|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuộc đua ‘ngân hàng số’ của các nhà băng Việt

07:00 | 23/02/2025
Chia sẻ
Thị trường rộng lớn, người dùng ngày càng cởi mở với các dịch vụ số và công nghệ phát triển đang tạo ra những cơ hội chưa từng có cho các ngân hàng thuần số tại Việt Nam.

Minh (27 tuổi), một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chợt nhận ra anh đã không bước vào bất kỳ chi nhánh ngân hàng nào suốt hơn một năm qua. Từ chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm đến mở thẻ tín dụng – tất cả đều được thực hiện ngay trên ứng dụng ngân hàng số. Việc phải xếp hàng hay lấy số chờ giao dịch giờ đây trở thành một ký ức xa vời với Minh.

Với sự phát triển của công nghệ và nỗ lực chuyển đổi số của các ngân hàng, câu chuyện của Minh không phải cá biệt. Sự thay đổi trong hành vi tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và sự tâm lý cởi mở, tin tưởng hơn với kênh giao dịch trực tuyến của ngân hàng của nhiều người dùng như Minh đã mở ra những cuộc đua mới thú vị giữa các nhà băng Việt.

Cuộc đua của các ngân hàng số 

 Ngân hàng là một trong những lĩnh vực có tốc độ chuyển đổi số cao nhất tại Việt Nam. (Ảnh: Đăng Sơn).

Hiện tại, khi nhắc đến việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng kênh số, có hai xu hướng đang tồn tại song song là “Ngân hàng điện tử” (Digital Banking) và “Ngân hàng thuần số” (Digital Bank). Trong đó, Digital Banking được định nghĩa là hình thức số hóa các dịch vụ ngân hàng truyền thống, còn Digital Bank là một ngân hàng hoạt động hoàn toàn trên nền tảng số và không có các chi nhánh vật lý.

Với định nghĩa này, bản chất của Digital Banking chính là hoạt động chuyển đổi số của các ngân hàng truyền thống, còn Digital Bank là ngân hàng được định hướng xây dựng từ đầu để hoạt động thuần kỹ thuật số.

Như vậy, Digital Banking vẫn sẽ hoạt động theo mô hình của ngân hàng truyền thống và chịu sự quản lý của NHNN như một ngân hàng đầy đủ. Bản chất, đây là một kênh cung cấp sản phẩm, dịch vụ bổ sung thêm cho kênh vật lý của các ngân hàng.

Trong khi đó, Digital Bank có thể là một ngân hàng độc lập hoặc một nhánh ngân hàng số của một ngân hàng truyền thống tuỳ theo cơ sở pháp lý của mỗi thị trường.

Tại Việt Nam, các ngân hàng thuần số không phát sinh giấy phép hoạt động riêng và NHNN cũng chưa cấp phép độc lập cho các ngân hàng thuần số. Tất cả các ngân hàng với định hướng thuần số theo đó vẫn đang hoạt động dựa trên giấy phép của ngân hàng mẹ hoặc ngân hàng hợp tác, từ đó tạo ra một thực tế tồn tại “ngân hàng bên trong ngân hàng”. Điều này cũng có thể khiến nhiều người chưa nhận ra sự khác biệt rõ rệt giữa hai xu hướng “Ngân hàng điện tử” (Digital Banking) và “Ngân hàng thuần số” (Digital Bank) nói trên.

Bức tranh ‘ngân hàng bên trong ngân hàng’

Số lượng tải về trung bình hàng tháng trên kho ứng dụng Google Play Store của một số ngân hàng thuần số tại Việt Nam. (Số liệu: SimilarWeb Pro, thời điểm 2/2025, Ảnh: Đăng Sơn).

VPBank là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc triển khai các mô hình “ngân hàng bên trong ngân hàng” tại Việt Nam. Tháng 5/2016, VPBank hợp tác cùng Global Online Financial Solution để triển khai ứng dụng Timo.

Thời điểm đó, Timo khẳng định là ngân hàng thuần số đầu tiên tại Việt Nam. Timo hoạt động cốt lõi trên nền tảng ứng dụng di động và chỉ có một số rất ít các điểm giao dịch mang tên gọi Hangout để hỗ trợ khách hàng các nhu cầu đặc thù.

Năm 2020, Timo ngừng hợp tác cùng VPBank và chuyển sang một ngân hàng đối tác mới là Bản Việt (BVBank). Theo một số liệu công bố vào tháng 11/2024, Timo hiện đang phục vụ khoảng 800.000 khách hàng.

Năm 2018, VPBank cũng triển khai một ứng dụng ngân hàng số có tên YOLO tập trung vào trải nghiệm ngân hàng giao thoa với các hoạt động phong cách sống của người trẻ. YOLO có một trong những sản phẩm thế mạnh tại thời điểm đó là thẻ ảo Mastercard và các sản phẩm tiết kiệm thông minh.

