|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Áp dụng IoT vào sản xuất kinh doanh: Lời khuyên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

20:37 | 11/04/2019
Chia sẻ
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ, đặc biệt là IoT (Iternet vạn vật) có vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Các DN, đặc biệt là DNNVV, muốn phát triển thì bắt buộc phải áp dụng công nghệ vào sản xuất...

Trong suốt thời gian qua, cụm từ cách mạng công nghiệp 4.0 hay IoT xuất hiện rất nhiều trong các chương trình, hoạt động của cơ quan Nhà nước cũng như doanh nghiệp. Điều này cho thấy tầm quan trọng của IoT trong hoạt động của DN. Tuy nhiên, IoT vẫn là điều mới mẻ, nhất là với các DNNVV.

Phát biểu khai mạc tại "Tọa đàm về IoT" trong khuôn khổ Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN thông qua sáng tạo và đổi mới công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra vào sáng 11/4 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hứa hẹn mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều cơ hội mới. Cuộc cách mạng này cũng có tác động mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực như sản xuất, tự động hóa, nông nghiệp, giao thông, tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế... Từ đó giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo, sản xuất ra những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn và hợp lý hơn với người tiêu dùng.

Áp dụng IoT vào sản xuất kinh doanh: Lời khuyên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 1.

Toàn cảnh toa đàm.

Ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư được ban hành, nhiều công việc đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, doanh nghiệp đối với thời cơ, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các chính sách thúc đẩy sự phát triển của IoT tại các cơ quan quản lý Nhà nước đem lại những giá trị to lớn giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tài chính cho nhiều đơn vị, nhất là trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, củng cố hệ thống cơ sở dữ liệu để kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp được chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn.

Liên quan tới các chính sách hỗ trợ cho DNNVV về sáng tạo và đổi mới công nghệ, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Hà Nội cho biết, trung tâm đã triển khai nhiều chương trình và hoạt động nhằm mở ra môi trường, sân chơi cho cộng đồng DN tham gia IoT, lắng nghe kiến nghị từ DN để tham mưu cho lãnh đạo TP xây dựng chương trình chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển cộng đồng IoT; đồng thời tạo môi trường tốt để cộng đồng DN giao lưu, kết nối và hợp tác với nhau.

Áp dụng IoT vào sản xuất kinh doanh: Lời khuyên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Quân phát biểu tại tọa đàm

"Chúng tôi mong muốn được triển khai và thực hiện các chương trình hỗ trợ một cách thiết thực cho cộng đồng DNNVV. Hiện trung tâm đang tham mưu cho TP Hà Nội xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo theo đề án 844 của Bộ KH & CN và Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó có một phần riêng hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo. Theo kế hoạch, tháng 6 tới chúng tôi sẽ thông qua thành phố và sau đó sẽ chính thức ban hành đề án", ông Quân chia sẻ.

Theo ông Quân, việc đẩy mạnh ứng dụng IoT có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Trong công cuộc hiện nay, DN muốn phát triển phải áp dụng công nghệ cao, áp dụng IoT vào sản xuất cũng như hoạt động quản trị.

Bên lề tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Hà Nội chia sẻ, hiện nay các DN đang chuyển biến dần và đang áp dụng công nghệ và IoT vào sản xuất kinh doanh.

"Theo tôi, các DNNVV phải lắng nghe, tiếp thu, chủ động tiếp cận công nghệ hiện đại từ những chuyên gia, những nhà khoa học, nghiên cứu trong nước và nước ngoài để làm sao có công nghệ tốt nhất áp dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế là khi áp dụng công nghệ và IoT, hiệu suất kinh doanh tăng lên rất nhiều. Và đây là xu thế bắt buộc đối với các DN muốn phát triển trong thời đại hiện nay", ông Quân gợi ý.

Ông Quân cho biết thêm, Nhà nước nên lắng nghe và tiếp thu các đề xuất, kiến nghị từ phía DNNVV, qua đó có chính sách hỗ trợ thiết thực cho khối DN này.

Nguyệt Minh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.