|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cái khó của doanh nghiệp Việt khi tham gia 'sân chơi' CPTPP

21:33 | 22/12/2018
Chia sẻ
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV đã chia sẻ với phóng viên Thế Giới Tiếp Thị Online về những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
cai kho cua doanh nghiep viet khi tham gia san choi cptpp
TS. Cấn Văn Lực (Ảnh: HG)

Trong bối cảnh tham gia Hiệp định CPTPP và Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, theo ông các doanh nghiệp Việt sẽ gặp thuận lợi và khó khăn gì?

-Khi chúng ta hoạt động sâu rộng, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, Việt Nam – EU…chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên sẽ có nhiều thách thức.

Thứ nhất là sự cạnh tranh rất khốc liệt. Ngay từ bây giờ, câu chuyện cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp trong khối đã rất mạnh mẽ. Thứ hai là rủi ro lan truyền, tức là rủi ro sẽ lan truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác trong hệ thống. Thứ ba chính là rủi ro liên quan đến chảy máu chất xám. Và cuối cùng là rủi ro pháp lý tăng lên, những vụ kiện tụng, áp đặt phòng vệ, đặc biệt là những biện pháp phi thuế quan sẽ mạnh hơn, nhiều hơn.

Tôi lấy ví dụ khi chúng ta đã ký với FTA hay EU hay CTPPP, nhưng khi chúng ta xuất khẩu thủy – hải sản thì người ta sẽ yêu cầu về mặt chất lượng an toàn thực phẩm cao hơn. Rõ ràng đấy là những biện pháp phòng vệ phi thuế quan và cũng là cản trở đối với doanh nghiệp của chúng ta khi tham gia xuất khẩu.

Vậy đâu là giải pháp của vấn đề này?

-Tôi cho rằng các doanh nghiệp phải nhìn nhận, phân tích kỹ mỗi thách thức với chính ngành nghề của mình. Và chúng ta phải tuân thủ cuộc chơi, vì đó là cuộc chơi toàn cầu. Ta phải chuẩn bị chuyên nghiệp hơn vì nó liên quan đến sản phẩm, mẫu mã, marketing… Rồi cũng phải chuẩn bị tinh thần để có một đội ngũ luật sư giỏi, có thể là bên trong hay bên ngoài doanh nghiệp để tham gia và xử lý tranh chấp thương mại nếu có.

Có nghĩa là các doanh nghiệp phải nâng cao nguồn nhân lực và đặc biệt phải lưu ý đến chất lượng sản phẩm.

Hiện có tình trạng các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn trong việc tiếp cận quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

-Quỹ này thành lập năm 2014, ban đầu ngân sách Chính phủ cho 2.000 tỷ đồng. Đến nay đã gần 4 năm, nhưng giờ mới giải ngân được đâu đó 145 tỷ cho một số ít doanh nghiệp.

Lý do là bởi cơ chế chính sách hướng dẫn vận hành quỹ hơi chậm. Vấn đề nữa là sự phối hợp giữa quỹ và các ngân hàng thương mại chưa được chặt chẽ, vẫn còn tương đối lúng túng giữa sự phối kết hợp. Đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng thẩm định hai lần, như thế gây kéo dài thời gian và khiến doanh nghiệp thấy nản khi tiếp cận.

Tuy nhiên chúng ta lưu ý rằng, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã yêu cầu thay đổi hoạt động của quỹ này theo hướng không lấy từ nguồn ngân sách và không ủy thác cho ngân hàng thương mại để cho vay, mà có thể sẽ cho ngân hàng thương mại vay, rồi ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay lại với tiêu chí mà quỹ đưa ra. Có nghĩa là quỹ sẽ độc lập hơn, tự chủ hơn, nhưng đối tượng hoạt động của quỹ sẽ thu hẹp hơn.

Trước đây có khoảng 4-5 lĩnh vực có liên quan đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng hiện nay với dự thảo mới, tôi biết rằng chỉ có 3 lĩnh vực sẽ được ưu tiên tài trợ theo quỹ này. Và nguồn vốn cho quỹ chủ yếu huy động từ ngoài xã hội.

Ngoài cải cách thủ tục hành chính, thời gian tới Chính phủ sẽ có những hỗ trợ gì để các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, thưa ông?

-Có 3 vấn đề then chốt, và tôi cho rằng đối với bất kỳ doanh nghiệp nhỏ và vừa nào trên thế giới và trong khu vực, thậm chí cả Việt Nam chúng ta cũng đều vấp phải những vấn đề chung như vậy. Thứ nhất là đất đai. Thứ hai là vốn. Thứ ba là thủ tục hành chính.

Thời gian qua về cơ bản chúng ta có khá đầy đủ cơ chế, chính sách, luật… để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng khâu triển khai và thực hiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn khá lâu.

Còn vốn cho vay của ta hiện nay thì tỷ trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế. Và chúng ta phải phấn đấu cao hơn nữa, bởi vì đa số doanh nghiệp của ta là nhỏ và vừa.

Tôi hy vọng rằng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn. Trong những năm tới, cùng với việc cải cách môi trường kinh doanh, thì khả năng tiếp cận sẽ tốt hơn và lực lượng doanh nghiệp sẽ phát triển tốt hơn nữa.

Xem thêm

Hương Giang