|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Đầu tư chứng khoán (Securities investment) là gì? Các loại đầu tư chứng khoán

11:22 | 26/08/2019
Chia sẻ
Đầu tư chứng khoán (tiếng Anh: Securities investment) cũng là hoạt động có bản chất giống như hoạt động đầu tư thông thường với việc chi một khoản vốn hoặc khoản tiền hiện tại nhằm kì vọng thu về một khoản tiền nhiều hơn trong tương lai.
shares-investment-word-securities-proper-stock-market-historic-papers-35677552

Hình minh hoạ (Nguồn: dreamstime)

Đầu tư chứng khoán

Khái niệm

Đầu tư chứng khoán trong tiếng Anh được gọi là securities investment.

Đầu tư chứng khoán cũng là hoạt động có bản chất giống như hoạt động đầu tư thông thường với việc chi một khoản vốn hoặc khoản tiền hiện tại nhằm kì vọng thu về một khoản tiền nhiều hơn trong tương lai. 

Khoản tiền chênh lệch giữa số tiền hiện tại và số tiền nhận được trong tương lai được gọi là lãi. Lãi suất là tỉ lệ giữa khoản tiền nhận được trong tương lai và khoản tiền bỏ ra ở hiện tại.

Trên cơ sở khái niệm đầu tư chung, đầu tư chứng khoán chính là hoạt động đầu tư tạo ra lợi nhuận trên cơ sở đầu tư vào các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và các loại tài sản tài chính có giá khác.

Phân biệt với hoạt động đầu tư thực

Trên cơ sở khái niệm đầu tư trên, hoạt động đầu tư chứng khoán được xem là hoạt động đầu tư gián tiếp hay đầu tư tài chính, nhằm phân biệt với hoạt động đầu tư thực (đầu tư trực tiếp).

- Đầu tư trực tiếp (đầu tư thực) là việc các nhà đầu tư (thường là các nhà đầu tư có tổ chức lớn hoặc là các doanh nghiệp) thực hiện việc bỏ vốn vào các tài sản hữu hình như nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị...

- Đầu tư gián tiếp (đầu tư tài chính/đầu tư chứng khoán) là việc các nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức thực hiện việc bỏ vốn để nắm giữ các hợp đồng, cam kết ghi trên giấy hoặc bút toán ghi sổ như là trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, góp vốn liên doanh...

Phân loại đầu tư chứng khoán

Đầu tư chứng khoán có thể được phân loại theo mục đích đầu tư, bao gồm:

- Đầu tư ngân quĩ

Hoạt động đầu tư ngân quĩ thường được thực hiện bởi các tổ chức kinh tế và các nhà đầu tư lớn. Xuất phát từ nhu cầu thanh toán chi trả (nhu cầu giao dịch), nhu cầu dự phòng và dự trữ, các tổ chức kinh tế và các nhà đầu tư lớn thường phải nắm giữ một lượng tiền khá lớn. 

Tuy nhiên, tiền không phải là tài sản sinh lời nên các đối tượng này thường có xu hướng tăng cường đầu tư vào các tài sản sinh lời, giảm dự trữ tiền, do vậy, tiềm ẩn khả năng phá sản lớn do khả năng thanh toán kém. 

Để khắc phục trường hợp này, các nhà quản trị tài chính thường đầu tư vào các chứng khoán ngắn hạn có khả năng chuyển đổi nhanh thành tiền như tín phiếu kho bạc, CDs, kì phiếu ngân hàng, thương phiếu... Bên cạnh khả năng sinh lợi, các chứng khoán này có vai trò như là các dự trữ thứ cấp khi nhu cầu thanh toán chi trả phát sinh.

- Đầu tư hưởng lợi

Hoạt động đầu tư hưởng lợi nhằm mục tiêu lợi nhuận. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư có thể là lợi tức từ tài sản đầu tư như cổ tức được phân phối hàng năm, hay từ lợi tức của trái phiếu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể thu được chênh lệch giá chứng khoán và các quyền lợi khác nếu có.

Hoạt động đầu tư hưởng lợi có thể bao gồm:

+ Kinh doanh chênh lệch giá: là hoạt động mua bán chứng khoán nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn từ chênh lệch giá chứng khoán.

+ Hoạt động đầu cơ: là hoạt động đầu tư chứng khoán nhằm kiếm lợi nhuận từ sự biến động giá chứng khoán trong ngắn hạn.

+ Kinh doanh giảm giá (Bán khống): là hoạt động đầu tư hưởng lợi khi có hiện tượng giảm giá chứng khoán. Khi dự báo giá chứng khoán giảm, nhà đầu tư sẽ bán chứng khoán để chờ giá hạ và mua lại. Phần chênh lệch giá sau khi trừ chi phí giao dịch sẽ là thu nhập của nhà kinh doanh giảm giá.

+ Tạo lập thị trường: là trường hợp nhà đầu tư, thường là các công ty chứng khoán, các ngân hàng thương mại đảm nhận tạo thị trường cho các loại chứng khoán trên thị trường. 

Các tổ chức này thường được cấp phép của Uỷ ban chứng khoán, thực hiện nắm giữ một lượng chứng khoán đủ lớn và thực hiện mua bán theo yêu cầu nhằm tạo tính thanh khoản cho chứng khoán. 

Họ có thể thu được lợi tức đầu tư từ cổ tức, lãi trái phiếu, chênh lệch tăng giá chứng khoán, tiền hoa hồng khi thực hiện môi giới cho các nhà đầu tư, được miễn giảm thuế, miễn giảm chi phí giao dịch, được miễn phí thông tin, thuê trang thiết bị với giá rẻ và các hỗ trợ khác.

- Đầu tư phòng vệ: Hoạt động đầu tư có khả năng mang lại lợi nhuận lớn, nhưng tiềm ẩn rủi ro cao, do vậy, các công cụ phòng vệ xuất hiện ngày càng nhiều nhằm giúp các nhà đầu tư phòng tránh rủi ro, như: Hợp đồng giao sau (Forwards), Hợp đồng kì hạn (Futures), Hợp đồng quyền mua (Call options)...

- Đầu tư nắm quyền kiểm soát: Cổ phiếu cho phép chủ sở hữu có quyền kiểm soát công ty phát hành thông qua quyền được nhận thông tin, quyền tham dự và biểu quyết tại Đại hội cổ đông. 

Số lượng cổ phiếu nắm giữ sẽ quyết định khả năng biểu quyết, kiểm soát của các nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư lớn, thường là các nhà đầu tư có tổ chức như là các doanh nghiệp hoặc các ngân hàng lớn thường thực hiện hoạt động đầu tư nắm quyền kiểm soát.

(Tài liệu tham khảo:Giáo trình Kinh tế Công cộng, 2012, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi