|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cuộc chiến taxi và số phận kẻ cô đơn trong nền kinh tế chia sẻ

07:22 | 12/10/2017
Chia sẻ
Sự phát triển của công nghệ đã tối ưu việc thu gom “phúc lợi vương vãi” của đời sống đô thị và cũng làm tổn thương các phương thức kinh doanh cũ khi họ bị bỏ lại phía sau.

Dễ nhận thấy mô hình kinh doanh bằng ứng dụng công nghệ này đã và đang làm thay đổi bộ mặt của nhiều nền kinh tế. Ở Việt Nam, cuộc chiến taxi đang được đẩy lên cao trào là biểu hiện rõ nhất. Tuy nhiên, mặt khuất của kinh tế chia sẻ - thứ được xem là sự tiến bộ mang tính đột phá, vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ và rủi ro phải được nghiên cứu kỹ càng.

Nỗi uẩn ức của kẻ bị bỏ lại

Một hệ thống tư duy cũ chưa theo kịp tốc độ của công nghệ, đây là thành phần dễ tổn thương vì bị bỏ lại trong nền kinh tế chia sẻ. Ở Việt Nam, tài xế xe ôm, taxi truyền thống đang giống như “mẫu thử” tự nhiên của quá trình đào thải này.

Cán cân tiền tệ, khách hàng, chính sách và điều kiện kinh doanh... phần lớn đứng về phía công nghệ, đẩy những mô hình truyền thống trở thành những kẻ cô đơn.

Hàng nghìn tài xế taxi vẫn sẽ khốn đốn vì đội quân vô hình đang tấn công họ một cách nhanh chóng. Từ vị trí là đội ngũ vận chuyển chủ lực của đô thị, họ bị đẩy ra ngoài cuộc mưu sinh của mình, dù chỉ là mưu sinh ở đường phố.

Sự phát triển về công nghệ xoay chuyển linh hoạt mọi mô hình kinh tế, nhưng cơ hội nắm bắt không dành cho tất cả mọi người. Và những người bị bỏ lại bên lề vẫn mang theo uẩn ức của riêng mình.

cuoc chien taxi va so phan ke co don trong nen kinh te chia se
Taxi truyền thống, những kẻ cô đơn trong nền kinh tế chia sẻ. Ảnh: Quỳnh Trang

Việc dán khẩu hiệu phản đối loại hình taxi mới của một số hãng taxi truyền thống những ngày qua là biểu hiện cao trào của sự tuyệt vọng. Thực tế không chỉ Việt Nam, nỗi uất ức này cũng diễn ra ngay cả ở những nước phát triển.

Nhưng câu chuyện cuộc chiến taxi ở Việt Nam, trong làn sóng công nghệ phát triển quá chóng vánh, những người tài xế taxi truyền thống có thể mường tượng ra viễn cảnh “cô thế” trong cuộc cạnh tranh với mô hình kinh tế chia sẻ. Họ có thể đang là đội ngũ chủ lực mà một ngày nào đó đột nhiên bị thay thế bởi những người thợ chuyên nghiệp hơn, nhận dịch vụ qua ứng dụng di động.

Tài xế Vinasun: Xe về xưởng đi ra là thấy có khẩu hiệu rồi Các tài xế Vinasun tại TP.HCM mong đợi hướng giải quyết tốt hơn từ phía công ty chứ không phải phản đối như hiện nay. Nếu không cải thiện được thu nhập thì tài xế phải nghỉ việc.

Rõ ràng trong cuộc chiến này, taxi truyền thống đã không còn đủ sức để cầm cự lâu. Những chiếc đuôi xe màu đỏ những ngày qua được nhiều người ví như cuộc giãy chết của taxi truyền thống.

Ngay cả một nhà quản lý cũ của mô hình taxi công nghệ cũng phải xót xa thừa nhận: “Uber và Grab vốn là những ý tưởng được đẻ ra chỉ với mục đích duy nhất: Giết chết taxi truyền thống.

Ngay từ đầu, taxi truyền thống đã hoàn toàn không có cơ hội chống đỡ, chứ đừng nói là cải tiến, đổi mới, hay làm tốt hơn như các bạn bình luận”.

