Thị trường mở cửa, trái cây Việt Nam và Australia 'có qua có lại'
Tổ chức Horticulture Innovation Australia (Đổi mới trồng trọt Australia) vừa cho biết tổng khối lượng xuất khẩu của cam Navel Australia trong năm 2019 ước tính là hơn 157.900 tấn.
Trong đó, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất là 108%, tương đương gần 4.700 tấn so với năm ngoái chỉ hơn 2.250 tấn.
Bà Dianne Phan, Trưởng phòng Thương mại của Horticulture Innovation Australia nhận định:
"Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng cởi mở hơn với trái cây ngoại và nhập khẩu. Điều này được hỗ trợ bởi các chiến dịch Taste Australia liên tiếp tại Việt Nam cho nho, quả cherry (anh đào) và cam trong năm qua và bằng chứng là lượng nhập khẩu cam Australia đã tăng gấp đôi trong năm nay".
Gần 4.700 tấn cam Navel Australia nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2019. Ảnh: Như Huỳnh.
Việt Nam mở cửa trở lại cho cam Australia vào cuối năm 2015, khi đó thuế suất nhập khẩu là 10%, đến nay chỉ còn 3% và sẽ về 0% vào năm 2020.
Trên thị trường, giá cam Australia bán cho người tiêu dùng tại một số hệ thống siêu thị như Big C... khoảng 70.000 đồng/kg ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh mặt hàng cam, tại thị trường Việt Nam còn có ba loại quả khác được nhập khẩu từ Australia là nho, cherry (anh đào) và quýt.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư kí Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: "Việc tăng nhập khẩu mặt hàng trái cây từ thị trường Australia là do chính sách mở cửa, 'có qua có lại' của Chính phủ hai nước"
Ông dẫn chứng, Australia vừa chính thức cho phép nhập khẩu nhãn tươi từ Việt Nam chính là cơ hội để trái cây Việt Nam khai thác sâu rộng hon thị trường tiềm năng này.
Đây là loại trái cây thứ 4 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Australia sau vải, xoài và thanh long.
Cũng theo ông Nguyên, mỗi thị trường nhập khẩu đều có những qui định riêng cần được đáp ứng nghiêm ngặt:
"Như Mỹ thì yêu cầu toàn bộ trái cây nhập khẩu vào phải được chiếu xạ, còn Nhật Bản, Hàn Quốc lại chỉ cho phép phương pháp xử lí nhiệt. Trong khi đối với Australia, thị trường này cho phép cả hai cách là chiếu xạ và xử lí nhiệt".
Các điều kiện nhập khẩu nhãn từ Việt Nam gồm giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận kiểm dịch thực phẩm, thông tin truy xuất sản phẩm, qui trình đóng gói và vận chuyển...
Cụ thể, trong các điều kiện để nhập khẩu quả nhãn tươi từ Việt Nam vừa được Thương vụ Việt Nam tại Australia công bố, thị trường này yêu cầu trên giấy chứng nhận xử lí bằng phương pháp chiếu xạ phải thể hiện các thông tin như liều lượng chiếu xạ tối thiểu và tối đa (Dmin và Dmax) thực tế trong việc xử lí quả nhãn.
Đặc biệt, liều lượng hấp thụ tối đa cho quả nhãn không được vượt quá 1 kGy (kilogray) theo qui định của Bộ luật tiêu chuẩn thực phẩm Austrailia và New Zealand (FSC).
Bên cạnh đó, khi đóng gói, nhãn tươi phải được dán nhãn với các thông tin xác minh đầy đủ, gồm sản phẩm của Việt Nam cho thị trường Austrailia, loại trái cây, mã số cơ sở đóng gói, mã số cơ sở xử lí, số định dạng xử lí.
Công đoạn đóng gói và vận chuyển phải đáp ứng điều kiện rằng tất cả vật liệu bằng gỗ liên quan đến lô hàng tuân thủ chính sách về các yêu cầu thông tin phi hàng hóa.
"Quan trọng nhất là làm sao tuyên truyền cho người nông dân phải thay đổi tư duy, không làm theo cách xuất khẩu sang Trung Quốc như trước đây mà phải đảm bảo sản xuất an toàn với các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đảm bảo không dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật...", Tổng thư kí Hiệp hội rau quả Việt Nam nhấn mạnh.