|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cuộc chiến giá cả (Price War) là gì? Ví dụ về cuộc chiến giá cả

16:32 | 25/09/2019
Chia sẻ
Cuộc chiến giá cả (tiếng Anh: Price War) đề cập đến hành động của các công ty hạ giá sản phẩm mạnh, nhằm nỗ lực hạ gục đối thủ và chiếm thị phần lớn hơn.
text-Price-War

Hình minh họa. Nguồn: allbusiness.com

Cuộc chiến giá cả

Khái niệm

Cuộc chiến giá cả trong tiếng Anh là Price War.

Cuộc chiến giá cả là sự cạnh tranh liên tục giữa các công ty đối thủ bằng cách hạ thấp giá cả sản phẩm của họ, nhằm hạ gục đối thủ cạnh tranh và giành thị phần lớn hơn. Cuộc chiến giá cả có thể được thực hiện trong ngắn hạn để tăng doanh thu hoặc sử dụng như một chiến lược dài hạn.

Cuộc chiến giá cả có thể được ngăn chặn thông qua chiến lược quản lí giá, dựa trên hiểu biết sâu sắc về cạnh tranh, sản phẩm không có mức giá khiêu khích, và thậm chí là các hoạt động giao thiệp thường xuyên với các đối thủ cạnh tranh.

Khi một công ty tìm cách tăng thị phần, cách dễ nhất thường là giảm giá, qua đó làm tăng doanh số. Các đối thủ cạnh tranh có thể bị buộc phải giảm giá theo nếu họ cung cấp các sản phẩm tương tự. Khi giá giảm và số lượng bán tăng lên thì người tiêu dùng được lợi.

Cuộc chiến giá cả cuối cùng sẽ dẫn đến một mức giá mà chỉ một công ty có đủ khả năng cung cấp sản phẩm mà vẫn có lãi. Một số công ty thậm chí sẽ bán lỗ trong nỗ lực loại bỏ hoàn toàn các đối thủ cạnh tranh.

Những điều dẫn đến cuộc chiến giá cả

Cuộc chiến giá cả có thể được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh giữa các công ty địa phương với nhau, những người muốn thống trị thị trường mà họ đang cùng nắm giữ. 

Với các doanh nghiệp trực tuyến, cuộc chiến giá cả có thể được khởi xướng thông qua các nền tảng trực tuyến muốn chiến thắng các cửa hàng vật lí truyền thống, do cả hai bên đều nhắm tới một đối tượng khách hàng và bán các sản phẩm tương tự.

Các công ty tham gia vào cuộc chiến giá cả chủ ý cắt giảm hoặc từ bỏ lợi nhuận hiện tại nhằm thu hút nhiều khách hàng hơn. Công ty có thể thỏa thuận với các nhà cung cấp để mua nguyên liệu hoặc thành phẩm với giá chiết khấu có lợi hơn so với giá mà họ cung cấp cho các doanh nghiệp đối thủ. 

Cách làm này cho phép công ty giảm giá mạnh trong khoảng thời gian dài hơn so với đối thủ. Trong trường này, nhà cung cấp có thể là người phải chịu tổn thất thay vì chính công ty tham gia vào cuộc chiến giá cả. Nhưng các doanh nghiệp tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm có thể có sức mua đủ lớn để gây sức ép lên các thỏa thuận đó.

Ví dụ về cuộc chiến giá cả

Một chuỗi siêu thị lớn có thể thỏa thuận với nhà cung cấp để mua nhiều hàng tồn kho với giá rẻ, nhờ ưu thế có thể bản được số lượng sản phẩm lớn. Điều này cho phép chuỗi siêu thị này bán sản phẩm với giá thấp hơn thị trường.

Để đáp lại, các nhà bán lẻ địa phương có thể cố gắng giảm giá trong ngắn hạn để thu hút khách hàng. Chuỗi siêu thị lớn có thể khiến tình hình leo thang thành một cuộc chiến giá cả hoàn toàn, giảm giá xuống thấp hơn mức các nhà bán lẻ địa phương có thể theo kịp. 

Nếu hoạt động này duy trì trong thời gian dài, các nhà bán lẻ địa phương có thể buộc phải ngừng kinh doanh.

(Theo investopedia)

Hằng Hà