|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

"Ngân hàng thương mại không cần doanh nghiệp nhỏ và vừa"?

19:47 | 08/08/2018
Chia sẻ
Đó là câu mà TS Vũ Đình Ánh khẳng định nhiều lần. Theo ông Ánh, vấn đề then chốt của ngân hàng và DNVVN là bất đồng ngôn ngữ. Ngân hàng đang nói ngôn ngữ ngân hàng và tài chính tiền tệ, trong khi DNNVV nói ngôn ngữ của dân kinh tế, trả lời các câu hỏi sản xuất cái gì, cho ai và như thế nào.

Quỹ phát triển DNNVV 2.000 tỷ mới cho vay được 145 tỷ cho 19 DN

“3 vấn đề của doanh nghiệp nhỏ và vừa, vấn đề thứ nhất là vốn, vấn đề thứ 2 là vốn và vấn đề thứ 3 cũng vẫn là vốn”, đó là phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong phần trình bày mở đầu Diễn đàn Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do VCCI tổ chức ngày 7/8.

Ông Lộc dẫn báo cáo của VCCI cho hay, tín dụng cho DNNVV hiện chỉ chiếm 21% trong tổng dư nợ tín dụng. Hiện có khoảng 60% các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa sử dụng được nguồn vốn ngân hàng; phần lớn trong số này là không tiếp cận được, hoặc sử dụng nguồn vốn khác. Đặc biệt là khối doanh nghiệp khởi nghiệp, họ không có vốn, tài sản thế chấp, mà chỉ có trí tuệ, ý tưởng và phương án kinh doanh.

ngan hang thuong mai khong can doanh nghiep nho va vua
Diễn đàn Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Khánh Hà.

Nêu ý kiến tại diễn đàn, ông Nguyễn Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hùng Hải, cũng thừa nhận, với các DNVVN để vay được nguồn vốn ngân hàng là điều rất khó. Vấn đề tài sản đảm bảo là một trong những rào cản. “Rất ít ngân hàng chấp thuận hàng hoá nguyên liệu trong kho của công ty làm tài sản đảm bảo vay vốn”, ông Hùng nói.

Ông Vũ Thanh Lâm, chủ Nhà vườn Vân Thủy (Hà Nội) cũng kể một câu chuyện về trường hợp nhà vườn của ông làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, các bước đều suôn sẻ, doanh nghiệp đủ tất cả các điều kiện nhưng bước cuối cùng là điều kiện về tài sản đảm bảo thì không đáp ứng được nên vẫn không thể được vay.

“Ngân hàng không chấp nhận cây cối, nhà kính hay quyền thuê đất để sản xuất, kinh doanh làm tài sản đảm bảo. Họ yêu cầu nhà đất, trong khi đó nhà đất tôi có thì đã mang đi cắm để vay trước đó rồi”, ông Lâm nói.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, trách nhiệm thúc đẩy nguồn vốn cho DNNVV này thuộc về cả 3 nhà, gồm: Nhà nước (đại diện là Ngân hàng nhà nước, các bộ ngành liên quan), ngân hàng và các tổ chức tài chính, và các DNNVV, DN siêu nhỏ.

Nhà nước thì cần có cải cách mạnh mẽ hơn về khung khổ chính sách, pháp luật, thúc đẩy cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp, phù hợp với công nghiệp 4.0; Khuyến khích sáng tạo, có chính sách mới về đất đai, để thúc đẩy cho vay, tài chính cho khu vực này.

Đối với phía ngân hàng, cần nỗ lực hơn trong đưa ra phương thức cho vay mới, gói cho vay hướng đầu tư cho khởi nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, căn cứ vào ý tưởng phương án kinh doanh. Cùng với đó, các tổ chức tài chính, tín dụng, bảo hiểm cần có sự tương tác nhiều hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Phương thức cho vay của ngân hàng hiện nay phải hướng tới theo kiểu may đo, chứ không thể là may sẵn, và khuyến khích cho vay theo chuỗi giá trị, cung ứng một cách linh hoạt hơn. Các doanh nghiệp phải thiết kế hệ thống quản trị minh bạch, nâng cao kiến thức xây dựng phương án kinh doanh...”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo ông Lộc, ngân hàng còn thờ ơ trong quan hệ với khách hàng là DNNVV. Ngân hàng vẫn cho vay bằng việc thế chấp để đảm bảo an toàn. Nhưng nền kinh tế số và khởi nghiệp, các dự án đầu tư nông nghiệp không có nhiều tài sản, hiện vật để vay. Các dự án và ý tưởng kinh doanh là nguồn lực quan trọng lại ít được coi là căn cứ để cấp tín dụng.

“Trong số gần 700.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ thì phần lớn đều không có tài sản thế chấp. Bản thân các doanh nghiệp này cũng thiếu minh bạch trong kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, các phương án kinh doanh ít khả thi. Đây là lý do để các thiết chế tài chính và tín dụng “say NO” với các đơn vị này”, ông Lộc nói.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cũng đưa ra con số cho thấy nguồn vốn giải ngân cho các DNNVV vẫn đang rất thấp.