Cùng năm, VPBank ra mắt ứng dụng ngân hàng số VPBank Dream mà ngân hàng này cho biết là ngân hàng số đầu tiên do chính nhà băng này phát triển. Đầu năm 2022, VPBank tiếp tục ra mắt ứng dụng ngân hàng số Übank với điểm nhấn chính là tính năng thiết lập khoản vay từ xa. Đến thời điểm hiện tại, cả YOLO, Dream và Übank đều không còn hoạt động.

Dù vậy, hiện tại trong hệ sinh thái của VPBank vẫn còn một ngân hàng số là Cake. Cake ra mắt vào đầu năm 2021 trong vai trò một hợp tác chiến lược giữa VPBank và Công ty TNHH BeFinancial (BeFinancial) – Công ty thành viên trực thuộc Be Group. Tính đến cuối năm 2024, Cake có khoảng 5 triệu người dùng theo số liệu tự công bố.

TNEX cũng là một ngân hàng số đáng chú ý tại Việt Nam đang hoạt động dưới sự bảo trợ của MSB. TNEX ra mắt vào cuối năm 2020 và tập trung vào đối tượng người dùng GenZ. Sau một năm hoạt động, ứng dụng này cho biết đã chạm mốc 1 triệu người dùng.

Cuộc đua ngân hàng thuần số cũng không thể không nhắc đến Liobank.

Ra mắt vào năm 2023, Liobank là sản phẩm hợp tác của Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Fintech Farm, một startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính của Anh. Theo thỏa thuận hợp tác, OCB là đơn vị sở hữu, quản lý và điều hành, với sự tư vấn độc quyền về công nghệ, phát triển năng lực triển khai dự án từ Fintech Farm.

Theo đánh giá của người viết, sản phẩm được Liobank lựa chọn làm lợi điểm bán hàng độc nhất (USP) từ thời điểm ra mắt cho tới nay là sản phẩm thẻ tín dụng.

Một trong những ngân hàng số non trẻ nhất tại Việt Nam là Vikki Bank. Ứng dụng này được HDBank và Công ty Cổ phần Galaxy FinX hợp tác triển khai và ra mắt vào năm 2024.

Ở thời điểm hiện tại, trên các kho ứng dụng Google Play và App Store, Vikki Digital Bank vẫn thuộc sở hữu của HDBank. Tuy nhiên, với động thái đổi tên DongA Bank thành Vikki Bank sau khi DongA Bank được chuyển giao bắt buộc về HDBank, hiện chưa rõ chiến lược cụ thể với ngân hàng số Vikki của HDBank.

Nếu Vikki Bank được chuyển giao về DongA Bank sau đổi tên và trở thành trung tâm trong mô hình kinh doanh của DongA Bank trong giai đoạn sau chuyển giao bắt buộc, Vikki Bank có thể sẽ không còn là một ngân hàng thuần số khi được hỗ trợ bởi mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch của DongA Bank cũ.

Cơ hội và thách thức cho các ngân hàng thuần số

Cơ hội và thách thức tồn tại song hành đối với các ngân hàng thuần số. (Ảnh: TNEX).

Theo số liệu của Fitch Ratings, hoạt động của các ngân hàng số tại Châu Á Thái Bình Dương có nhiều tín hiệu tích cực khi đã có ít nhất 16 trong tổng số 45 ngân hàng số đạt điểm hoà vốn. Dù vậy, chặng đường đến mục tiêu lợi nhuận của các ngân hàng số tại Việt Nam không trải đầy hoa hồng.

Ông Tamma Febrian, Giám đốc các tổ chức tài chính tại Fitch Ratings, nhận định thách thức của các ngân hàng số Việt là khả năng tìm điểm nổi bật trong bối cảnh thị trường cạnh tranh cao cùng với đó là khả năng quản lý rủi ro đó với phân khúc khách hàng rủi ro cao hơn mà chúng đang hướng đến.

Theo Business Times, tính đến thời điểm cuối năm 2024, Cake là ngân hàng số đầu tiên của Việt Nam có lợi nhuận trên cơ sở EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao). Doanh thu trung bình từ một người dùng của Cake đã tăng 3 lần để chạm mốc 12 USD. Thu nhập của ngân hàng số này chủ yếu đến từ các dịch vụ thẻ tín dụng, ứng trước tiền mặt, đầu tư vi mô, tiết kiệm và mua trước trả sau (BNPL).

Lợi thế của các ngân hàng số đến từ khả năng tối ưu chi phí hoạt động do không phải duy trì mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp cùng số lượng nhân viên lớn.

