|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt không mặn mà chuyện cung ứng khẩu trang N95

16:47 | 13/04/2020
Chia sẻ
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại nhiều nước châu Âu - châu Mỹ, nhu cầu đối với sản phẩm khẩu trang N95 đang tăng đột biến chưa từng thấy. Bộ Công Thương đã tổng hợp thông tin chi tiết về nhu cầu nhập khẩu trang và các trang thiết bị bảo hộ y tế từ các thị trường nói trên, thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp Việt không thể chen chân vào chuỗi cung ứng này.

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Phòng Thương mại Los Angeles (Los Angeles Chamber of Commerce) đang có nhu cầu nhập khẩu khẩu trang N95 là 500 triệu chiếc, khẩu trang (các loại khác) là 200 triệu chiếc, mặt nạ phòng hộ (Face Shields) 200 triệu chiếc, găng tay 1 tỉ chiếc và 1.000 máy trợ thở... 

Tương tự, Văn phòng Thống đốc California, cơ quan dịch vụ khẩn cấp (California Governor’s Office of Emergency Services - Cal OES) đang có nhu cầu mua khẩu trang N95 là 500 triệu chiếc, kính bảo hộ là 10 triệu chiếc, máy trợ thở là 10.000... 

Chưa kể, thị trường Tây Ban Nha cũng đang có nhu cầu rất lớn về khẩu trang N95, mắt kính bảo hộ và quần áo bảo hộ...

Doanh nghiệp Việt không mặn mà chuyện cung ứng khẩu trang N95 - Ảnh 1.

Khẩu trang chuẩn N95 đang là loại vật tư y tế được lùng mua ráo riết trên toàn thế giới. Ảnh: Reuters.

Trên tài khoản Twitter ngày 11-4, Tổng Giám đốc SoftBank, ông Masayoshi Son, thông báo tập đoàn này đã đạt được thỏa thuận với nhà sản xuất xe điện BYD Co. Ltd. của Trung Quốc triển khai dây chuyền sản xuất khẩu trang.

Cụ thể, SoftBank sẽ cung cấp hai loại khẩu trang khác nhau, trong đó bao gồm 100 triệu khẩu trang N95 có thể lọc các hạt rất nhỏ, và 200 triệu khẩu trang y tế thông thường, để giải quyết tình trạng thiếu hụt vật dụng y tế này do bùng phát dịch COVID-19 trên toàn cầu. 

Theo Reuters, từ tháng 5 tới, tập đoàn đảm bảo cung cấp 300 triệu chếc khẩu trang mỗi tháng cho Nhật Bản.

Vào tháng 3, SoftBank đã tặng bang New York của Mỹ 1,4 triệu khẩu trang. Việc giải quyết vấn đề khủng hoảng nguồn cung khẩu trang là ưu tiên của Chính phủ Nhật Bản. 

Giới chức nước này dự định phân phát hai khẩu trang vải cho các hộ gia đình vào tuần tới. Chính phủ cũng đang đặt mục tiêu sản xuất 700 triệu khẩu trang dùng một lần.

Theo ban lãnh đạo SoftBank, công ty BYD của Trung Quốc đang thiết lập một dây chuyền mới để sản xuất khẩu trang. Năng lực sản xuất của BYD đã đạt 15 triệu chiếc khẩu trang/ngày.

Có thể nhận thấy, nhu cầu về mặt hàng khẩu trang N95 đang gia tăng "nóng" trên toàn cầu, thế nhưng, tại Việt Nam, số đơn vị sản xuất dòng sản phẩm này ít đến thê thảm. 

Theo công văn 403/BYT-TB-CT trong đó nêu danh sách các đơn vị đủ năng lực sản xuất khẩu trang y tế và trang phục phòng, chống dịch bệnh, chỉ có hai doanh nghiệp được liệt kê trong nhóm "có khả năng sản xuất khẩu trang N95 hoặc tương đương".

Nhà sản xuất: một mình một ngựa

Trong số hai doanh nghiệp có đủ năng lực sản xuất khẩu trang N95, theo công văn 403 của Bộ Y tế, một doanh nghiệp vốn đã ngưng làm dòng sản phẩm này từ lâu, chỉ còn Công ty TNHH NTI VINA vẫn đang sản xuất khẩu trang N95. Đây là một công ty có 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc, chủ yếu sản xuất vật tư y tế để xuất khẩu.

Trao đổi với TBKTSG Online, đại diện đơn vị này chia sẻ, trong mùa dịch COVID-19, nhu cầu đặt hàng khẩu trang N95 từ thị trường nước ngoài đã tăng từ 200% trở lên. 

Công ty NTI VINA trước nay vốn chỉ tập trung xuất khẩu khẩu trang N95 nhưng cách đây hai tháng, doanh nghiệp cũng đáp ứng kịp thời đơn đặt hàng của Bộ Y tế Việt Nam cho dòng sản phẩm này.

