|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp sản xuất TACN ứng phó ra sao với cơn bão giá nguyên liệu?

06:56 | 16/06/2022
Chia sẻ
Đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu từ các nước lân cận, từ các đối tác FTA, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, phế phụ phẩm nông nghiệp… đang là những phương án được các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN) triển khai để ứng phó với cơn bão giá nguyên liệu trong thời gian qua.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao

Trong hai năm qua, giá nguyên liệu TACN trên thế giới như ngô, lúa mì, đậu tương… liên tục tăng cao do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, giá phân bón, cước vận tải đường biển tăng vọt và các biến động thời tiết

Đặc biệt, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra từ cuối tháng 2 năm nay càng khiến cho tình hình trở nên căng thẳng hơn bởi đây là 2 nguồn cung lớn, chiếm tổng cộng 25% thương mại ngũ cốc toàn cầu.

Tính đến giữa tháng 6, giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago đã tăng 54% so với cùng kỳ năm 2021, lúa mạch tăng 72,6%, trong khi ngô và đậu tương tăng 5,6 – 6,5%. Đáng chú ý, so với 2 năm trước giá các mặt hàng này hiện đã tăng gấp đôi.

Điều này đã tác động không nhỏ đến ngành chăn nuôi Việt Nam, bởi 60% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện phải nhập khẩu.

Để ứng phó với tình trạng nguồn cung thắt chặt và giá cả leo thang, thời gian qua các doanh nghiệp chế biến TACN trong nước đã tăng mạnh nhập khẩu nguyên liệu từ các nước lân cận (Lào, Campuchia…) hay các nước có FTA với Việt Nam như Ấn Độ, nhằm tận dụng lợi thế về giá, chi phi vận chuyển, ưu đãi thuế quan…

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế có giá rẻ hơn hoặc tận dụng các loại phụ phẩm trong nước để tiết giảm chi phí đầu vào.

Diễn biến giá một số loại ngũ cốc trên thị trường thế giới

Mặt hàng ĐVT Ngày 15/6/2021 So với đầu năm 2021 (%) So với cùng kỳ năm 2021 (%) So với cùng kỳ năm 2020 (%)
Ngô CBOT  US cent/bushel 721 17,0 5,6 115,8
Lúa mì CBOT  US cent/bushel 1.056 31,1 54,0 108,6
Lúa mạch US cent/bushel 658 -8,8 72,6 106,4
Đậu tương US cent/bushel 1.533 11,2 6,5 74,7
Khô đậu tương  USD/tấn 391 -4,7 -1,1 31,2
Dầu đậu tương US cent/bushel 74,94 30,6 17,6 164,7
Hạt cải   CAD/tấn 1.039 2,1 39,6 119,7

(Tổng hợp: Hoàng Hiệp)

Doanh nghiệp gom ngô, đậu tương từ Lào và Campuchia

Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, nước này đã xuất khẩu tổng cộng 64.660 tấn đậu tương và đậu xanh trong 4 tháng đầu năm nay, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đậu tương là 53.960 tấn và đậu xanh đạt 10.700 tấn.

Đáng chú ý, có đến 100% đậu xanh và 96% đậu tương (51.710 tấn) của Campuchia được xuất khẩu sang Việt Nam.

Trước đó, năm 2021, Campuchia cũng đã xuất khẩu 105.655 tấn đậu tương, tăng 3,6 lần so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Việt Nam chiếm 78%, đạt 82.705 tấn. Tương tự, xuất khẩu đậu xanh đạt 29.192 tấn, tăng 189,6% và được bán gần 100% cho Việt Nam (29.170 tấn), Phnom Penh Post đưa tin.

Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu 14.478 tấn ngô từ Lào, mức cao nhất từ trước đến nay. Giá ngô nhập khẩu từ thị trường Lào chỉ đạt trung bình 293 USD/tấn, thấp hơn 30 – 54 USD/tấn so với các nguồn nhập khẩu khác.  

Mặc dù nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Lào và Campuchia còn khá khiêm tốn so với các thị trường cung cấp khác nhưng phần nào cho thấy sự chuyển dịch về nguồn cung của các doanh nghiệp.

