CPTPP: Động lực nối dài 'cánh tay' dệt may Việt Nam
Doanh nghiệp chưa khởi động kịp CPTPP |
Những thị trường tiềm năng của dệt may Việt Nam
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, khác với các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, CPTPP có chương riêng về dệt may. Bên cạnh áp dụng quy định chung như các hàng hóa khác, hàng dệt may có những quy định riêng mang tính đặc thù.
Các quy tắc xuất xứ cụ thể yêu cầu việc sử dụng sợi và vải từ khu vực CPTPP nhằm mục đích thúc đẩy việc thiết lập các chuỗi cung ứng, đầu tư trong khu vực để tăng giá trị của hàng dệt may được sản xuất trong khối.
Quy định linh hoạt về cơ chế “nguồn cung thiếu hụt” cho phép việc sử dụng một số loại sợi, vải nhất định không có sẵn trong khu vực.
Bên cạnh đó, theo bà Bùi Kim Thùy, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, nguyên thành viên đoàn đám phán FTA của Việt Nam, cho biết với quy tắc xuất xứ De Minimis, doanh nghiệp được phép linh hoạt về xuất xứ 10% nhưng vẫn có ưu đãi thuế quan đặc biệt. Riêng đối với dệt may, quy định này được áp dụng cho áp dụng tính trên cả giá trị và khối lượng.
Chẳng hạn như, trong 100 tấn sợi xuất khẩu, trị giá 100 tỉ USD, doanh nghiệp được phép linh hoạt 10 tấn sợi hoặc 10 tỉ USD khối lượng hoặc giá trị sợi không có xuất xứ từ các nước nội khối CPTPP.
Đánh giá về những thuận lợi mà hiệp định CPTPP đem lại, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: "Cơ hội cho ngành dệt may trong CPTPP rất rộng mở, đặc biệt là phát triển sang các thị trường chưa có hiệp định thương mại tự do như Mexico, Peru và Canada.
Ngoài ra, CPTPP còn tạo sức ép thúc đẩy việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn. Các doanh nghiệp cũng sẽ quan tâm hơn đến sản xuất nguyên phụ liệu trong nước”.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành Công Thương, ông Nguyễn Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, cho hay năm nay, ngành dệt may phấn đấu tăng xuất khẩu 1 tỉ USD tại hai thị trường tiềm năng là Australia và Canada, mỗi nước khoảng 500 triệu USD.
Ông Trường đánh giá dư địa tại các thị trường thành viên hiệp định CPTPP vẫn còn nhiều khi kim ngạch mới chỉ đạt 5,3 tỉ USD.
Trong gần 30 năm qua, ngành dệt may đã có những bước phát triển đột phá khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng từ mức chỉ khoảng 52 triệu USD (năm 1990) lên mức 36,1 tỉ USD vào năm 2018, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu cả nước, theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam.
Ông Trường dự báo ngành dệt may có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 40 tỉ USD trong năm nay hoặc thấp cũng xuất khẩu trên 38 tỉ USD.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam giai đoạn 1990 - 2018. Nguồn: Hiệp hội Dệt may Việt Nam |
Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước có ngành dệt may phát triển lớn nhất thế giới sau Trung Quốc và Ấn độ.
Nút thắt trong xuất xứ nguyên liệu
Lợi ích lớn nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đang đối mặt với nút thắt tồn tại nhiều năm nay đó là thiếu hụt nguyên liệu và phải nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia không nằm trong khối CPTPP.
Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam từ một số thị trường giai đoạn 2012 - 2018. Nguồn: Hiệp hội Dệt may Việt Nam |
Ông Cẩm nhận định điểm yếu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là khâu sản xuất vải. Ngành cũng đã tìm giải pháp cho khâu này nhưng mức độ thành công chưa như mong muốn.
Việt Nam phải nhập khẩu tới 99% bông, 80% vải. Về may, ngành có thế mạnh nhưng chủ yếu vẫn là gia công.
Ông Cẩm cho rằng, CPTPP sẽ đặt ra áp lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là sợi và vải.
Thực tế, thời gian qua, ngành dệt may trong nước cũng đã đầu tư hơn cho các dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu.
Điển hình, hồi tháng 10/2018, Nhà máy dệt Bảo Minh, với tổng đầu tư trị giá hơn 1.700 tỉ đồng đã được khánh thành tại Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định với công suất 600 tấn sợi nhuộm, 2 triệu mét vải dệt thoi và có năng lực hoàn tất 3 triệu mét vải mỗi tháng.
Giữa năm 2018, nhà máy sợi len lông cừu đầu tiên ở Việt Nam đã được khởi công tại cụm công nghiệp Phát Chi, xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt. Đây dự án hợp tác đầu tư liên doanh giữa tập đoàn Südwolle (Đức) và Công ty Cổ phần Dệt may Liên Phương (TP HCM).
Ông Cẩm kiến nghị, cần tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp có thế mạnh đầu tư sản xuất vải, phụ liệu tại các khu công nghiệp dệt may lớn. Bên cạnh đó, ngành cần hình thành chuỗi liên kết dệt – may – phụ liệu tại mỗi vùng để đáp ứng yêu cầu xuất xứ.
Bên cạnh đó, ngành cũng cần thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư với thiết bị, công nghệ tiên tiến vào khâu dệt, nhuộm.
Xem thêm |