The Business Times: Cake là ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam có lãi
Theo The Business Times, các ngân hàng số tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động kể từ khi mô hình này ra đời cách đây 10 năm. Dù thị trường vẫn còn nhiều khách hàng tiềm năng chưa được phục vụ đầy đủ, đến nay chỉ có một ngân hàng tuyên bố có lãi. Nguyên nhân chính là cạnh tranh gay gắt, rủi ro cao trong hoạt động cho vay và những bất định về mặt pháp lý.
Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tình hình có phần khả quan hơn. Theo Fitch Ratings, ít nhất 16 trong số hơn 45 ngân hàng số đã đạt điểm hòa vốn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc đạt lợi nhuận vẫn là một thách thức lớn.
Theo ông Tamma Febrian, Giám đốc phụ trách tổ chức tài chính tại Fitch Ratings, ngân hàng số muốn thành công cần phải tạo được sự khác biệt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Đồng thời, họ cũng phải kiểm soát tốt rủi ro khi phục vụ nhóm khách hàng có mức độ rủi ro cao hơn.
“Chúng tôi tin rằng nhiều ngân hàng số tại Việt Nam có thể đạt lợi nhuận trong tương lai. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố này”, ông nói với The Business Times.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/12/cake-ngan-hang-so-cua-nam-31020241003093453-lon-20250212134958485.jpeg?width=700)
Ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam có lãi. (Ảnh: Cake by VPBank).
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 ngân hàng số đang hoạt động. Theo quy định, mỗi ngân hàng số phải được bảo trợ bởi một ngân hàng truyền thống tại Việt Nam.
Cách làm này tương tự như ở Hong Kong, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Ở những thị trường này, cơ quan chức năng yêu cầu ngân hàng số phải có sự góp vốn của ngân hàng truyền thống hoặc các tập đoàn phi tài chính lớn. Điều này giúp giảm rủi ro cho mô hình kinh doanh còn khá mới mẻ này.
Theo The Business Times, Cake by VPBank trở thành ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam công bố có lãi trong năm 2024, tính theo lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA).
Cake by VPBank ra mắt năm 2021. Tính đến cuối 2024, số lượng khách hàng của Cake đạt 5 triệu, tăng từ 4,1 triệu năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi khách hàng cũng tăng gấp ba, đạt 12 USD. Nguồn thu chính của Cake đến từ các dịch vụ như mở thẻ tín dụng, ứng tiền nhanh, đầu tư nhỏ lẻ, tiết kiệm và “mua trước, trả sau”.
Cake cũng cung cấp khoản vay nhanh, cho phép khách hàng vay tối đa 50 triệu đồng trong 36 tháng. Theo thông tin trên ứng dụng, khách hàng chỉ mất hai phút để đăng ký và nhận phê duyệt trực tuyến mà không cần chứng minh thu nhập.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng giám đốc Cake, cho biết lợi nhuận hoạt động của Cake năm 2024 đã tăng gấp 7 lần, trong khi EBITDA tăng gấp 4 lần. Ông cho rằng sự tăng trưởng này đến từ việc tối ưu hóa chi phí và cải thiện dịch vụ khách hàng.
“Ngân hàng số và ngân hàng truyền thống có thể hỗ trợ nhau để mở rộng tiếp cận tài chính tại Việt Nam”, ông Quang chia sẻ. Ông cho rằng ngân hàng số có thể phục vụ những nhóm khách hàng mà ngân hàng truyền thống chưa khai thác tốt, như tài xế công nghệ, người làm việc tự do và người bán hàng trực tuyến.
Các ngân hàng truyền thống thường khó phục vụ nhóm khách hàng này do họ không có lịch sử tín dụng, thiếu tài sản thế chấp và phải tuân theo nhiều thủ tục phức tạp. Trong khi đó, ngân hàng số có lợi thế về công nghệ, đặc biệt là các giải pháp AI, giúp đơn giản hóa quy trình và giảm chi phí vận hành.
Hiện tại, Cake có khoảng 250 nhân viên, trong đó 40% làm việc trong lĩnh vực công nghệ và dữ liệu.
Nguồn thu của các ngân hàng số chủ yếu đến từ chênh lệch lãi suất giữa cho vay và đầu tư vào chứng khoán. Điều này phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện của mô hình kinh doanh. Điểm mạnh của họ là khả năng cung cấp các khoản vay nhỏ, không cần tài sản đảm bảo, với quy trình nhanh chóng và hoàn toàn trực tuyến.
“Tuy nhiên, những khoản vay này thường đi kèm rủi ro cao, đặc biệt là về lâu dài. Đây là bài toán khó của ngân hàng số”, ông Bùi Hải An, cố vấn cấp cao và cựu Phó Tổng giám đốc Timo - một trong những ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam, chia sẻ.
Theo Fitch Ratings, rủi ro của ngân hàng số tại các thị trường mới nổi như Việt Nam xuất phát từ việc khách hàng có thu nhập thấp và thiếu lịch sử tín dụng. Nếu ngân hàng không định giá khoản vay hợp lý, họ có thể đối mặt với nợ xấu gia tăng và chi phí tín dụng cao hơn.
Khả năng cung cấp vốn cho những khách hàng này còn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng, năng lực đánh giá tín dụng và tiềm lực tài chính.
Dù vậy, ngân hàng số tại Việt Nam có lợi thế về lượng khách hàng chưa được phục vụ. Thị trường này có tỷ lệ tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng thấp hơn các nước phát triển. Nhờ đó, cạnh tranh từ ngân hàng truyền thống không quá lớn, tạo cơ hội để ngân hàng số đạt lợi nhuận.
Cake đặt mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng số hàng đầu Đông Nam Á và lọt vào nhóm 5% ngân hàng số có lợi nhuận cao nhất thế giới trong vòng 3-5 năm tới. Ông Nguyễn Hữu Quang cho rằng một ngân hàng số hàng đầu trong khu vực có thể đạt lợi nhuận từ 30 đến 50 triệu USD mỗi năm.
Dù kinh doanh ngân hàng số có đặc thù rủi ro cao nhưng lợi nhuận lớn, ngân hàng số tại Việt Nam vẫn phải tuân thủ các quy định an toàn giống như ngân hàng thương mại. Ngân hàng số và ngân hàng bảo trợ cần hợp tác trong việc thiết kế sản phẩm tài chính và cấp tín dụng, đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả và an toàn dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
“Các ngân hàng số tại Việt Nam không chỉ tập trung vào đổi mới mà còn muốn chứng tỏ họ tuân thủ quy định chặt chẽ, thậm chí tốt hơn ngân hàng truyền thống,”cố vấn cấp cao của Timo cho hay. “Họ muốn được công nhận là ngân hàng chính thức, để có cơ hội nhận giấy phép hoạt động độc lập trong tương lai”.
Ông cũng cho rằng, “nếu một ngân hàng số tại Việt Nam thực sự có lãi theo chuẩn mực kế toán minh bạch, thì khi được phép tách khỏi ngân hàng bảo trợ, họ có thể kiếm nhiều lợi nhuận hơn nhờ vào chi phí vận hành thấp”.