Nguồn cung lớn khiến giá gạo Ấn Độ xuống đáy hơn 5 năm
Giá gạo xuất khẩu Ấn Độ xuống thấp nhất trong hơn 5 năm
Theo Reuters, giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới - Ấn Độ - báo đạt 350 - 354 USD/tấn trong tuần trước, giảm từ 351 - 356 USD/tấn của tuần tính đến ngày 20/5.
Theo một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, Andhra Pradesh, nhu cầu vẫn có, nhưng nguồn cung cũng rất nhiều. Nhiều người mua đang tìm kiếm gạo nứt 100% để thay thế cho nguyên liệu đầu vào đắt đỏ sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi là ngô.
Đồng rupee mất giá, giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong tuần tính đến ngày 20/5, đã làm tăng lợi nhuận biên của các nhà xuất khẩu.
Tại quốc gia láng giềng - Bangladesh, giá gạo tiếp tục tăng trong tuần trước bất chấp nguồn cung dồi dào, với các thương nhân trong nước đổ lỗi cho sự leo thang của thị trường quốc tế.
"Chúng tôi đã nghe về việc Ấn Độ có thể hạn chế xuất khẩu. Giá có thể tiếp tục tăng nếu họ làm vậy", một thương nhân có trụ sở tại Dhaka cho hay.
Tuy nhiên, theo nguồn tin thương mại và chính phủ, Ấn Độ không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo vì quốc gia Nam Á có đủ nguồn cung dự trữ và giá nội địa thấp hơn giá hỗ trợ do nhà nước ấn định.
Dự trữ thóc và gạo xay xát tại Tổng công ty Thực phẩm Ấn Độ (FCI) - cơ quan dự trữ quốc gia - đạt tổng cộng 66,22 triệu tấn so với mục tiêu là 13,58 triệu tấn, sau khi nước này tích cực thu mua từ nông dân.
Giá gạo Thái Lan tăng vì chi phí sản xuất, đồng baht cao
Giá gạo 5% tại Thái Lan đã tăng từ 430 - 445 USD/tấn lên 450 USD/tấn trong tuần trước, nhờ đồng baht mạnh và chi phí sản xuất cao hơn.
"Nguồn cung vẫn dồi dào, nhưng giá gạo đã tăng do giá phân bón cao hơn", một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết.
Theo một nhà giao dịch khác, nhu cầu đã giảm trong vài tuần qua vì giá cao hơn đã ngăn cản những người mua tiềm năng.
Trong khi đó, gái gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức415 - 420 USD/tấn hôm 26/5, không đổi so với một tuần trước đó.
"Philippines sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất, được hỗ trợ bởi hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam", một thương nhân có trụ sở tại TP HCM cho hay.
Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 369.882 tấn gạo đã được tải lên các tàu tại cảng TP HCM từ ngày 1/5 đến ngày 28/5, với hầu hết lô hàng được giao đến Philippines, châu Phi và Cuba.