|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc: Không còn đường lùi

07:40 | 14/06/2019
Chia sẻ
Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” và họ siết chặt thương mại tiểu ngạch với Việt Nam, hướng sang chính ngạch. Theo các chuyên gia, hướng xuất khẩu chính ngạch là đòi hỏi tất yếu. Nông dân cũng như các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải thay đổi, nếu muốn phát triển bền vững, không chỉ với thị trường Trung Quốc mà với các thị trường quốc tế.

Trung Quốc không còn “dễ tính”

Theo Bộ NN&PTNT, với tổng sản lượng nhập khẩu chiếm từ 70-80% thị phần, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, có tới 60-70% nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch, khiến giá trị nông sản xuất khẩu thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững.

Đặc biệt, từ ngày 1/5/2019, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch, được áp dụng nhiều quy định mới liên quan đến chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó có hai yêu cầu quan trọng là có mã số vùng trồng (chứng nhận vùng sản xuất) và mã số cơ sở đóng gói.

Để giúp nông sản Việt xuất qua Trung Quốc “suôn sẻ”, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho biết, T.Ư Hội đã có hướng dẫn nông dân sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu trên của Trung Quốc.

Theo bà Thơm, yêu cầu của Trung Quốc là thách thức, nhưng cũng là cơ hội tốt cho cả DN và nông dân Việt Nam. Bởi, các hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu giữa 2 bên có tính pháp lý cao hơn, tránh rủi ro và thiệt thòi cho nông dân và DN phía Việt Nam. Lãnh đạo T.Ư Hội nông dân cũng cho rằng, đây cũng là cơ hội để thị trường nông sản ổn định, bền vững hơn, có điều kiện để xây dựng kế hoạch sản xuất lâu dài, ổn định ở trong nước, nông dân thoát khỏi tình trạng bị thương lái chi phối thị trường, ép giá.

Lưu ý đến nông dân, theo bà Thơm, cần xác định rõ, Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nông dân cần chuyển đổi tư duy sản xuất, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tăng liên kết với các DN, xây dựng các chuỗi sản xuất. Cùng đó, tổ chức  tập huấn, hướng dẫn về quy trình, thủ tục đăng ký mã vùng sản xuất, mã cơ sở đóng gói nông sản theo quy định. Mặt khác, cần vận động, hướng dẫn bà con sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững…

Là đơn vị nhập khẩu lớn trái cây từ Việt Nam, ông Thang Thành Vỹ, Hội trưởng Thương hội hoa quả quốc tế thị trấn Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết: Trung Quốc là thị trường lớn, nhu cầu rất cao về hoa quả và nông sản chất lượng cao, trong đó có vải thiều tươi. Tuy nhiên, ông Vỹ lưu ý, với hoa quả tươi, người tiêu dùng Trung Quốc đã chuyển từ lượng sang chất. Hải quan Trung Quốc yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kiểm dịch, chất lượng sản phẩm.

Ông Vỹ cho rằng, nông dân và DN cần kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và giữ tươi, giúp vải thiều xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo yêu cầu kiểm dịch của Hải quan Trung Quốc. “Cần tăng cường trao đổi giữa thương nhân hai nước qua thương mại điện tử. Hàng có thể đóng gói tại Việt Nam theo tiêu chuẩn thương mại điện tử của Trung Quốc. Từ đó có thể giúp cho vải thiều Bắc Giang vận chuyển được nhanh, xa hơn”, ông Vỹ nói.

Thay đổi thói quen

Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Cty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, dù có những quy định “siết” từ phía Trung Quốc, nhưng đến nay, thanh long vẫn xuất khẩu sang thị trường này bình thường, kể cả đường bộ, lẫn đường biển. Theo ông Hiệp, với trái cây, phía Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc, làm rõ của ai, sản xuất ở đâu, vùng nào… “Yêu cầu này, DN Việt Nam làm được, kể cả bao bì, nhãn mác đều đảm bảo”, ông Hiệp nói.

