|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu khởi sắc

20:42 | 10/06/2022
Chia sẻ
Trong tháng 5, xuất khẩu gạo của nước ta đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang mang đến cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo tăng tốc

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây với 710.371 tấn, trị giá 347,1 triệu USD, tăng mạnh 27,8% về lượng và 25,8% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 13,5% về lượng và tăng 2,5% về trị giá.

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 2,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD, tăng 6,9% về lượng nhưng giảm 3,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

 Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Xuất khẩu gạo tăng mạnh trong tháng 5 chủ yếu là do nhu cầu từ Philippines, thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của nước ta tăng tới 45,8% về lượng và 50,9% về trị giá so với tháng trước, đạt 345.944 tấn, trị giá 167,6 triệu USD.

Như vậy, sau 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang Philippines đã lên đến 1,3 triệu tấn, trị giá gần 590 triệu USD, tăng 34,8% về lượng và 17,7% về trị giá so với cùng kỳ. Hiện Philippines đang chiếm 46% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta.

Lượng gạo xuất khẩu sang một số thị trường chính khác cũng tăng khá mạnh trong 5 tháng đầu năm như Bờ Biển Ngà tăng 37% (đạt 273.078 tấn), Malaysia tăng 19% (đạt 162.465 tấn), Mozambique tăng 47,1%…

Bên cạnh việc duy trì đơn hàng sang các thị trường truyền thống thì các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” như Mỹ hay các nước trong khối EU như Italia, Đức, Thụy Điển, Bỉ, Tây Ban Nha…

Đặc biệt, giống gạo đặc sản ST25 của Việt Nam đang ngày càng được ưa chuộng tại Mỹ và được biết đến rộng rãi tại châu Âu. Giá gạo ST25 xuất khẩu đang có giá rất cao, ở ngưỡng trên 1.000 USD/tấn.

Ngược lại với bức tranh tươi sáng từ các thị trường kể trên, xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ hai của Việt Nam giảm mạnh gần 20% cả về lượng lẫn trị giá trong 5 tháng đầu năm nay, xuống còn 388.616 tấn, trị giá 203.341 tấn.

Tính riêng trong tháng 5, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này giảm 22,6% so với tháng trước, chỉ đạt 91.675 tấn.

Trong những tháng đầu năm nay, Trung Quốc chủ yếu  nhập khẩu gạo tấm nhằm phục vụ nhu cầu của ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, trong khi nhu cầu đối với gạo dành cho tiêu dùng giảm.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các doanh nghiệp, giống gạo thơm ST21 và ST24 của Việt Nam vẫn đang được Trung Quốc quan tâm và nhập khẩu nhiều (tăng từ 2-3 lần), sự sụt giảm về nhu cầu chủ yếu đến từ mặt hàng gạo nếp.

Hứa hẹn tiếp tục khởi sắc

Xuất khẩu gạo được cho là tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới do cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang trở lên nghiêm trọng hơn.

Gạo đang là mặt hàng được săn đón trong bối cảnh giá một số loại ngũ cốc như ngô, lúa mì, đậu tương tăng cao và khan hiếm do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tại Ukraine và các biện pháp hạn chế xuất khẩu của một số nhà cung cấp lớn, điển hình là Ấn Độ.

Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam dù chưa tăng mạnh như kỳ vọng nhưng cũng đang nhích dần lên, tính đến ngày 10/6 dao động quanh mức 425 USD/tấn với gạo 5% tấm, tăng nhẹ 5 USD/tấn so với một tháng trước. Mức giá này đang khá cạnh tranh so với gạo cùng loại của Thái Lan có giá lên đến 460 USD/tấn.

Trả lời Reuters, một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết "Nguồn cung trong nước đang tăng do bắt đầu thu hoạch vụ Hè Thu, nhưng nhu cầu cũng đang tăng lên, đặc biệt là từ những người mua châu Á và châu Phi...”

