|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đánh thuế lên khỉ, ông Trump gây tổn hại hoạt động nghiên cứu y sinh của Mỹ và 'sang tay' lợi ích cho Trung Quốc?

17:42 | 27/08/2019
Chia sẻ
Các chuyên gia sử dụng khỉ thí nghiệm để nghiên cứu bệnh ở người đang lo lắng rằng thuế quan mới mà Tổng thống Trump áp lên Bắc Kinh sẽ gây ảnh thưởng đến hoạt động nghiên cứu y sinh của Mỹ và đẩy nhiều phòng thử nghiệm động vật đến Trung Quốc.
104780745-monkey_diet_study09_5657

Giống khỉ rhesus thường dùng trong thí nghiệm y sinh ở Mỹ. (Nguồn: Đại học Wiscousin-Madison)

Nghiên cứu y sinh - lĩnh vực ít ai ngờ lại chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của ông Trump

Chính quyền Tổng thống Trump đang chuẩn bị áp thuế suất 15% đối với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc như một phần của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Đợt thuế đầu tiên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9 và phần còn lại sẽ chính thức bị đánh thuế vào ngày 15/12.

Theo CNBC, vòng thuế quan mới là mối lo ngại đối với các nghiên cứu khoa học Mỹ, những người đang gặp khó khăn trong việc thu mua động vật sống trước sự kiểm tra gắt gao từ các nhóm bảo vệ quyền động vật và lệnh cấm vận chuyển "mặt hàng" này bằng đường hàng không.

Ngược lại, các nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật xem thuế quan là một chiến thắng tạm thời có thể làm chững lại hoạt động nhập khẩu khỉ thí nghiệm.

"Đánh thuế vào các loài linh trưởng phi nhân (non-human) sẽ làm tổn hại nghiêm trọng hoạt động nghiên cứu linh trưởng quan trọng ở Mỹ. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ để các trung tâm nghiên cứu Mỹ chuyển đến Trung Quốc", ông Matthew R. Bailey, giám đốc điều hành Hiệp hội Nghiên cứu Y sinh Quốc gia Mỹ (NABR), cho hay.

Theo NABR, khoảng 80% linh trưởng phi nhân nhập khẩu dùng trong nghiên cứu khoa học tại Mỹ đến Trung Quốc. Khỉ được sử dùng để phát triển phương pháp điều trị cho các bệnh như AIDS, Ebola và Parkinson.

Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH), khi nhu cầu khỉ thí nghiệm tiếp tục tăng lên, các nhà khoa học Mỹ cho biết tiến độ của các dự án nghiên cứu đang chững lại do họ không thể kiếm đủ động vật sống phục vụ nghiên cứu.

Theo NABR, vì hầu hết dự án nghiên cứu y sinh của Mỹ đều bị hạn chế bởi ngân sách tài trợ, họ không thể "hấp thụ" mức tăng chi phí từ 5 - 25% đối với loài linh trưởng thí nghiệm.

Trong khi một số nhà nghiên cứu sẽ bị buộc phải thu hẹp qui mô dự án do thuế quan, số còn lại có thể ngừng hoạt động ở Mỹ và chuyển nghiên cứu sang Trung Quốc.

"Thuế quan mới sẽ trao tay cho Trung Quốc một lợi thế lớn về chi phí, thúc đẩy nhiều nhà nghiên cứu tiến hành dự án ở Trung Quốc thay vì Mỹ", ông Bailey viết trong một lá thứ gửi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Ví dụ, khi Mỹ giới hạn nghiên cứu trên tinh tinh vào năm 2015, hoạt động nghiên cứu đã chuyển sang Trung Quốc, nơi các nhà khoa học có thể mua tinh tinh với giá thấp hơn đáng kể (khoảng 1.500 USD so với 6.000 USD tại Mỹ).

Về công nghệ sinh học, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn

Mặc dù có một số lượng linh trưởng được nhập khẩu từ Mauritius, Campuchia và Việt Nam, không phải tất cả đều có thể vượt qua các tiêu chuẩn nghiên cứu ở các quốc gia này để đáp ứng nhu cầu của Mỹ.

Một số nhà khoa học Mỹ lập luận, họ không thể phát triển phương pháp điều trị bệnh khi không tiếp cần nguồn cung linh trưởng giá rẻ của Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, số lượng linh trưởng phi nhân được đưa vào thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm tại Mỹ đã tăng 22% trong giai đoạn 2105 - 2017.

Năm 2017, các nhà nghiên cứu Mỹ đã thử nghiệm trên 75.825 linh trưởng phi nhân, phần lớn là khỉ rhesus - một giống khỉ có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ với bộ lông màu nâu và khuôn mặt màu đỏ hồng.

Dưới sự kiểm soát gắt gao từ các tổ chức bảo vệ quyền động vật, nhiều nhà nghiên cứu từ lâu đã lập luận rằng linh trưởng phi nhân rất cần thiết cho quá trình phát triển thuốc điều trị bệnh cho con người.

Các phương pháp điều trị được kể đến bao gồm chế tạo vắc xin bại liệt, truyền máu và cấy ghép nội tạng, cũng như phát triển phương pháp điều trị bệnh sốt rét và cải thiện hướng điều trị hiện tại cho bệnh Parkinson.

Ông Charles Roberts, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia khu vực Oregon, nơi có hơn 4.000 loài linh trưởng, cho biết thuế quan ít gây lo ngại cho nghiên cứu học thuật hơn nhưng lại là vấn đề lớn đối với các nhà nghiên cứu dược phẩm.

"Trong một bức tranh lớn hơn, khi xét về việc sử dụng linh trưởng phi nhân để phát triển phương pháp điều trị y tế, động lực đang dần chuyển sang Trung Quốc. Trung Quốc hiện đầu tư lớn vào lĩnh vực này, trong khi Mỹ thì không", ông Roberts nói.

"Tại Trung Quốc, họ không gặp vấn đề với các nhà bảo vệ quyền động vật cực đoan, trong khi tại Mỹ chúng tôi luôn phải lí giải tại sao nhà khoa học sử dụng linh trưởng phi nhân. Điều đó gây ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu, còn tại Trung Quốc thì không gây lo lắng gì nhiều".

Yên Khê