Doanh nghiệp chưa khởi động kịp CPTPP
CPTPP có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may. Ảnh: THÀNH HOA |
Có hiệp định thì tốt, không có cũng... không sao
Trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Ngọc Lân, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè, chia sẻ: “Có hiệp định thì quá tốt, nhưng cơ bản là chúng tôi không phụ thuộc vào hiệp định”, vì doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại thị trường xuất khẩu.
Cũng theo ông Lân, vấn đề với các doanh nghiệp dệt may nói chung và May Nhà Bè nói riêng, đó là nguồn nguyên liệu gần như đang phụ thuộc 100% vào Trung Quốc. Nguồn nguyên liệu trong nước không đáng kể, còn từ các nước ASEAN thì giá lại cao. Trong khi đó, CPTPP hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong tương lai đòi hỏi rất khắt khe về xuất xứ, yêu cầu phải từ sợi. Do đó doanh nghiệp dệt may không được hưởng lợi. “Nhìn vào con số xuất nhập khẩu, chúng ta phải tính đúng, tính đủ nhưng thực tế thì Trung Quốc đã “đi nhờ xe” hết 70%. Mình chỉ gia công hoặc có làm FOB (mua nguyên phụ liệu, bán thành phẩm) thì cũng xài nguyên phụ liệu của người ta. Cuối cùng vẫn là lấy công làm lời”, ông Lân nói.
Do vậy, nếu không giải quyết được vấn đề cốt lõi này thì ngành dệt may vẫn chưa thể hưởng lợi được từ các hiệp định.
Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, chia sẻ bản thân doanh nghiệp ông không cảm nhận được “áp lực” từ hiệp định CPTPP hay EVFTA sắp tới, dù các sản phẩm của công ty là dừa tươi đang bán vào các nước tham gia hiệp định. Nguyên nhân là nhu cầu hàng hóa từ các nước này thấp và chỉ cố định trong một thời gian ngắn trong năm (những tháng không lạnh). Mối quan tâm của doanh nghiệp này, do vậy, không phải là các hiệp định mà là làm sao cạnh tranh tại thị trường truyền thống (Mỹ) và việc phát triển ở thị trường nội địa. Hai việc này, đều không dễ dàng. Ở Mỹ là áp lực cạnh tranh bán phá giá, thậm chí bán dưới giá thành của doanh nghiệp Việt Nam khác. Còn ở thị trường nội địa, câu chuyện là chi phí logistics, vận hành quá cao.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, trong một sự kiện gặp gỡ với doanh nghiệp tại TPHCM, đã nhấn mạnh rằng yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế 2019 là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới phát huy tác dụng. Trước mắt, trong quí 1 sẽ là CPTPP và EVFTA dự kiến vào nửa cuối năm. Hai hiệp định quan trọng này sẽ giúp mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp khi các dòng thuế giảm dần hoặc cắt bỏ. Trong bối cảnh như vậy, nếu Chính phủ quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, các bộ, ngành thực sự cắt giảm thủ tục hành chính như tuyên bố thì “mọi thứ sẽ tốt”.
Còn rất nhiều việc phải làm
Trước mắt, mối lo lớn hơn của doanh nghiệp là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Với sự thay đổi liên tục của Tổng thống Mỹ, bản thân doanh nghiệp cũng đang loay hoay trong việc có chính sách đối phó. Ở thời điểm hiện tại, các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc chưa nằm trong các gói “đánh thuế” của Mỹ, còn trong tương lai, nếu có áp dụng thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi trong ngắn hạn (thay thế Trung Quốc xuất hàng vào Mỹ). Nhưng về dài hạn thì ta lại hoàn toàn bất lợi. Bởi lẽ, câu chuyện xuất xứ cũng như nguy cơ chuyển tải hàng hóa để xuất khẩu vào Mỹ và nhất là những gian lận tại thị trường nội địa, tạo sức ép cạnh tranh không lành mạnh. “Đó là điều nguy hiểm nhất”, ông Lân nói. Đó là chưa kể những diễn biến khó lường của tỷ giá đồng nhân dân tệ, sẽ tác động trực tiếp lên giá vải từ Trung Quốc và ảnh hưởng trực tiếp đến giá vải nhập về để sản xuất.
Do vậy, giải pháp của doanh nghiệp là tinh gọn bộ máy, từng bước xây dựng chiều sâu sản xuất để tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Mục tiêu là giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh ở cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. Phải làm mọi cách để giữ chân được các khách hàng xuất khẩu truyền thống, toàn bộ đơn hàng chuyển sang hình thức FOB và phát triển những khách hàng mới, làm FOB, OMD. Còn ở thị trường nội địa, tiếp tục tăng năng lực để cạnh tranh, làm tốt hơn mảng cung cấp đồng phục cho các doanh nghiệp lớn, có thêm những khách hàng khác. Đồng thời, phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ thông qua hợp tác với các nhà bán lẻ...
Ông Thuật chia sẻ, việc quay lại thị trường nội địa của Công ty Xuất nhập khẩu Trái cây Mekong sau hai năm xuất khẩu 100% sản phẩm sẽ được tập trung trong năm 2019. Chiến lược của công ty là đi theo những chuỗi bán lẻ hiện đại với các sản phẩm đã được xử lý theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Ông Phạm Hoàng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận định bên cạnh các cơ hội, Việt Nam cũng đang và sẽ đối mặt với các thách thức cả về ngắn hạn, trung và dài hạn. Thách thức ngắn hạn đến từ các bất ổn của nền kinh tế thế giới do độ mở của nền kinh tế rất lớn với thế giới. Việt Nam sẽ phải đối mặt với những sóng gió từ sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, ba trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Thách thức trung và dài hạn chủ yếu đến từ các yếu tố nội tại vốn đã được nhắc đến rất nhiều như năng suất lao động, tỷ lệ già hóa dân số hay cơ sở hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng như đường xá, cầu, cảng, sân bay và hạ tầng mềm như quy định pháp luật, hệ thống tài chính...).
Xem thêm |