Dịch vụ thuê ngoài trong lĩnh vực chuyên ngành (Knowledge Process Outsourcing - KPO) là gì?
Dịch vụ thuê ngoài trong lĩnh vực chuyên ngành
Khái niệm
Dịch vụ thuê ngoài trong lĩnh vực chuyên ngành trong tiếng Anh là Knowledge Process Outsourcing, viết tắt là KPO.
Dịch vụ KPO là việc thuê ngoài các hoạt động kinh doanh cốt lõi và liên quan đến thông tin trong ngành. Các cá nhân được thuê ngoài thường là những người có bằng cấp và chuyên môn cao trong một lĩnh vực chuyên ngành.
Các công việc liên quan đến kiến thức chuyên ngành có thể được thực hiện bởi các nhân viên trong một công ty khác hoặc bởi một công ty con của cùng một tổ chức. Các công ty con có thể trong cùng một quốc gia hoặc một địa điểm ở nước ngoài để tiết kiệm chi phí hoặc các tài nguyên khác.
KPO phân bổ các đầu việc tương đối cao, cho bất kì tổ chức bên ngoài hoặc một nhóm khác và thường ở một vị trí địa lí khác nhau.
KPO khác với thuê ngoài qui trình kinh doanh (BPO). Mặc dù KPO là một phần của BPO, nhưng KPO liên quan đến công việc chuyên môn, phân tích và dựa trên kiến thức nhiều hơn.
Các công ty sử dụng KPO mong muốn tìm được những cá nhân có trình độ học vấn cao mà không mất chi phí đào tạo và phát triển những nhân viên đó. Thông qua KPO, một công ty có thể nhanh chóng bổ sung các chuyên gia trong các lĩnh vực cụ thể để tăng khả năng cạnh tranh và tăng thu nhập.
Các loại dịch vụ KPO
- Tư vấn tài chính
- Nghiên cứu và phát triển
- Nghiệp vụ kinh doanh
- Phân tích kĩ thuật
- Đầu tư
- Pháp luật
- Y tế
- Phân tích và diễn giải dữ liệu
Lí do sử dụng KPO
Các công ty sử dụng KPO khi họ đang cần những kiến thức chuyên môn và khi họ thiếu các chuyên gia. Tuy nhiên, các công ty sử dụng KPO ở nước ngoài thường làm như vậy để giảm chi phí bằng cách thuê những nhân viên lành nghề có mức lương thấp hơn đến từ một nơi khác. Điều lí tưởng nhất đối với các công ty khi sử dụng dịch vụ KPO là họ có được lực lượng lao động có tay nghề cao với chi phí thấp hơn.
Ví dụ: nhà sản xuất có thể sử dụng nguyên liệu thô, tăng giá trị cho các nguyên liệu đó thông qua các qui trình khác nhau và sau đó bán sản phẩm cuối cùng. Công ty có thể tìm đến KPO để xác định cách cải thiện hiệu quả trong qui trình sản xuất để có thể mang lại giá trị tối đa với tổng chi phí thấp nhất có thể. Kết quả của KPO cũng có thể giúp công ty tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Ưu điểm và nhược điểm của KPO
Ưu điểm
KPO có thể giúp các công ty giảm chi phí hoạt động hoặc sản xuất sản phẩm và dịch vụ của họ. KPO cũng lấp đầy khoảng trống hoặc nhu cầu về nhân viên có kĩ năng trong một lĩnh vực cụ thể. KPO cũng giải phóng những nhân viên hiện có, bao gồm cả quản lí, để thực hiện các công việc khác giúp tăng hiệu quả và năng suất.
Tính linh hoạt của KPO cho phép một công ty tăng hoặc giảm nhân viên một cách dễ dàng. Ví dụ, nếu điều kiện kinh tế trở nên kém hơn, một công ty có thể dễ dàng giảm nhân viên KPO để cắt giảm chi phí. Ngược lại, công ty có thể nhanh chóng thuê nhân viên chuyên môn để thúc đẩy lợi nhuận hoặc doanh thu. KPO giúp một công ty trở nên linh hoạt hơn và thích nghi được với những thay đổi trong ngành và bối cảnh cạnh tranh.
Nhược điểm
Tuy nhiên, ở KPO cũng tồn tại những nhược điểm. Quyền riêng tư và bảo mật có thể bị xâm phạm nếu thông tin mật và độc quyền bị mất, bị sao chép hoặc rơi vào tay đối thủ cạnh tranh. Các công ty ít kiểm soát quá trình tuyển dụng lao động thuê ngoài. Do đó, một công ty có thể không đảm bảo được nhân phẩm của nhân viên thuê ngoài hoặc chất lượng công việc của họ.
Việc sử dụng KPO có thể tốn nhiều thời gian và tài nguyên để tạo ra một hoạt động thành công. Ngoài ra, giao tiếp có thể là một mối quan tâm và thách thức, do các rào cản pháp lí, ngôn ngữ và văn hóa. Một bất lợi khác có thể là các nhân viên hiện tại có thể cảm thấy bất an bởi việc công ty thuê nhân viên bên ngoài và cảm thấy chỗ đứng của họ đang bị đe dọa.
(Theo Investopedia)