|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam - Australia tìm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu nông sản

16:19 | 03/09/2019
Chia sẻ
Việt Nam mong muốn Austrailia công nhận nhà máy chiếu xa phía nam và sớm cho phép nhập khẩu tôm nguyên con. Trong khi đó, phía Australia cũng muốn xuất khẩu mạch nha, men ủ bia và sản phẩm thịt vào Việt Nam.

Việt Nam và Australia muốn mở cửa thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp mới

Theo Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vừa có buổi làm việc với bà Bridget McKenzie, Thượng nghị sĩ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Australia về việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, liên quan đến những thỏa thuận mở cửa thị trường nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng hai bên cần tập trung giải quyết trên tinh thần cùng có trách nhiệm, hiểu rõ về nhau với lộ trình rõ ràng, ngắn nhất.

Cụ thể, về sản phẩm quả đào và xuân đào nhập khẩu từ Australia, Việt Nam sẽ giao cơ quan chuyên môn hướng dẫn kĩ thuật trong thời gian nhanh nhất. 

Các hướng dẫn về kĩ thuật với các sản phẩm đề xuất của Australia sẽ được các cơ quan chuyên môn Việt Nam sớm hoàn thiện và gửi các cơ quan liên quan của Australia.

Cũng theo Bộ trưởng Cường, Việt Nam hiện có 2 trung tâm chiếu xạ nhưng đến nay Australia mới công nhận một trung tâm chiếu xạ ở phía Nam, trong khi trung tâm phía Bắc (Hà Nội) có đủ các điều kiện và trang thiết bị đáp ứng các điều kiện của quốc tế, điển hình như Mỹ đã chấp nhận các sản phẩm chiếu xạ ở đây xuất khẩu vào thị trường này.

Do đó, Bộ trưởng mong muốn Australia sớm xem xét, công nhận trung tâm chiếu xạ ở phía Bắc. Bởi trong vụ nhãn sắp tới của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải vận chuyển vào phía Nam để chiếu xạ, như vậy, chí phí sẽ tăng cao.

Về xuất khẩu tôm nguyên con sang Australia, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị phía Australia sớm cử cơ quan chuyên môn sang đánh giá lại lần nữa về qui trình kĩ thuật và an toàn dịch bệnh trong sản xuất tôm Việt Nam, trên cơ sở đó sớm cho phép nhập khẩu tôm nguyên con của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, bà Bridget McKenzie cho biết Australia đã công bố các điều kiện nhập khẩu quả nhãn của Việt Nam và mong muốn thời gian tới có thể xuất khẩu mạch nha và men ủ bia sang Việt Nam.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y Việt Nam để thống nhất các qui định về nhập khẩu các sản phẩm thịt và có hướng dẫn cho doanh nghiệp Australia trong việc đăng kí xuất khẩu sản phẩm thịt.

úc

Austrailu vừa chính thức cho phép nhập khẩu nhãn tươi từ Việt Nam sau vải tươi, xoài và thanh long. Ảnh: báo Đầu tư.

Cần sự bổ trợ lẫn nhau

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 7,7 tỉ USD. Đến nay, Việt Nam đã được phía Australia cấp phép cho nhập khẩu 4 loại quả của Việt Nam gồm vải tươi, xoài, thanh long và nhãn.

Ở chiều ngược lại, Australia đang xuất sang Việt Nam 148 loại hạt giống, củ giống khoai tây và 4 loại quả tươi như nho, cam, quýt và anh đào và 7 loại hạt giống cỏ, 4 loại cỏ khô.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam và Australia có cán cân thương mại khá cân bằng và bổ trợ nhau rất tốt, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Australia có một nền nông nghiệp phát triển cao trên thế giới, chỉ với 4% lao động nông nghiệp, khoảng 250.000 người nhưng đã tạo ra lượng nông sản lớn với kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỉ USD

Đây là thành tựu nổi bật và Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm từ phía Australia, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

"Có rất nhiều nông sản mặc dù nông nghiệp đang trên đà phát triển nhưng vẫn cần sự bổ trợ nhập từ các nước như: sản phẩm rất cần phát triển đại gia súc, sữa, lúa mì", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, bà Bridget McKenzie, Thượng nghị sĩ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Australia cho biết: 

"Ngành nông nghiệp của Australia cách đây 4 đến 5 thập kỉ đã có thay đổi lớn từ những nhà trồng trọt nhỏ, từng hộ gia đình họ đã tập hợp thành những nhà sản xuất lớn để hoạt động hiệu quả hơn, có thể sản xuất hiệu quả hơn. 

Ngành nông nghiệp để hoạt động hiệu quả cần làm nhiều điều hơn nữa để ngành này có thể phát triển và ổn định bền vững và tăng thu nhập cho nông dân trong tương lai".


Như Huỳnh