Ở trường hợp của Cake, ngân hàng số này có khoảng 250 nhân sự với khoảng 40% trong số này đảm nhận các công việc liên quan đến công nghệ và dữ liệu.

Với tỷ lệ dân số trẻ, am hiểu công nghệ và cởi mở với các giải pháp tài chính số, Việt Nam đang ở giai đoạn chín muồi để các ngân hàng số phát triển. Dù vậy, các ngân hàng số như Cake, Timo hay TNEX vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm điểm nổi trội so với các ngân hàng truyền thống trong môi trường kinh doanh được quản lý chặt chẽ như dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh các ngân hàng truyền thống cũng đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số nhờ nguồn lực dồi dào và cũng đạt được nhiều thành tựu ấn tượng.

Ở thời điểm hiện tại, điểm mạnh của các ngân hàng số thường nằm ở khả năng cung cấp các khoản vay tín chấp nhỏ nhanh hoặc hạn mức thẻ tín dụng, hoàn toàn trên kênh số và cho nhóm khách hàng thông thường khó tiếp cận được các khoản vay như vậy tại các ngân hàng truyền thống.

“Tuy nhiên, các sản phẩm như vậy thường đi kèm với mức độ rủi ro cao hơn, nhất là trong dài hạn. Đây là thế tiến thoái lưỡng nam của các ngân hàng số”, ông Bùi Hải An, cố vấn cao cấp và cựu phó tổng giám đốc Timo, chia sẻ với Business Times.

Ông Bùi Hải An, cố vấn cao cấp và cựu Phó Tổng giám đốc Timo. (Ảnh: Timo).

Nhà phân tích của Fitch Ratings nhận định nhóm khách hàng vay chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ thường có rủi ro cao hơn do mức thu nhập thấp, chưa ổn định và thiếu dữ liệu lịch sử tín dụng. Khi các ngân hàng số chưa có các biện pháp quản lý khoản vay đầy đủ, họ thường phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu cao hơn và chi phí các khoản vay lớn hơn.

Bên cạnh đó, ngân hàng số cũng cần nỗ lực và có thể phải tăng cường đầu tư để đáp ứng các yêu cầu và thay đổi về yêu cầu bảo mật và pháp lý ngày càng cao.

Các thị trường mới nổi như Việt Nam có một lượng lớn tệp khách hàng thuộc nhóm này do tỷ lệ thâm nhập tín dụng còn thấp hơn so với các thị trường phát triển. Điều này tạo ra cơ hội lớn để các ngân hàng số đạt mốc lợi nhuận nếu tận dụng tốt.

Ông Bùi Hải An nhận định nếu một ngân hàng số ở Việt Nam thực sự đạt lợi nhuận trên các tiêu chuẩn kế toán, chúng thậm chí có thể đạt được lợi nhuận cao hơn một khi được phép hoạt động độc lập khỏi các ngân hàng truyền thống do có cấu trúc chi phí thấp hơn.

Các ngân hàng truyền thống dĩ nhiên cũng sẽ không ngồi yên để duy trì lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, sẽ có thêm các ngân hàng số khác hoạt động ở Việt Nam trong tương lai gần và phạm vi hoạt động có thể nhắm tới cả các đối tượng khách hàng khác như doanh nghiệp SME.

Tyme, một ngân hàng số đã có nhiều thành công ở Nam Phi và Philippines, cũng nhiều lần đánh tiếng về việc sẽ sớm gia nhập thị trường Việt Nam. Tech in Asia từng đưa tin Tyme sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua sản phẩm ứng trước tiền mặt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dù vậy, hiện chưa rõ Tyme sẽ hợp tác với ngân hàng nào.

Liệu trong những năm tới, bức tranh ngân hàng số sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng nào? Các ngân hàng truyền thống có thể giữ vững vị thế, hay các ngân hàng thuần số sẽ vươn lên dẫn trước? Một cuộc chơi đầy hấp dẫn và câu trả lời sẽ nằm ở những bước đi chiến lược ngay từ hôm nay của các "tay chơi" và các thay đổi các cơ chế quản lý.

Đăng Sơn

Tránh FOMO trong sóng cổ phiếu khoáng sản
Theo nhà phân tích KBSV, sau thời gian tăng nóng và kéo dài xuyên suốt từ 3 - 4 tháng, đến nay nhiều cổ phiếu khoáng sản đã đột ngột quay đầu giảm mạnh. Diễn biến này phản ánh tâm lý chốt lời của nhà đầu tư và cũng phù hợp với thực tế khi nhiều cổ phiếu khoáng sản có mức tăng bằng lần, trong khi nội tại doanh nghiệp chưa thể có sự cải thiện tương ứng.