|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Địa chất du lịch (Geotourism) là gì? Đặc điểm

14:35 | 22/06/2020
Chia sẻ
Địa chất du lịch (tiếng Anh: Geotourism) là một dạng thức, một cách tiếp cận du lịch mới theo định hướng phát triển du lịch bền vững.
Địa chất du lịch (Geotourism) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Hisour)

Địa chất du lịch

Khái niệm

Địa chất du lịch trong tiếng Anh gọi là: Geotourism.

Địa chất du lịch là một loại hình du lịch cung cấp cho khách du lịch, khách tham quan những thông tin, những kiến thức về cơ chế hình thành, lịch sử phát triển của các thắng cảnh, các cảnh quan kì thú, những sản phẩm của tự nhiên được hình thành bởi các quá trình nội sinh và ngoại sinh. 

Đặc điểm

Mục đích của loại hình du lịch này nhằm giúp cho khách du lịch cảm thấy hứng thú khi tham quan các thắng cảnh, mặt khác giúp họ thấy được mức độ kì vĩ về qui mô và thời gian mà thiên nhiên đã tạo dựng nên những thắng cảnh đó. Qua đó cảnh tỉnh khách du lịch phải chung sức bảo vệ giữ gìn những danh lam thắng cảnh. 

Đối với ngành Du lịch, việc lồng ghép những thông tin, những kiến thức địa chất học về những thắng cảnh sẽ có tác dụng kích thích tính hiếu kì của du khách, từ đó tác động đến nhu cầu đi du lịch. 

Đối với hướng dẫn viên du lịch, cần được trang bị kiến thức về địa chất du lịch để những bản thuyết minh được chuẩn bị kĩ lưỡng, lồng ghép được những thông tin hướng dẫn du lịch thông thường với nội dung địa chất du lịch, làm cho việc thuyết minh không cứng nhắc, nhàm chán mà ngược lại càng làm tăng sức hấp dẫn của các thắng cảnh đối với du khách.

(Theo: Địa chất du lịch, PGS. TSKH. Nguyễn Địch Dỹ, Tạp chí Du lịch, 2006) 

Nếu như du lịch sinh thái, đa dạng sinh học được đề cập nhiều trong khoảng ba mươi năm gần đây thì khái niệm về du lịch địa chất và các thuật ngữ liên quan đến nó như:

Di sản địa chất (geological heritage), di sản địa chất thế giới (world geological heritage), hay địa điểm lí thú về địa chất (geosite), công viên địa chất (geopark), đa dạng địa chất (geo–diversity), bảo tồn địa chất (geo–conservation) và tour du lịch địa chất (geotour) còn khá mới mẻ. 

Du lịch địa chất là một dạng thức, một cách tiếp cận du lịch mới theo định hướng phát triển du lịch bền vững. 

Công viên địa chất là một sự đổi mới để bảo vệ thiên nhiên và các di sản địa chất, đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch địa chất. 

Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO (GGN) đã chính thức thành lập năm 2005. Tính đến 2018 đã có 147 công viên địa chất thuộc 41 quốc gia là thành viên của mạng lưới, dự kiến trong tương lai sẽ có khoảng 500 khu vực trên thế giới mang danh hiệu công viên địa chất toàn cầu.

(Tài liệu tham khảo: Những xu hướng lan tỏa và định hình sản phẩm du lịch trong thời gian tới, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2019) 

Tuyết Nhi