|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Đô thị sinh thái (Ecocity) là gì? Nguyên tắc xây dựng đô thị sinh thái

14:24 | 04/10/2019
Chia sẻ
Đô thị sinh thái (tiếng Anh: Ecocity) là mô hình lí tưởng cho sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đảm bảo các chức năng của con người trong một hệ thống sinh thái thuần khiết.
eae32f97531c30d0dac1c1bf03434e45

Hình minh họa (Nguồn: ShutterStock)

Đô thị sinh thái (Ecocity)

Đô thị sinh thái - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Ecocity.

Đô thị sinh thái là đô thị mà trong quá trình tồn tại và phát triển của nó không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, không làm suy thoái môi trường, không gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện thuận tiện cho mọi người sống, sinh hoạt và làm việc trong đô thị. (Theo Môi trường Đô thị, NXB Xây dựng)

Đặc điểm của đô thị sinh thái

- Nguyên liệu và năng lượng được sử dụng có hiệu quả;

- Ô nhiễm và chất thải phải ít hơn nhiều so với những thành phố bình thường;

- Tái sử dụng, tái chế chất thải;

- Sử dụng có hiệu quả cao nguồn năng lượng và tài nguyên;

- Thân thiện với thiên nhiên.

Bản chất đô thị sinh thái

Có thể hiểu rằng đô thị sinh thái là một đô thị mà mọi hoạt động kinh tế - xã hội của nó đều phải tính đến các yếu tố sinh thái, xảy ra trong giới hạn sinh thái, sao cho đảm bảo rằng đưa con người tiến gần tới thiên nhiên, hòa hợp vào thiên nhiên trong sự phát triển. 

Điều đáng nhấn mạnh là phải phòng tránh ô nhiễm, tái sử dụng, tái chế và sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng và tài nguyên. Chất thải rắn tính theo đầu người phải được giảm xuống đáng kể và ít nhất 60% của những gì sản xuất ra phải được tái sử dụng, tái chế hoặc làm phân rác. 

Đô thị sinh thái luôn hướng mạnh đến thiên nhiên và dựa trên các nguyên lí về sinh thái học. Đô thị sinh thái là mô hình lí tưởng cho sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đảm bảo các chức năng của con người trong một hệ thống sinh thái thuần khiết.

Nguyên tắc tiến tới đô thị sinh thái 

1. Chú ý xem xét đến quyền sử dụng đất tại các nút giao thông nhằm có được thỏa thuận với lợi ích chung cho cộng đồng.

2. Phân cấp mức ưu tiên giao thông đối với người đi bộ, xe đạp hay ô tô đồng thời qui định rõ khu vực hoạt động nhất định với mỗi loại hình giao thông.

3. Thiết kế và áp dụng mô hình ngôi nhà, sao cho vừa tao nhã, vừa tiện lợi, kinh tế nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.

4. Thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, tránh lãng phí.

5. Khôi phục lại trạng thái môi trường đô thị, đặc biệt tại các con kênh, rạch chảy qua thành phố và nhất là các vùng đất ngập nước. 

6. Hỗ trợ phát triển nông nghiệp bản địa, xúc tiến các dự án xanh hóa đô thị, phát triển các hội làm vườn.

7. Thúc đẩy tái sử dụng, khuyến khích áp dụng công nghệ mới đồng thời bảo tồn thiên nhiên, giảm thiểu các dạng ô nhiễm và tái chế rác thải.

8. Kêu gọi đầu tư vào các hoạt động xanh, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm và tạo ra chất thải nguy hại.

9. Đảm bảo công bằng xã hội, tạo cơ hội phát triển hơn cho người phụ nữ, người da màu và những người khuyết tật. 

10. Tăng cường hiểu biết của mọi người về môi trường khu vực họ đang sống thông qua các nhà hoạt động xã hội, các dự án nâng cao nhận thức về phát triển bền vững. (Theo Môi trường Đô thị, NXB Xây dựng)


Khai Hoan Chu