Đến thời điểm hiện tại, với các đơn hàng sẵn có, năng suất sản xuất của NTI VINA đã đạt mức tối đa. Doanh nghiệp này cho biết không thể nhận thêm đơn hàng từ nước ngoài, và cho biết ngay cả thị trường trong nước cũng đang thiếu khẩu trang trầm trọng.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là vì sao các doanh nghiệp khác trong nước không thể làm được điều mà NTI VINA đã và đang làm? NTI VINA có được ưu thế gì so với các đối thủ trong nước.

Qua tìm hiểu và ghi nhận của TBKTSG Online, để làm ra chiếc khẩu trang N95 đúng tiêu chuẩn và có khả năng bán và thị trường Mỹ, châu Âu, có hai yếu tố quan trọng cần đạt được.

Yếu tố thứ nhất là nhà xưởng sản xuất cần phải đạt chứng nhận ISO 13485. Đây là một hệ thống quản lý chất lượng dành cho sản phẩm y tế. Từ trước đến nay, chứng nhận ISO 13485 được xem là một trong những điều kiện cần đối với các đơn vị sản xuất sản phẩm y tế nói chung.

Trong Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BYT (hợp nhất Nghị định 36/2016/NĐ-CP và 169/2018/NĐ-CP) về quản lý trang thiết bị y tế có ghi rõ tại Điều 68, riêng đối với quy định về hệ thống quản lý chất lượng: 

Cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế phải hoàn thành việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 và hệ thống quản lý chất lượng ISO 13485 trước ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Yếu tố còn lại thì... khó khăn hơn nhiều. Đó là điều kiện riêng bắt buộc sản phẩm khẩu trang N95 phải đạt tiêu chuẩn của Viện quốc gia về An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (NIOSH). Theo đó, NIOSH sử dụng những tiêu chuẩn cao để kiểm tra và phê chuẩn cho sản phẩm khẩu trang và mặt nạ phòng độc.

Khoảng cách của tiêu chuẩn

So với số lượng doanh nghiệp sản xuất khẩu trang N95, số lượng doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế tại thị trường Việt Nam nhiều hơn. 

Cụ thể, theo công văn 403 của Bộ Y tế, có 22 đơn vị được công bố đủ điều kiện sản xuất khẩu trang y tế 3,4 lớp. Tuy nhiên, theo ghi nhận của TBKTSG Online, các đơn vị này khó có thể mở rộng sản xuất thêm khẩu trang N95 dù thị trường có nhu cầu vô cùng lớn. 

Đại diện một đơn vị sản xuất khẩu trang, cho biết khi nói đến chất lượng sản phẩm, cần cân nhắc đến ba yếu tố: công nghệ, nguồn nguyên liệu và việc ứng dụng công nghệ.

Nói về công nghệ, ông Lê Thế Hải, đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đỉnh Hưng Phát - chuyên sản xuất khẩu trang y tế 3,4 lớp nhận định, hoạt động sản xuất khẩu trang y tế 3,4 lớp và khẩu trang N95 cần hai hệ thống máy móc khác hẳn nhau. 

Là một doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, nếu muốn sản xuất khẩu trang N95, doanh nghiệp của ông Lê Thế Hải sẽ phải đầu tư máy móc lại từ đầu. Tuy chưa nghiên cứu về chi phí, song, ông cho rằng, đơn vị chắc chắn tốn không ít thời gian đặt máy rồi lắp ráp, thử nghiệm vận hành.

Kế đến là nguyên liệu, vật liệu cũng là một vấn đề khi muốn mở rộng sản xuất thêm khẩu trang N95. Ông Lê Thế Hải chia sẻ, cả khẩu trang N95 và khẩu trang y tế 3,4 lớp đều sử dụng vải không dệt. 

Tuy nhiên, kích cỡ vải để làm ra chiếc khẩu trang N95 và khẩu trang y tế 3,4 lớp khác nhau. Do đó, chi phí và thời gian sản xuất khẩu trang N95 và khẩu trang y tế 3,4 lớp cũng sẽ khác hoàn toàn.

Hiện tại, khẩu trang y tế 3,4 lớp của đơn vị này đang được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8389-2:2010.

Đây là một tiêu chuẩn về khẩu trang y tế phòng chống nhiễm khuẩn do Bộ Y tế đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Và dù rằng khó có thể coi đây không phải là một tiêu chuẩn khắt khe hay chưa công phu, rõ ràng khoảng cách giữa nó và tiêu chuẩn của NIOSH là khó thu hẹp.

Vì những lý do nêu trên, cho dù nhu cầu về khẩu trang N95 tại thị trường trong nước lẫn quốc tế đang gia tăng nhanh chóng nhưng các nhà sản xuất khẩu trang nội địa vẫn không mấy "mặn mà" với cơ hội này. 

Họ cho rằng việc sắp xếp nguồn lực để sản xuất cả hai loại khẩu trang cùng một lúc có thể sẽ có nguy cơ rủi ro và không mang lại lợi ích thực tế cho doanh nghiệp như kỳ vọng, thay vào đó, chỉ tập trung làm khẩu trang y tế 3, 4 lớp.

Hạnh Tâm - Minh Anh