|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu gạo, Việt Nam có tận dụng được cơ hội?

15:39 | 07/06/2022
Chia sẻ
Trong những tháng đầu năm nay, Trung Quốc chủ yếu đẩy mạnh nhập khẩu gạo tấm dùng trong thức ăn chăn nuôi, đây lại không phải là thế mạnh của Việt Nam. Mặc dù vậy, tín hiệu tích cực là Trung Quốc đang quy trở lại nhập khẩu gạo nếp và tiếp tục mua nhiều gạo thơm ST21, ST24 từ Việt Nam.

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu gạo, Việt Nam đứng thứ 5 về cung cấp

Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt kỷ lục 2,3 triệu tấn, trị giá 957,7 triệu USD, tăng 17,7% về lượng và 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đà tăng này chủ yếu là do Trung Quốc tăng cường nhập khẩu gạo tấm giá rẻ từ Ấn Độ và Pakistan phục vụ cho nhu cầu trong ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, thay thế cho các loại ngũ cốc khác như ngô, lúa mì có giá tăng cao và nguồn cung thắt chặt sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra.

Cụ thể, Ấn Độ là thị trường cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc trong 4 tháng qua với khối lượng lên đến 698.303 tấn, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ. Đứng thứ hai là Pakistan đạt 601.574 tấn, tăng 12,5%.

Giá nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ Ấn Độ và Pakistan đạt trung bình 340 – 375 USD/tấn, giảm 1,5% và 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu từ Hải quan Trung Quốc. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Trong khi đó, nhập khẩu gạo dành cho tiêu dùng của Trung Quốc từ một số nước như Myanmar, Campuchia và Việt Nam lại giảm trong 4 tháng đầu năm nay.

Trong đó, Việt Nam đang đứng ở vị trí đứng thứ 5 trong cuộc đua xuất khẩu gạo vào Trung Quốc với 230.401 tấn, giảm mạnh 31,9% so với cùng kỳ.

Theo một số nguồn tin, 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã tăng rất mạnh nhập khẩu gạo thơm ST21 và ST24 từ Việt Nam nhưng giảm đối với gạo nếp.

Cụ thể, khối lượng gạo nếp xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 4 tháng đã giảm mạnh gần 60%, xuống còn 128.400 tấn.

Ngược lại, gạo thơm (chủ yếu là ST21 và ST24) của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 128.000 tấn. Trong đó, gạo ST21 đạt khoảng 55.000 tấn, tăng gấp 4,3 lần; còn gạo ST24 đạt hơn 35.000 tấn, tăng 3,2 lần.

Dịch COVID-19 tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, cộng với chính sách “Zero COVID” của nước này đã khiến cho xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc có những hạn chế nhất định.

Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng đang vấp phải sự cạnh tranh từ Thái Lan. 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 294.385 tấn gạo từ Thái Lan, tăng tới 84% so với cùng kỳ.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo vào Trung Quốc, số liệu từ Hải quan Trung Quốc. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Cơ hội của gạo Việt Nam

Mặc dù lượng gạo xuất sang Trung Quốc giảm trong những tháng đầu năm nay, nhưng các doanh nghiệp cho biết thương nhân Trung Quốc hiện đang tích cực đàm phán để ký hợp đồng mới.

Trong tháng 4, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng tới 23% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 118.491 tấn, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam. Trung Quốc hiện đang đứng thứ 2 về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, chiếm khoảng hơn 14% tỷ trọng. 

Cũng theo thông tin từ phía các doanh nghiệp, đơn hàng nhập khẩu đối với gạo ST24 từ Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao trong khi nhu cầu gạo nếp đang tăng trở lại.

Tại Trung Quốc, người dân có xu hướng giảm mạnh diện tích trồng lúa nếp nên nước này buộc phải nhập khẩu khối lượng lớn từ Việt Nam mỗi năm.

Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch được cho là sẽ sôi động hơn khi dịch bệnh tại Trung Quốc đang phần nào được kiểm soát, Chính quyền thành phố Thượng Hải đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch COVID-19 kể từ ngày 1/6 vừa qua sau hơn 2 tháng phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh. 

Một yếu tố khác có thể thúc đẩy nhập khẩu gạo của Trung Quốc là giá gạo nội địa của nước này đang cao hơn so với gạo nhập khẩu. Tính đến ngày 5/6, giá bán buôn gạo indica sớm tại Quảng Đông là 3.760 CNY/tấn, trong khi giá gạo 5% tấm của Việt Nam đến Hồng Kông bao gồm thuế là 3.284 CNY/tấn, của Thái Lan là 3.623 CNY/tấn, Pakistan là 2.914 CNY/tấn.  

Liên quan đến tình hình tiêu thụ gạo của Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nhập khẩu gạo của Trung Quốc sẽ tăng trong thời gian tới, chủ yếu là do được thúc đẩy bởi nhu cầu gạo tấm sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước này.

USDA dự báo tiêu thụ gạo của Trung Quốc trong niên vụ 2021-2022 đạt 155,4 triệu tấn, tăng hơn 5 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021. Đồng thời, nhập khẩu gạo dự kiến đạt 5,2 triệu tấn, tăng so với 4,9 triệu tấn của niên vụ trước.

Trong niên vụ 2022-2023, USDA dự báo tiêu thụ gạo của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên 156,6 triệu tấn và nhập khẩu ở mức kỷ lục 6 triệu tấn do nhu cầu của Trung Quốc đối với gạo tấm Ấn Độ tăng. 

Hoàng Hiệp