Đơn cử, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 2.000 tỷ đồng thành lập năm 2014, đến nay mới chỉ cho vay được 145 tỷ đồng cho 19 doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Các kênh tiếp cận vốn của DNNVV hiện nay rất đa dạng. Ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, DNNVV còn có nguồn vốn bảo lãnh, thuê tài chính, trợ cấp, bảo hiểm, ưu đãi, giảm thuế…; nguồn vốn nước ngoài; huy động từ thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu); đối tác (trả chậm, tín dụng thương mại…) và bản thân vốn tự có, vốn góp. Thế nhưng, có một thực trạng, đó là sau 30 năm nền kinh tế Việt Nam đổi mới, các đơn vị này vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn”, ông Lực nói.

Theo ông Lực, ngoài một số nguyên nhân khách quan tới từ phía ngân hàng, hay các quỹ hỗ trợ, vị chuyên gia cho rằng, bản thân các DNNVV trình độ quản lý còn yếu kém, công nghệ lạc hậu, thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi, thông tin thiếu minh bạch, khó đối chiếu... Họ cần cải thiện minh bạch, công khai thông tin, sẵn sàng làm việc với các tổ chức tín dụng, quản trị doanh nghiệp và quản lý chiến lược cũng như tài chính.

“Ngân hàng thương mại không cần doanh nghiệp nhỏ và vừa?"

Đây là phát biểu của TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính tại diễn đàn. Ông Ánh nhiều lần khẳng định lại câu này sau mỗi lần phân tích lý do.

Theo TS. Ánh, vấn đề then chốt của ngân hàng và DNVVN là bất đồng ngôn ngữ. Ngân hàng đang nói ngôn ngữ ngân hàng và tài chính tiền tệ, trong khi DNNVV nói ngôn ngữ của dân kinh tế, trả lời các câu hỏi sản xuất cái gì, cho ai và như thế nào. Ông Ánh dẫn số liệu, tính đến ngày 30/6/2018, dư nợ tín dụng đối với khối DNNVV trên cả nước là 1.402.890 tỷ đồng, tăng 4,48% so với cuối năm 2017, chiếm khoảng 21% dư nợ toàn nền kinh tế.

Hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng Việt Nam, đang rất ổn với quy mô tín dụng khoảng 120% GDP, tổng tín dụng các ngân hàng thương mại khoảng 20% và nửa đầu năm 2018 đang có mức lãi khủng. “Ngân hàng không cần DNNVV, không cần thúc đẩy cho các doanh nghiệp này vay vốn”.

Ông Ánh dẫn số liệu từ phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc “năm 2017 vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn” và cho hay, như vậy có 40% DNNVV đã được tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Việc đưa số DN tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng này lên mức cao hơn, chẳng hạn 50-70%, có thể dẫn đến rủi ro rất lớn về tín dụng và vay nợ khi quy mô tín dụng tăng lên 150 hay 180% GDP.

Mặt khác, ông Ánh cũng cho rằng, có nhiều DNNVV họ không có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Không phải họ không cần vốn mà họ có những kênh tiếp cận vốn khác. “Hàng tháng báo cáo của Tổng cục thống kê có hàng vạn DN thành lập mới, nhưng cũng có hàng vạn DN giải thể. Nếu chỉ cần một nửa trong số những DN này đều là bạn hàng của ngân hàng thì các ngân hàng chết lâu rồi”, ông Ánh nói.

Bà Trần Thu Trang, Phó GĐ Trung tâm khách hàng DNVVN – Vietinbank, cho hay, thực tế nói ngân hàng thương mại không cần DNVVN cũng không hẳn, vấn đề nằm ở một số vướng mắc trong chính sách.

Bà Trang đề nghị xem xét lộ trình áp dụng các quy định về cho vay đối với DNNVV như hệ số rủi ro của khoản tín dụng đối với khách hàng là DNVVN.

Cụ thể, theo quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động đối với ngân hàng có thể áp dụng thí điểm tại 10 tổ chức tín dụng trong đó có VietinBank từ 1/1/2019 thì hệ số rủi ro của khoản tín dụng sẽ căn cứ vào các chỉ tiêu tài chính trên BCTC nộp cho cơ quan thuế hoặc BCTC kiểm toán.

Thế nhưng với DNVVN tại Việt Nam thì lại thường có sở hữu tư nhân, cơ cấu tổ chức dạng gia đình, chưa có thói quen kiểm toán BCTC để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, BCTC mà DNVVN nộp cho cơ quan thuế cũng chưa chắc đã phản ánh đầy đủ quy mô hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cũng theo quy định trên, trường hợp không cung cấp được BCTC nộp cho cơ quan thuế hoặc BCTC kiểm toán thì hệ số rủi ro của khoản tín dụng có thể lên tới 200%. Với hệ số rủi ro cao như vậy thì lãi suất vay vốn của các khách hàng này có thể phải tăng hơn so với lãi suất áp dụng đối với khách hàng thông thường.

“Chúng tôi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét để ban hành chính sách hỗ trợ NHTM như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tái cấp vốn… nhằm tạo điều kiện có vốn ưu đãi để NHTM sử dụng cho vay DN NVV trong nước.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần có các chương trình ưu đãi về lãi suất, chính sách/cơ chế cấp tín dụng dành riêng cho các DNNVV để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động các DN này”, bà Trang nói.

Khánh Hà