|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Doanh nghiệp tinh gọn (Lean Enterprise) là gì? Nguyên tắc của mô hình Doanh nghiệp tinh gọn

01:09 | 18/12/2019
Chia sẻ
Doanh nghiệp tinh gọn (tiếng Anh: Lean Enterprise) là mô hình quản lí qui trình sản xuất tiết kiệm xem tất cả các bộ phận không trực tiếp gia tăng giá trị cho sản phẩm cuối cùng trong doanh nghiệp là sự lãng phí.
lean-enterprise-book-how-business-leader-create-lean-enterprise

Hình minh họa. Nguồn: Barryoreilly.com

Doanh nghiệp tinh gọn

Khái niệm

Doanh nghiệp tinh gọn trong tiếng Anh là Lean Enterprise.

Doanh nghiệp tinh gọn là mô hình quản lí qui trình sản xuất tiết kiệm xem tất cả các bộ phận không trực tiếp gia tăng giá trị cho sản phẩm cuối cùng trong doanh nghiệp là một sự lãng phí. 

Doanh nghiệp tinh gọn tập trung vào việc tạo ra giá trị và loại bỏ sự lãng phí nguồn lực vào các hoạt động hay các qui trình không thiết yếu. 

Trước hết, mô hình này xem xét chất lượng sản phẩm và dịch vụ từ quan điểm của người tiêu dùng để xác định giá trị sản phẩm/ dịch vụ đó (ví dụ người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho cái gì), sau đó kiểm tra qui trình với mục đích giảm thiểu tất cả các hoạt động khác ngoại trừ những hoạt động có đem lại giá trị gia tăng.   

Đặc điểm của Doanh nghiệp tinh gọn 

Mô hình doanh nghiệp tinh gọn đôi khi được gọi tắt là "mô hình quản lí tinh gọn ". 

Cả hai thuật ngữ này bắt đầu được sử dụng vào những năm 1990, bắt nguồn từ Hệ thống sản xuất Toyota (TPS) - một mô hình quản lí được phát triển bởi Eiji Toyota và Taiichi Ohno từ năm 1948 đến năm 1975. 

Những nguyên tắc của TPS là nền tảng cho mô hình quản lí tinh gọn và mô hình 6 Sigma, cũng như mô hình Lean Six Sigma (mô hình LSS) là sự kết hợp của cả hai.     

Doanh nghiệp tinh gọn cố gắng tối đa hóa giá trị của khách hàng đồng thời giảm thiểu tối đa sự lãng phí trong quá trình sản xuất. Về bản chất, doanh nghiệp tinh gọn chú trọng việc tạo ra giá trị cao nhất cho người tiêu dùng đồng thời sử dụng ít tài nguyên hơn. 

Mục tiêu của mô hình là cải thiện giá trị cung cấp cho người tiêu dùng bằng cách hoàn thiện qui trình sản xuất, qui trình giao hàng bằng việc tránh lãng phí nguồn lực.  

Nguyên tắc của mô hình Doanh nghiệp tinh gọn

Theo James Womack và Daniel T. Jones, mô hình doanh nghiệp tinh gọn có năm nguyên tắc chính tương tự như  Sản xuất tinh gọn (Lean prodution):  

 - Xác định giá trị của sản phẩm/ dịch vụ: là xác định giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ theo mong muốn hay nhu cầu của khách hàng cuối cùng. Hay nói đơn giản là xác định giá trị sản phẩm/ dịch vụ dựa trên quan điểm của khách hàng. 

 - Xác định dòng chảy giá trị: là việc xác định vòng đời của sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp (từ việc mua nguyên liệu thô, sản xuất, bán và giao hàng cho khách hàng, khách hàng sử dụng đến điểm kết thúc vòng đời của sản phẩm). 

 - Thiết lập dòng chảy công việc: tất cả các phân đoạn gián đoạn dòng chảy giá trị được coi là lãng phí do không cung cấp giá trị cho khách hàng. Loại bỏ các phân đoạn này sẽ khiến dòng chảy giá trị lưu thông suôn sẻ, không bị gián đoạn.

 - Kéo: là nguyên tắc cung của doanh nghiệp dựa trên nhu cầu của khách hàng, và doanh nghiệp nên sản xuất khi có yêu cầu hay đơn đặt hàng của khách hàng, hạn chế giữ hàng tồn kho. 

 - Hoàn thiện: tất cả các nhân tố gây ra lãng phí phải được loại bỏ liên tục khỏi quá trình sản xuất để cải tiến qui trình sản xuất hướng tới sự hoàn hảo trong cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng. 

Doanh nghiệp tinh gọn và Mô hình Lean Six Sigma 

Doanh nghiệp tinh gọn cũng sử dụng tám loại lãng phí của mô hình LSS, loại bỏ lãng phí trong qui trình sản xuất, vận chuyển và giao hàng, được viết tắt là DOWNTIME. 

 - Lãng phí do khuyết tật sản phẩm (Defects). 

 - Lãng phí do sản xuất dư thừa (Overproduction). 

 - Lãng phí về thời gian vô ích (Waiting).

 - Lãng phí nguồn nhân lực (Non-used talent).

- Lãng phí vận chuyển (Transport). 

 - Lãng phí do tồn kho (Inventory). 

 - Lãng phí do quá trình (Excess processing). 

 - Lãng phí trong hoạt động (Motion).  

(Theo Investopedia)

Lê Thảo