Cửa khẩu Móng Cái: Thương lái kêu trời vì xuất khẩu nông sản đình trệ
Tắc biên hoàn toàn
Thương lái Nguyễn Thế Nam, một người lăn lộn với vùng biên Móng Cái gần 20 năm, chia sẻ, chưa bao giờ hàng nông sản Việt Nam gặp khó khăn để XK sang Trung Quốc như bây giờ.
Từ tháng 5/2019, phía Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu, thủy sản.
Hàng hóa ứ đọng tại cửa khẩu Móng Cái.
“Phía Trung Quốc yêu cầu DN nhập khẩu của họ phải đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc. Đồng thời, các mẫu tem này được dán trên các sản phẩm trái cây nhập khẩu. Tem nhãn gồm danh sách vườn trồng, cơ sở đóng gói, các thông tin về vườn trồng...”, ông Nam cho hay.
Tương tự, thủy sản, đặc biệt là tôm, cũng trong tình trạng khốn khó vì không XK được. Nhiều mặt hàng trước đây DN XK qua đường biên mậu không quá khắt khe thì nay tắc hoàn toàn.
Đơn cử, nếu như trước đây tôm XK chỉ cần ướp đá trong thùng xốp, vừa tiết kiệm chi phí mà hiệu quả bảo quản cao, thì nay muốn XK tôm, ngoài việc cần mã vùng sản xuất, nuôi trồng thì sản phẩm phải được cấp đông mới đủ điều kiện. Tất nhiên chi phí để cấp đông tôm quá sức với nhiều DN, từ đó đẩy giá thành lên cao và rất khó cạnh tranh.
Đến thời điểm này, riêng với thủy sản, chỉ còn cá phèn là được phép XK, nhưng số lượng rất hạn chế. Còn lại tôm, mực, sứa… đều đã không được thông quan.
Nhiều DN XK của Việt Nam đã có nhiều container tập kết tại cửa khẩu Móng Cái như ngồi trên đống lửa, bởi hàng hóa không thể thông quan. Nếu chờ, thì tiền lưu kho, cấp đông bảo quản rất tốn kém, còn mang về thì không thể.
Bà Đặng Thị Dịu, Giám đốc Cty nuôi trồng thủy sản Nam Phú Hải (Móng Cái - Quảng Ninh) cho biết, do phía Trung Quốc siết chặt thị trường nên hiện nay giá tôm tại Móng Cái giảm 1/2 so với mọi năm. Điều này khiến DN rất khó khăn.
Thực tế, Trung Quốc là thị trường XK chủ lực của DN Nam Phú Hải cũng như nhiều DN trên địa bàn Móng Cái, song DN rất mù mờ về thông tin cũng như thiếu sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng để có thể đáp ứng các yêu cầu của đối tác.
Ông Nguyễn Tiến An, Phó trưởng phòng Kinh tế TP Móng Cái, cho biết: Các cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đang liên hệ với các DN XK, gia công, chế biến thủy sản có đủ năng lực, điều kiện theo quy định của pháp luật về cấp đông thủy sản, để thực hiện việc cấp đông tôm phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, hoặc chủ động sơ chế, tiêu thụ theo hình thức khác. Nhưng việc này chưa phải một sớm một chiều là làm được.
“Riêng địa bàn Quảng Ninh hiện có 3 DN được phép XK thủy sản vào thị trường Trung Quốc đã được phía bạn công nhận, đồng nghĩa với việc chỉ 3 doanh nghiệp này đủ trang thiết bị, năng lực thực hiện cấp đông sản phẩm. Một số doanh nghiệp xin cấp phép nhưng đang đợi chấp thuận”, ông An cho hay.
Rào cản phải vượt qua
Nhiều thương lái cho rằng, khó khăn, thách thức từ thị trường Trung Quốc là rào cản tất yếu mà nông sản Việt Nam cần phải vượt qua.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, một doanh nhân đã có nhiều năm kinh nghiệm làm ăn với phía Trung Quốc, cho biết, qui định về mã vùng trồng (mã vườn); mã xưởng (nơi đóng gói) của nông sản Việt Nam nhập vào Trung quốc là qui định bắt buộc không thể chủ quan.
“Việc đăng ký và kiểm soát vùng trồng với nước nhập khẩu được thực hiện bởi Cơ quan Bảo vệ thực vật Quốc gia. Việc cấp bách hiện nay là cần thay đổi phương thức đăng ký và kiểm soát mã số vùng trồng, mã xưởng đóng gói”, bà Thực nói.
Theo bà Thực, việc này phải do nông dân quyết định. “Thương lái, DN có thể xoay xở, chèo chống được, hay cùng lắm là bỏ cọc..., nhưng nông dân, cả gia sản đổ vào ruộng vườn, cần phải tự thay đổi”.
“Hiện nay, Trung Quốc đã áp dụng qui định này với sản phẩm trong nước, các vùng sản xuất trọng điểm họ đã thay đổi rất nhanh. Vì thế việc quản lý chặt hàng nhập khẩu là chuyện tất yếu.
Nhìn vào một số tiêu chí để cấp mã số cho vùng trồng do Cục Bảo vệ Thực vật ( Bộ NN-PTNT) thông báo thì không thể không lo lắng. Với danh sách các vùng trồng đã được cấp, cho thấy sản lượng quá ít so với thực tế XK”, bà Thực cho biết.
Theo lý giải của một số thương lái tại Móng Cái, cách làm XK chống đối hiện nay là các đơn vị XK (nhất là tiểu ngạch theo diện cư dân biên giới) hầu hết đều lấy các mã có trong danh sách được Trung Quốc chấp nhận dán lên bao bì (dù không phải hàng hóa thu mua từ cơ sở đó).
Đây là hành vi giả xuất xứ/gian lận thương mại. Hoặc cơ sở có được cấp mã số vùng trồng/mã số xưởng đóng gói, số lượng có hạn nhưng thu mua và XK thì vô hạn. Điều này lợi bất cập hại.
Không thể XK tôm, nhiều chủ cơ sở chế biến lo lắng.
“Nếu thời gian tới Trung Quốc mở cửa cho hàng loạt nông sản của Việt Nam được phép vào thị trường rộng lớn này, đồng nghĩa với nhiều cơ hội để hàng hóa Việt Nam XK chính ngạch. Nhưng bên cạnh đó, việc áp dụng qui chuẩn mã số vùng trồng và mã xưởng đóng gói sẽ được siết chặt dần.
Một lưu ý đối với hàng nông sản Việt Nam là Trung Quốc rất gần Việt Nam, họ cũng rất hiểu cách làm “gian lận” của một số cơ sở của Việt Nam. Hơn nữa, ứng dụng CNTT vào quản lý dữ liệu của Trung Quốc đã rất hiện đại, kiểm soát chặt chẽ. Khi mã số vườn cấp cho một điện tích nhất định thì tương đương sẽ là sản lượng nhất định... không khó khăn để họ nhìn ra sự gian lận”, một doanh nhân tại Móng Cái khuyến cáo.
Cập nhật của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch 7 nhóm hàng nông sản thu về 2,85 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. Dù đang là thị trường XK lớn nhất của nhóm hàng nông sản nhưng kim ngạch từ thị trường Trung Quốc giảm khá mạnh so với cùng kỳ 2018.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm ngoái kim ngạch 6 nhóm hàng nông sản chủ lực xuất sang Trung Quốc đạt 3,233 tỷ USD. Như vậy, trong 1 năm qua, kim ngạch bị sụt giảm hơn 380 triệu USD, tương đương giảm gần 12%.