|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp Mỹ: Thuế quan 10% còn chịu được, 25% thì 'gay go'

13:34 | 16/08/2019
Chia sẻ
Khi Mỹ tăng thuế quan 10% lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc một năm trước, các nhà cung ứng, nhập khẩu, phân phối và bán lẻ đã hợp tác cùng nhau để cắt giảm chi phí và tránh đẩy chi phí thuế sang tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức thuế 25% Mỹ áp dụng hồi tháng 5 lại là một cơn "ác mộng" đối với doanh nghiệp Mỹ.
1

Ông Harlan Stone đang có mặt tại nhà máy sản xuất sàn vinyl ở Trung Quốc. (Ảnh: Wall Street Journal)

Doanh nghiệp kinh doanh sàn vinyl Mỹ tức tốc liên lạc với các đối tác để thương thuyết 

Khi Mỹ tăng thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 5, ông Harlan Stone biết rằng công ty nhập khẩu sàn vinyl (mặt sàn bằng nhựa trông giống gỗ hoặc đá) ở Mỹ của ông cần phải hành động thật nhanh chóng.

Ông gọi điện thoại cho khách hàng chính của mình là Home Depot để cập nhật tình hình. Ngay sau đó, ông bay đến Trung Quốc trong tâm thế sẵn sàng cho các cuộc thảo luận khó khăn với nhà cung ứng.

Ông Stone thuyết phục các nhà cung ứng Trung Quốc không nên để cho mức thuế 25% này làm ảnh hưởng hoạt động của họ ở thị trường Mỹ. Ông cũng phải làm việc không ngừng nghỉ để xem xét liệu Home Depot có "hấp thụ" được một phần trong khoản chi phí gia tăng hay không.

Đồng thời, ông còn cố gắng sắp xếp thời gian vận chuyển hàng bằng đường biển để có thể tránh thuế quan trừng phạt của Mỹ. Nhân viên công ty tại Mỹ cũng phải tìm cách giảm chi phí vận chuyển và đóng gói để tiết kiệm ngân sách.

"Chúng tôi cần phải chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất", ông Stone nói khi đang di chuyển tất bật giữa các quộc họp ở Trương Gia Cảng bên bờ sông Dương Tử.

Khi Chính quyền Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu 10% đối với nhiều hàng hóa Trung Quốc khoảng một năm trước, các nhà cung ứng, nhập khẩu, phân phối và bán lẻ đã hợp tác cùng nhau để cắt giảm chi phí và cố gắng tránh việc đẩy nó sang người tiêu dùng vì lo sợ sụt giảm doanh số.

Ông Stone và các đối tác Trung Quốc ban đầu đã phải chịu phần lớn chi phí thuế quan áp lên sàn vinyl, trong khi nhà bán lẻ chỉ chịu một khoản nhỏ.

Tuy nhiên, mức thuế suất 25% lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Con số này làm đảo lộn các dự báo chi phí và mô hình kinh doanh, đe dọa mối quan hệ hợp tác đã hình thành cả thập kỉ.

Đối với các công ty như của ông Stone, bài toán còn đau đớn hơn. Họ đang phải cố gắng tìm ra cách phân bổ chi phí phát sinh vào khắp chuỗi cung ứng, tính toán người tiêu dùng sẽ chịu bao nhiêu chi phí, doanh thu của công ty có thể sụt giảm bao nhiêu cũng như bản thân họ phải tự "hấp thụ" bao nhiêu.

Cuộc chiến thương mại leo thang lên cấp độ mới với nhiều biện pháp trả đũa qua lại đang buộc doanh nghiệp Mỹ phải tính toán và đàm phán hết sức mệt mỏi.

Chấp nhận "ôm" thuế một mình, doanh nghiệp Mỹ sẽ điêu đứng

Diễn biến mới của cuộc thương chiến sẽ gây ra nhiều hệ quả đối với nền kinh tế Mỹ, có ý nghĩa quyết định cách chi phí tăng cao được chia sẻ cho nhiều đối tượng như thế nào cũng như ảnh hưởng của chúng đến doanh số bán hàng ra sao.

 "Đây là thời khắc hỗn loạn. Nếu chúng tôi trả thuế quan, công ty sẽ chẳng còn tiền", ông Stone nói.

Năm nay 61 tuổi, ông Stone từng theo cha mình bước chân vào ngành sàn vinyl và bắt đầu mua hàng hóa từ châu Á từ những năm 1970, đầu tiên là từ Đài Loan và sau đó là Trung Quốc đại lục. 

Sàn vinyl là một trong những mặt hàng lớn nhất nằm trong danh sách đánh thuế mục tiêu của Mỹ. Theo Stifel Equity Research Group, vào năm 2018, thị trường sàn vinyl của Mỹ trị giá khoảng 3 tỉ USD, với phần lớn sản phẩm đến từ Trung Quốc.

Các nhà cung ứng Trung Quốc hợp tác với ông Stone nhiều thập kỉ qua đã bị sốc bởi vòng thuế quan mới nhất. Thuế quan khiến họ lo sợ hàng nghìn công nhân sẽ phải đối mặt với tình trạng khách hàng Mỹ hủy bỏ đơn hàng.

Một số nhà cung ứng nhỏ hơn đã bắt đầu giảm giá cho khách hàng châu Âu để giải phóng hàng tồn kho.