Tất nhiên, trong lịch sử phát triển kinh tế, bất cứ điều mới mẻ nào xuất hiện cũng có thể gây tổn thương đến những thành phần kinh tế đang tồn tại.

'Ai cho tôi lương thiện?'

Rất nhiều ý tưởng được cộng đồng mạng phát triển từ các đuôi xe màu đỏ. Dĩ nhiên, họ làm điều đó cũng hợp lý vì họ muốn bảo toàn lợi ích mình nhận được. Nhưng từ đó, hãng xe này cũng bị gắn hình tượng Chí Phèo rạch mặt ăn vạ đầy tiêu cực.

Với những lợi ích tuyệt đối mà loại hình taxi mới mang lại, người tiêu dùng xem đó là lựa chọn tối ưu. Nhưng để taxi truyền thống từ Chí Phèo quay lại “lương thiện” cũng không phải là dễ dàng, dù đó là nhận thức chủ quan của họ.

Những biểu ngữ như “…quá nhiều bất công trong điều kiện kinh doanh”, ở góc đọ nào đó doanh nghiệp taxi đang bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện kinh doanh mà loại hình vận tải mới không phải chịu.

Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh taxi bình thường, dù cùng hoạt động vận chuyển hành khách nhưng Uber và Grab được quản lý như xe gia đình, trong khi hoạt động taxi phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo. Hiện có 13 tiêu chuẩn áp đặt mới hội đủ điều kiện hoạt động taxi, như phù hiệu, logo, bảng giá cước, nhật ký hành trình, hộp đen...

cuoc chien taxi va so phan ke co don trong nen kinh te chia se
Taxi truyền thống đã thay biểu ngữ phản đổi bằng việc giới thiệu ứng dụng gọi xe biết trước giá tiền, nhưng liệu rằng họ có thể làm mới mình khi bị ràng buộc bởi nhiều quy định. Ảnh: Lê Quân.

Ngoài ra, theo Nghị định 86 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh, từ năm 2016, taxi phải trang bị máy in hóa đơn tiền cước, chưa kể còn chịu sự giám sát của hàng loạt cơ quan như Bộ GTVT, UBND các cấp, cơ quan đăng kiểm, thuế...

Để nói về “vũ khí giá” đánh bật taxi truyền thống ra cuộc cạnh tranh, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Grab và Uber áp dụng các chiêu khuyến mãi, siêu giảm giá, siêu rẻ, trợ giá cho lái xe và chủ xe, chi hoa hồng cho lái xe, chủ xe và người giới thiệu, là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh toàn bộ thị trường vận chuyển hành khách”.

Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun, từng bức xúc: “Tôi cho rằng dù có thay đổi cách nào, nâng cấp dịch vụ đến mức nào cũng không thể sống được với kiểu cạnh tranh như vậy. Họ đã cố tình bù lỗ, bù lỗ và bù lỗ cho đến khi người ta chết thì thôi. Đây không phải là cạnh tranh mà là một hình thức triệt tiêu đối thủ”.

cuoc chien taxi va so phan ke co don trong nen kinh te chia se
Thời kinh doanh huy hoàng của Vinasun đã qua. Đồ họa: Quang Thắng.

Cũng có ý kiến cho rằng thay vì đòi siết lại hoạt động của Uber và Grab, các hãng taxi nên yêu cầu cơ quan quản lý tạo môi trường kinh doanh công bằng. Rõ ràng, taxi truyền thống cũng đã áp dụng công nghệ khi triển khai ứng dụng gọi xe, nhưng họ bị ràng buộc bởi điều kiện kê khai giá khiến ứng dụng này trở nên vô nghĩa.

Grab và Uber có mặt tại Việt Nam đã “tiếp lửa” cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế chia sẻ. Nó cũng tạo nên cuộc cách mạng về công nghệ trong lĩnh vực vận tải, kéo giảm giá cước taxi và thúc đẩy chính các hãng taxi truyền thống phải thay đổi. Tuy nhiên, với hàng loạt điều kiện kinh doanh, hàng nghìn lao động kéo theo thì để họ bắt kịp trong cuộc đua này là điều không dễ.