Tận dụng lợi thế FTA để nhập khẩu nguyên liệu

Đáng chú ý, Ấn Độ đang nổi lên là thị trường cung cấp ngô, gạo và lúa mì hàng đầu cho Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng đang là đối tác nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp lớn của Ấn Độ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021 nhập khẩu ngô từ Ấn Độ vào Việt Nam tăng đột biến 198 lần so với năm 2020, lên mức 1,1 triệu tấn.

Trong 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu 626.461 tấn ngô từ Ấn Độ, giảm nhẹ 3,3% so với cùng kỳ nhưng vẫn vượt qua Brazil (324.047 tấn) để trở thành nước cung cấp ngô lớn thứ 2 cho nước ta.

Thông thường giá ngô của Ấn Độ không cạnh tranh được với giá của các nhà xuất khẩu lớn trên thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2021 khi giá ngô toàn cầu ở mức cao do sản lượng của Brazil giảm mạnh bởi hạn hán và lượng dự trữ ở Mỹ giảm, điều này đã khiến ngô Ấn Độ trở thành một lựa chọn tốt trên thị trường toàn cầu. 

Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Ngoài mặt hàng ngô, các doanh nghiệp đã nhập khẩu kỷ lục 73.014 tấn lúa mì từ Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, gạo cũng đang là mặt hàng được nhập khẩu nhiều từ thị trường này. Số liệu từ Bộ Thương Mại Ấn Độ cho biết, năm 2021 Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục hơn 800.000 tấn gạo vào Việt Nam và tiếp tục cung cấp gần 215.000 tấn trong 4 tháng đầu năm nay.

Các chuyên gia cho rằng, nguồn cung dồi dào, giá cả cạnh tranh, vận chuyển thuận lợi và đặc biệt là các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Ấn Độ (AIFTA) là những yếu tố khiến nguyên liệu TACN của Ấn Độ thu hút các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam.

Theo cam kết từ Hiệp định AIFTA, nhập khẩu một số loại ngũ cốc từ Ấn Độ như ngô, gạo sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi là 0%.

Đối với gạo, theo lý giải từ một số doanh nghiệp, Việt Nam đang hướng đến sản xuất những loại gạo thơm, chất lượng cao nên các loại gạo phục vụ chế biến các sản phẩm từ gạo, chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ thiếu hụt, trong khi gạo Ấn Độ giá rẻ hơn nên các doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu. 

 Số liệu từ Bộ Thương Mại Ấn Độ. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Tăng sử dụng nguyên liệu và phụ phẩm trong nước

Cùng với sự chuyển dịch về nguồn cung nhập khẩu, thời gian gần đây các doanh nghiệp chế biến TACN đã tăng cường sử dụng các nguồn nguyên liệu và phụ phẩm ngành nông nghiệp trong nước, đặc biệt là mặt hàng cám gạo.

Điều này đã đẩy giá cám gạo trong nước lên mức kỷ lục 9.100 đồng/kg (tính đến ngày 15/6), tăng 20% so với đầu năm nay và thậm chí vượt qua mức giá 8.850 đồng/kg của gạo thành phẩm IR 504. Đây là mức giá chưa từng có trong lịch sử ngành gạo.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến giá TACN trong nước đã tăng 5 lần kể từ đầu năm đến nay và tăng tới 15 lần trong 2 năm qua, gây ra nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.

Theo báo Thanh Niên, Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam (AHAV) cho biết: “Hiện nay, người chăn nuôi nông hộ đang sử dụng gần như 100% thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Bởi vậy, việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã trực tiếp ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của những hộ chăn nuôi này. Theo nghiên cứu sơ bộ, chi phí sản xuất của chăn nuôi nông hộ luôn cao hơn so với chăn nuôi công nghiệp từ 10 – 15%”.

Trước thực trạng trên, đại diện AHAV cũng đưa ra một số giải pháp cho ngành chăn nuôi Việt Nam, bao gồm giảm nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, phế phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, giảm tỷ lệ chăn nuôi lợn, gia cầm, tăng cơ cấu chăn nuôi gia súc.

Hoàng Hiệp

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.