Người này cho biết thêm, việc gia hạn cắt giảm thuế nhập gạo của Philippines vào đầu tuần này cũng là một tín hiệu tốt cho các nhà xuất khẩu.

Còn tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm của nước này dù đã tăng trong vài tuần qua nhưng vẫn đang ở mức khá cạnh tranh, dao động từ 357 - 362 USD/tấn. Ấn Độ

Đã có những đồn đoán rằng Ấn Độ có thể đưa ra các hạn chế đối với xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, các nguồn tin thương mại và chính phủ cho biết nước này không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu ngũ cốc vì đã có đủ dự trữ và giá nội địa thấp hơn giá hỗ trợ do nhà nước ấn định. 

 Tổng hợp từ Reuters. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Theo Báo Công Thương, Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV, cho biết, thị trường lúa gạo nội địa khá ổn định, nhu cầu mua của các thương lái, doanh nghiệp đều. Với thị trường xuất khẩu, nhu cầu thị trường Philippines, Trung Quốc tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, giá xuất khẩu trong thời gian tới sẽ khó tăng cao.

Cũng theo ông Thành, gạo thường Việt Nam là loại 504, 5451, Đài thơm 8... đang có giá tốt nhờ nhiều nước tăng lượng mua. Đặc biệt, mọi năm Philippines đến đầu tháng 6 mới mở hạn ngạch nhập khẩu gạo nhưng hiện nay nước này nhập khẩu sớm nên thị trường sôi động từ tháng 5.

Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra dự báo, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU sẽ tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục chiến lược chất lượng, gia tăng giá trị sẽ giúp gạo Việt duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường này.

Áp lực cạnh tranh gia tăng

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, các chuyên gia thương mại cũng cho rằng xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục đối mặt với một số khó khăn và thách thức như giá gạo khó tăng mạnh do nguồn cung gạo thế giới dồi dào, chi phí logistics vẫn ở mức cao.

Việc Trung Quốc kiên trì theo đuổi chính sách “Zero COVID” có thể là lực cản đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam vào nước này.

Bên cạnh đó là cuộc cạnh tranh giữa các nhà cung cấp, đặc biệt là giữa Việt Nam và Thái Lan bởi cùng phân khúc về thị trường tiêu thụ. Đồng thời, các nước nhập khẩu cũng đang có chính sách đa dạng hóa nguồn cung cấp.

Theo Reuters, ngày 7/6, Philippines thông báo kéo dài chính sách hạ thuế nhập khẩu gạo từ các nước ngoài Đông Nam Á từ 40 – 50% xuống còn 35% tới hết năm 2022.

Philippines phụ thuộc lớn vào nhập khẩu gạo từ Việt Nam đồng thời mua một phần từ Thái Lan. Nước này rất ít khi nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay, nhưng Chính phủ Philippines gần đây đã bắt đầu có ý tưởng đa dạng hóa nguồn nhập khẩu từ các nguồn rẻ hơn với gạo Ấn Độ là một lựa chọn thay thế.

Quyết định của chính phủ Philippines duy trì thuế nhập khẩu gạo ở mức thấp vào thời điểm Thái Lan và Việt Nam lên kế hoạch bắt tay nâng giá gạo, mặc dù các nhà chức trách ngành gạo Thái Lan vẫn hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch.

Dữ liệu từ Cục Công nghiệp Thực vật Philippines (BPI) cho thấy nhập khẩu gạo của nước này từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay đã tăng 47,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,2 triệu tấn. Cũng theo số liệu mới nhất của BPI, nhập khẩu gạo tính đến ngày 12 tháng 5 đã đạt 1,3 triệu tấn. 

Việt Nam vẫn là nhà cung cấp gạo hàng đầu cho Philippines với hơn 1 triệu tấn, tiếp theo là Myanmar cung cấp 120.859 tấn, từ Pakistan và Thái Lan lần lượt đạt 75.931 tấn và 74.593 tấn.

Hoàng Hiệp