Trao đổi với Tiền Phong,  ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Công ty CP Vinamit cho rằng, với những DN đã làm ăn lâu với phía Trung Quốc sẽ được các đối tác hỗ trợ hướng dẫn để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan thẩm quyền của nước này nên không có trở ngại lớn. “Với các DN mới, chưa buôn bán với Trung Quốc bao giờ, có thể gặp lúng túng, đặc biệt khi nước này thắt lại tiểu ngạch, chuyển sang chính ngạch”, ông Viên nói.

Theo ông Viên, Trung Quốc đã thông báo rõ những loại rau quả nào được bán sang họ, và các quy định về nguồn gốc. Do vậy, các DN trước đây xuất tiểu ngạch, trái cây có thể gói trong rơm rạ, hay loại nông sản chờ thương lái Trung Quốc vào tận nơi để mua... thì nay phải đổi, từ cách đóng gói, bao bì, mã code… “Cái này chỉ là nghiệp vụ thôi, có xuất vào nước nào đi nữa, DN cũng phải đeo bám để thực hiện”- ông Viên nói.

Là DN làm ăn tại thị trường Trung Quốc lâu năm, ông Viên cũng cho rằng, hiện thị trường này khuyến khích nhập khẩu từ Việt Nam, thậm chí thuế VAT cũng giảm xuống so với phần nội địa của họ.

Tuy nhiên theo ông Viên, trước đây Việt Nam chưa quan tâm nhiều về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vì cho rằng đây là thị trường “dễ tính”. Đến nay, mới chỉ 9 loại trái cây được xuất chính ngạch sang nước này (xoài, nhãn, chuối, dưa hấu, chôm chôm, vải, mít, thanh long và măng cụt), trong khi Thái Lan có 23 loại rau quả xuất chính ngạch vào Trung Quốc.

“Đây là điều sẽ khiến cho các bộ ngành, DN vất vả, khi cần mở thêm số lượng loại rau quả được xuất vào thị trường Trung Quốc. Nên nhớ rằng, Việt Nam xuất nhiều khoai lang, sầu riêng…nhưng phải đi đường vòng, xuất sang Thái Lan, Đài Loan, từ đó mới vào được Trung Quốc. Đây là điều bất lợi cho nông dân của mình”, ông Viên phân tích.

Chủ tịch Vinamit cho rằng, thay đổi phương pháp canh tác là điều tất yếu, nếu muốn có thị trường bền vững, tránh rủi ro. Đặc biệt, là liên quan đến kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu. “Bởi, muốn xuất hàng sang Trung Quốc phải có mã code, nếu anh lôi thôi, phía Hải quan Trung Quốc đã lưu trữ cả rồi, anh bị phốt thì việc làm ăn của anh sau này sẽ khó khăn”- ông Viên cảnh báo.

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), việc áp dụng xuất khẩu tiểu ngạch theo thông lệ quốc tế giữa hai quốc gia, sẽ tốt hơn cho ngành, đặc biệt hạn chế rủi ro thanh toán của các DN.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Trung Quốc không tăng nhiều, do nhiều yếu tố về giá cả, nhu cầu của thị trường. “Chúng tôi cũng tiếp tục theo dõi, khuyến nghị các DN điều chỉnh. Về cơ bản, thị trường Trung Quốc vẫn ổn, và các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đáp ứng được”,` ông Hòe nói.

Chủ tịch Vinamit cho rằng, thay đổi phương pháp canh tác là điều tất yếu, nếu muốn có thị trường bền vững, tránh rủi ro. Đặc biệt, là liên quan đến kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu. "Bởi, muốn xuất hàng sang Trung Quốc phải có mã code, nếu anh lôi thôi, phía Hải quan Trung Quốc đã lưu trữ cả rồi, anh bị phốt thì việc làm ăn của anh sau này sẽ khó khăn"- ông Viên cảnh báo.


Phạm Anh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.