên 1,37 tỷ USD, giá xuất khẩu sang Trung Quốc giảm gần 10% so với cùng kỳ.
Theo ông Viên Minh Đạo, Trưởng phòng Kinh doanh - Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Nhà máy sợi Vinatex Nam Định, tuy đơn hàng không giảm nhiều, nhưng giá xuất khẩu bị ép giảm mạnh, nên hiệu quả kinh doanh của khối xơ sợi năm 2019 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất lớn sang Trung Quốc.
Nguyên nhân suy giảm xuất khẩu của ngành sợi Việt Nam vào Trung Quốc thời gian vừa qua là do các nhà nhập khẩu sợi của Trung Quốc lập tức cắt giảm lượng sợi nhập khẩu để nghe ngóng tình hình, chỉ nhập khẩu số lượng tối thiểu, chứ không mua tích lũy như trước.
Số liệu xuất khẩu 8 tháng năm 2019 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy những nốt trầm của một số ngành hàng vốn phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc.
Hầu hết mặt hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thủy sản đạt 5,4 tỷ USD, giảm 2,6%; rau quả đạt 2,5 tỷ USD, giảm 6%, gạo dù tăng nhẹ về lượng, nhưng giảm 14,2% về giá trị, đạt gần 2 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê chỉ đạt 2 tỷ USD, giảm tới 20%.
Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kết quả thấp một phần do nhu cầu nhập khẩu giảm khi kinh tế nước này những tháng đầu năm không khởi sắc. Xung đột thương mại Mỹ - Trung làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng.
Ngoài ra, đồng nhân dân tệ yếu đi cũng làm hàng hóa nước ngoài đắt lên tương đối.
Lo đáp ứng điều kiện xuất khẩu mới
Nếu không có những điều chỉnh kịp thời, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp sang Trung Quốc còn sụt giảm mạnh nữa trong thời gian tới, vì thị trường liên tiếp đưa ra rất nhiều điều kiện mới về thương mại.
Thời gian qua, Bộ Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục thông báo và đưa ra khuyến cáo, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa cập nhật và không nắm rõ các quy định mới khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu mới đây của Bộ Công thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thẳng thắn chỉ rõ, do doanh nghiệp chưa điều chỉnh kịp thời quy định xuất khẩu mới mới, dẫn đến tình trạng mực tồn ở Quảng Nam, cá nục tồn ở Quảng Trị…
“Cả nước có 680 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc, nước bạn đã cho phép 128 loại thủy sản xuất khẩu vào thị trường, vậy mà có những doanh nghiệp vẫn duy trì cách bán hàng tiểu ngạch, để đến khi đối tác không nhập nữa, thì không xoay xở được”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Dẫu vậy, nếu nhìn nhận theo hướng tích cực, chính sự suy giảm của thị trường Trung Quốc sẽ là lực đẩy để các nhà xuất khẩu trong nước thay đổi tư duy sản xuất, định vị lại thương hiệu nông sản Việt.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, xu hướng giảm xuất khẩu sang Trung Quốc khó khắc phục ngay trong vài tháng tới. Trường hợp khả quan nhất, khi doanh nghiệp điều chỉnh kịp, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc kỳ vọng giữ được mức tương đương năm 2018 là 1,2 tỷ USD.
Trung Quốc hiện là thị trường chính của ngành sợi Việt Nam, nên bất kỳ biến động nào của ngành dệt may Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành sợi. Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tiếp tục là bài toán đặt ra cho ngành sợi Việt Nam.