“Rạch mặt ăn vạ là một động thái tiêu cực của Chí Phèo, nhưng câu nói “ai cho tôi lương thiện?” đang phản ánh được nỗi tuyệt vọng của người bị bỏ rơi. Loại hình taxi truyền thống trong câu chuyện này cũng vậy. Họ thực sự cô đơn ngay cả việc làm mới mình trong nền kinh tế chia sẻ, nếu không được cởi bỏ những điều kiện kinh doanh”, một chuyên gia nhận định.

Kinh tế 'chia sẻ' đã không còn 'sẻ chia'

Kinh tế chia sẻ (Sharing economy) là thuật ngữ mô tả một phương thức trao đổi, chia sẻ tài sản, dịch vụ giữa các cá nhân với nhau, thông qua một bên thứ ba là các công ty ứng dụng công nghệ thông tin. Mô hình này tận dụng tối đa nguồn lực dư thừa trong xã hội, dựa trên việc cho thuê, trao đổi tài sản giữa người sở hữu với người có nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên, với hoạt động hiện hành của các mô hình gọi xe ở Việt Nam thì hình thái kinh tế này đã mất đi bản chất chia sẻ thuần túy.

Dưới góc nhìn lịch sử, kinh tế chia sẻ lúc ban sơ đơn thuần chỉ là sự “chia sẻ” những vật dụng dư thừa, hoặc khi sở hữu chủ hết nhu cầu sử dụng. Nhưng hiện tại lại là hoạt động kinh doanh kiếm lời hơn là lấy thu bù chi, hay khai thác tài sản dư thừa.

cuoc chien taxi va so phan ke co don trong nen kinh te chia se
Với Uber, Grab nền kinh tế chia sẻ đã không còn là sẻ chia những giá trị dư thừa mà là hoạt đông kinh doanh có lợi nhuận. Ảnh: Quỳnh Trang.

Từ cơ hội nhìn nhận được cơ hội, nếu đứng ra vận hành cơ chế chia sẻ sẽ thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ. Và các loại hình gọi xe như Uber, Grab đang là một dạng của biến thể này.

Thay vì chỉ thu bù chi, các công ty đúng như bản chất của mình hướng đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận càng cao càng tốt. Thậm chí, bên nhận chia sẻ cũng xác lập cơ chế hoạt đông chuyên nghiệp hơn, khi trang bị phương tiện để hành nghề “chia sẻ”.

Nếu quy chiếu trên nền tảng của kinh tế chia sẻ thì Uber, Grab đang là một biến thể khác xa với bản chất ban đầu của khái niệm này. Họ không phải là người môi giới mà là quan hệ cung ứng dịch vụ độc lập với cả đối tượng khách hàng - tài xế và người có nhu cầu). Trong đó, họ sử dụng công nghệ như là một công cụ để vận hành hoạt động kinh doanh và kiểm soát hoạt động kinh doanh của hai nhóm khách hàng nói trên.

Các nhóm khách hàng trên không tự lựa chọn hay đưa ra giá cụ thể mà chỉ có thể chấp nhận hay không mức giá từ đơn vị này đưa ra. Các chương trình khuyến mãi là để kích thích sự tham gia của một nhóm khách hàng.

Uber, Grab và taxi tranh giành thị trường Việt như thế nào? Vào Việt Nam năm 2014, Uber, Grab đã đẩy cuộc đua tranh thị phần vận tải trở nên khốc liệt, kịch tính, và lợi thế dường như đang thuộc về người đến sau.

Với mô hình điều hành này, khi số lượng người tham gia càng tăng, đến mức vượt cả lượng cầu, thì cơ hội có việc của người lao động cũng đương nhiên ít đi, kéo theo thu nhập giảm. Điều quan trọng chỉ đến lúc này mới được nhận ra: Người lao động tham gia vào hình thức kinh doanh này không sở hữu bất kỳ quyền lợi lao động nào.

Ngày càng có nhiều cá nhân tham gia vào mô hình thị trường này với mục đích "kinh doanh" chứ không phải "chia sẻ”.

Bản chất một khi đã thay đổi thì việc quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng cũng là điều dễ hiểu.

Và nếu tiếp tục lấy bản chất thật của mô hình kinh tế chia sẻ để lý giải và bênh vực cho Uber, Grab hay các mô hình kinh doanh tương tự, sẽ rất khiên cưỡng.

Bình Nguyên