|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hai nhà xuất khẩu hàng đầu có thể hợp tác để tăng giá gạo?

18:40 | 01/06/2022
Chia sẻ
Thái Lan và Việt Nam nên cùng nhau tăng giá gạo để thúc đẩy quyền thương lượng trên thị trường toàn cầu, theo Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha. Một động thái được cho là sẽ khiến chi phí lương thực của người tiêu dùng trên toàn thế giới cao hơn.

Người phát ngôn Thanakorn Wangboonkongchana của ông Prayuth cho biết bước đi này sẽ mang lại lợi ích cho hàng triệu nông dân trồng lúa ở hai quốc gia đang phải vật lộn với chi phí tăng cao trong khi giá gạo vẫn ở mức thấp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Trần Thanh Nam đã gặp gỡ các quan chức Thái Lan hôm 26/5 để thảo luận về một khuôn khổ hợp tác.

"Chúng tôi đặt mục tiêu tăng giá gạo, tăng thu nhập của nông dân và tăng quyền thương lượng trên thị trường quốc tế. Giá gạo đã ở mức thấp trong hơn 20 năm, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng", ông Thanakorn cho biết vào cuối tuần trước. 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ lương thực ngày càng gia tăng và lạm phát leot thang. Trước đó xuất hiện tin đồn rằng Ấn Độ có thể hạn chế xuất khẩu gạo sau những động thái tương tự đối với lúa mì và đường, làm suy yếu thị trường lương thực toàn cầu vốn đã bị xáo trộn bởi căng thẳng địa chính trị giữa Nga vào Ukraine.

Trong khi Thái Lan không dự tính đưa ra bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động xuất khẩu, họ muốn tận dụng cơ hội khi các nước phụ thuộc vào nhập khẩu tìm tăng nguồn cung ngũ cốc. 

Thái Lan và Việt Nam là những nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sau Ấn Độ. Giá gạo tăng sẽ là tin xấu đối với hàng tỷ người trên thế giới, đặc biệt là khi giá lúa mì tăng cao.

Theo Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit, xuất khẩu gạo của nước này đang nhận được lực đẩy trong năm nay, nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi và đồng baht giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm so với đồng USD, theo Bloomberg.

Kế hoạch "bất khả thi"

Tuy nhiên, ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nhận định đề xuất nghe có vẻ hay nhưng gần như không thể thực hiện được. "Chúng tôi không phải là hai người bán duy nhất trên thị trường", ông cho biết. 

Người tiêu dùng có thể chuyển sang các nhà xuất khẩu gạo lớn khác như quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới - Ấn Độ - để tìm kiếm nguồn cung.

"Nếu Thái Lan và Việt Nam cố gắng tăng giá, rõ ràng những người mua nhạy cảm với giá ở châu Phi sẽ tìm tới Ấn Độ", ông B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ân Độ, cho hay. Ông cũng chia sẻ thêm rằng chưa có quốc gia nào tiếp cận Ấn Độ để thảo luận về việc tham gia vào một hiệp hội gạo.

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lantrung bình đạt 420 USD/tấn trong năm nay, cao hơn 16% so với mức 363 USD/tấn của Ấn Độ.

Bộ Nông nghiệp Việt Nam đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Insider hoặc Reuters. Trong khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam không đánh giá cao triển vọng về các biện pháp tăng giá trước cuộc họp vào tháng 6 với các đối tác Thái Lan.

"Cuộc họp sẽ tập trung vào các biện pháp hợp tác sản xuất lương thực bền vững", ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nói với Reuters. "Thật không hợp lý khi nói về việc tăng hoặc kiểm soát giá gạo vào thời điểm này khi giá lương thực toàn cầu đang leo thang", ông cho biết thêm. 

Ngoài ra còn có vấn đề về chất lượng gây khó khăn cho việc kiểm soát thị trường.

Theo ông Chookiat, gạo phải được bán ngay sau khi thu hoạch nếu không chất lượng của nó sẽ kém đi. “Sự hợp tác hiệu quả mà chúng tôi có thể thực hiện với Việt Nam phải liên quan đến việc cải thiện sản xuất và chuyển giao bí quyết", ông nói.

Gạo là loại ngũ cốc chủ yếu giúp giữ cho cuộc khủng hoảng lương thực thế giới không trở nên tồi tệ hơn. Không giống như lúa mì và ngô, vốn đã ghi nhận sự leo thang chóng mặt về ​​giá do cuộc chiến ở Ukraine làm gián đoạn nguồn cung từ các nền kinh tế lớn, giá gạo giảm đều do sản lượng dồi dào và các kho dự trữ hiện có.

Ông Jeremy Zwinger, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu The Rice Trader, dự đoán giá gạo sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung lớn trong khi thế giới sẽ thu hoạch vụ mùa kỷ lục cho đến năm 2023.

Trong khi đã có một số chuyển dịch về nhu cầu sử dụng gạo làm thức ăn gia súc, điều đó không đủ để kéo giá tăng vọt, và bổ sung nguồn cung có thể giảm bớt chỉ khi nông dân bắt đầu sử dụng ít phân bón hơn do giá cao, ông nói thêm. 

Tố Tố

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.