Trong chuyến đi đến Trung Quốc, như một phần trong cuộc đua tìm giải pháp hóa giải thuế quan đã gặm nhấm mình nhiều tháng qua, ông Stone đã hành động như một đội trưởng đội cổ vũ, cố gắng khiến đối tác phấn chấn.

"Đừng ngừng sản xuất. Đừng để công nhân thất nghiệp. Hãy cố gắng tìm nguồn vốn hỗ trợ trong nước", ông nói với các nhà quản lí tại công ty Zhangjiagang Elegant Home-Tech.

Trong khi đó, ông Stone cùng công ty HMTX Industries (đặt trụ sở tại Connecticut) của mình muốn Home Depot cam kết chấp nhận một khoản phí phát sinh từ thuế quan.

Một số doanh nghiệp "sang tay" chi phí cho người tiêu dùng, nhưng liệu có bền lâu?

Khi thuế quan tác động đến các mặt hàng gia dụng như máy giặt và đồ nội thất, công ty FFO Home ở Fort Smith đã bắt đầu tăng giá bán ghế sofa và bộ bàn ăn sử dụng các bộ phận nhập từ Trung Quốc.

Ông chủ cửa hàng Larry Zigerelli cho biết một số mặt hàng vốn đã tăng giá 10% vì đợt thuế năm ngoái có thể sẽ tiếp tục tăng giá khi thuế quan leo lên mức 25%.

Ở thời điểm hiện tại, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ vẫn khá ổn định. Theo ước tính của các nhà kinh tế học, mất khoảng 3 - 6 tháng để chi phí thuế quan có thể phản ánh đầy đủ trong giá tiêu dùng.

Theo công ty tư vấn Trade Partnership Worldwide (Washington), trung bình một hộ gia đình Mỹ sẽ phải chi thêm khoảng 770 USD/năm sau khi chính phủ Mỹ áp thuế 25% lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

Vào hôm 13/8, Reuters đưa tin Nhà Trắng đã hoãn thời hạn áp thuế 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc từ ngày 1/9 sang ngày 15/12, đồng thời loại bỏ một số mặt hàng tiêu dùng khỏi danh sách thuế.

Tuy nhiên, nếu thuế quan mới này có hiệu lực, con số trên đương nhiên sẽ tăng theo.

"Chắc chắn sẽ có những người không thể mua được những hàng hóa như trước", bà Katheryn Russ, Giáo sư Kinh tế tại Đại học California, cho hay.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc ra đi; số khác ở lại quê nhà vì tin vào hỗ trợ ngân hàng

CFL Flooring, một trong những nhà xuất khẩu ván sàn lớn nhất từ Trung Quốc sang Mỹ với khoảng 2.600 công nhân đang làm việc tại nhà máy ở Jiaxing (phía nam Thượng Hải), xem thuế quan là dấu hiệu của những sự thay đổi vĩnh viễn.

Vào mùa thu năm ngoái, CFL đã quyết định lập nhà máy ở Đài Loan và Việt Nam rồi bắt đầu xuất xưởng hàng hóa từ các địa điểm mới này từ tháng 3 năm nay.

Tuy nhiên, ông Stone cho rằng phần lớn nhà máy sản xuất sàn vinyl vẫn sẽ ở lại Trung Quốc. Kể từ khi bắt đầu mua bán sàn vinyl từ những năm 1980, Trung Quốc đã phát triển được đội ngũ công nhân tay nghề cao cũng như các nhà máy chất lượng khó có thể thay thế.

Hàng trăm nhà máy Trung Quốc cạnh tranh trong kinh doanh bằng cách đầu tư vào công nghệ mới để giảm chi phí và cải thiện chất lượng sản phẩm. Ông Stone nhận định, các nhà cung ứng Trung Quốc đã mở đường cho phong trào sản xuất sàn vinyl mỏng nhưng bền và giá phải chăng hơn trong những năm gần đây.

Khi ông Stone bắt đầu làm việc cùng Zhangjiagang Yihua Plastic, công ty này vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ đã giao nhà máy cho một sĩ quan quân đội đã giải ngũ tên là Sun Yonghua điều hành và tiến hành cổ phần hóa về sau.

Vào tháng 5, trong khi dùng bữa tối cùng tôm, lẩu bò, cá và rượu vang, hai người đã thảo luận về thuế quan và cách ứng phó.

Ông Sun cho biết ông tự tin sẽ nhận được hỗ trợ từ các ngân hàng lớn của Trung Quốc và điều đó có thể giúp công ty vượt qua khó khăn thuế quan. Ông này cũng cho rằng mối quan hệ hợp tác hơn 30 năm qua giữa họ sẽ sống sót sau bão tố.

Ông Stone còn đối tác Trung Quốc rằng Home Depot vẫn chưa hủy đơn hàng nào và đang chuẩn bị để phản đối chính sách thuế quan. Tuy nhiên, việc thiếu một thỏa thuận chắc chắn với hãng bán lẻ này vẫn khiến ông lo ngại.

Trong khi đó, ông Stone cũng đang cố gắng đưa sàn vinyl cao cấp ra khỏi danh sách sản phẩm bị đánh thuế. Một trong những lập luận ông đưa ra là các nhà sản xuất Mỹ không thể đáp ứng nhu cầu lớn tại thị trường quê nhà.

"80% thời gian và gần 100% công sức của tôi được dồn vào việc ứng phó với thuế quan", ông Stone nói.

Yên Khê