|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Địa chính trị (Geopolitics) là gì? Tầm quan trọng đối với chính sách đối ngoại

23:02 | 17/10/2019
Chia sẻ
aĐịa chính trị (tiếng Anh: Geopolitics) xem xét các yếu tố như vị trí địa lí, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, dân số hay địa hình tác động như thế nào tới chính sách đối ngoại của một quốc gia và vị thế của quốc gia đó trong hệ thống quốc tế.
địa chính trị

Hình minh họa. Nguồn: Shutterstock

Địa chính trị

Khái niệm

Địa chính trị trong tiếng Anh là Geopolitics.

Địa chính trị là lĩnh vực nghiên cứu về tác động của các yếu tố địa lí tới hành vi của các quốc gia và quan hệ quốc tế. Cụ thể, địa chính trị xem xét các yếu tố như vị trí địa lí, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, dân số hay địa hình tác động như thế nào tới chính sách đối ngoại của một quốc gia và vị thế của quốc gia đó trong hệ thống quốc tế.

Khái niệm "địa chính trị" lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà khoa học chính trị người Thụy Điển Rudolf Kjellen vào năm 1899. Kjellen cho rằng các đặc điểm về kinh tế, chính trị và quân sự của một quốc gia bắt nguồn từ các yếu tố địa lí và môi trường của quốc gia đó. Các yếu tố địa lí này có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội và chính trị, đồng thời góp phần định hình bản sắc và lịch sử của mỗi quốc gia.

Tầm quan trọng của địa chính trị

Các nhà nghiên cứu địa chính trị cũng cho rằng vị trí địa có mối liên hệ với sức mạnh và sự phát triển của mỗi quốc gia. Những quốc gia nằm ở những khu vực có khí hậu ôn hòa thường có sức mạnh kinh tế và quân sự lớn hơn các quốc gia khác nhờ lợi thế nông nghiệp và khai thác tài nguyên.

Trong khi đó, các quốc gia ở gần xích đạo hay có khí hậu giá lạnh thường có nền kinh tế kém phát triển hơn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Tương tự điều kiện khí hậu cũng có thể tác động tới an ninh của một quốc gia. Việc quân đội Pháp thời Napoleon hay quân đội Đức thời Hitler bị thời tiết băng giá cản bước khi tìm cách xâm lược nước Nga là những ví dụ tiêu biểu. 

Các đặc điểm địa hình, như sa mạc, rừng rậm hay núi non hiểm trở, cũng là những yếu tố tác động quan trọng tới chiến thuật quân sự, có thể góp phần mang lại thành công hay thất bại cho một đội quân trong các cuộc chiến tranh.

Như vậy có thể nói, yếu tố địa chính trị đóng vai trò quan trọng đối với chính sách đối ngoại mỗi quốc gia. Tuy nhiên cần nhận thấy rằng địa chỉ là một trong rất nhiều yếu tố tác động tới lựa chọn chính sách của mỗi quốc gia nói riêng cũng như quan hệ quốc tế nói chung. Thực tế, trong thời kỳ toàn cầu hóa ngày nay, vai trò của yếu tố địa chính trị dần bị suy giảm khi những đường biên giới quốc gia trở nên bị lu mờ.

Dòng chảy thương mại, đầu tư, vốn, công nghệ hay nhân lực ngày càng trở nên tự do và thay thế dần các đường biên giới chính trị và địa cố định trong việc tạo ra nền tảng và khuôn khổ cho cho các mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa các quốc gia. 

Mặt khác, với sự trỗi dậy của các nền kinh tế Đông Á trong những thập niên vừa qua, nhiều người cho rằng đã tới lúc cần thay thế khái niệm địa chính trị bằng địa kinh tế (Geoeconomics). 

Theo đó, những quốc gia có nền kinh tế phát triển và chính sách thương mại rộng mở trở nên quan trọng hơn so với các quốc gia có lực lượng quân đội lớn mạnh. Lợi ích kinh tế dần thay thế các tính toán về chiến lược, chính trị hay quân sự để trở thành yếu tố chính chi phối chính sách đối ngoại của các quốc gia.

(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)