TS Huỳnh Thế Du: Doanh nghiệp tư nhân đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển
"Những cơ hội tốt để phát triển đã không được tận dụng"
TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công - Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết, tại các nền kinh tế phát triển, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 80 - 90% GDP, trong khi đó tại các nền kinh tế đang phát triển, con số này thường thấp hơn nhiều. Ở Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân chính thức chỉ chiếm ít hơn 10% GDP, khu vực tư nhân phi chính thức chiếm 1/3 GDP, tổng số đóng góp của khu vực tư nhân trong GDP là 42%.
Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018 ngày 5/12, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã bỏ qua rất nhiều cơ hội phát triển. Nền tảng đổi mới sáng tạo của Việt Nam rất tốt nhưng đang gặp phải các rào cản từ phía cầu của doanh nghiệp và thể chế.
TS. Du nhấn mạnh: Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam thời gian dài không chú trọng đổi mới sáng tạo là quá mải mê với chuyện đầu tư bên ngoài. Lúc đó chính sách vĩ mô có trục trặc, tạo ra lạm phát mấy chục phần trăm. Hệ lụy là khu vực tài sản tăng giá rất cao khiến các doanh nghiệp không còn muốn đầu tư dài hạn mà đổ xô sang đầu tư ngắn hạn để kiếm lợi.
Doanh nghiệp tư nhân trong nước đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt để phát triển. (Ảnh minh họa). |
"Lúc này mọi người chỉ tập trung vào việc mua - bán kiếm lời ngắn hạn, chứ không còn chí thú làm ăn như trước... Những cơ hội tốt để phát triển đã không được tận dụng", ông Du chỉ rõ.
Đề cập câu chuyện thể chế, TS. Huỳnh Thế Du nhận định, mặc dù đã có không ít thay đổi tích cực, song khoảng cách giữa doanh nghiệp Việt Nam so với thể giới còn rất xa, trong khi đó nền tảng cơ bản năng lực đổi mới sáng tạo trong nước cũng "không đến nỗi nào".
TS. Huỳnh Thế Du nêu thực tế, Việt Nam đã thu hút FDI rất tốt trong vòng 30 năm qua, song các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển lớn mạnh.
"Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn tạo dựng chuỗi giá trị, liên kết với các công ty của Việt Nam để nâng cao hiệu quả kinh doanh nhưng đều không thể tìm được đối tác do các doanh nghiệp trong nước còn quá yếu kém về quy mô, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ", ông Du cho hay.
"Để người thổi sáo hay nhất có được cây sáo tốt nhất"
Vị chuyên gia này khuyến nghị, để cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, về phía cung là tiếp tục cải cách toàn diện nền giáo dục. Còn về phía cầu là tập trung vào môi trường và văn hóa kinh doanh.
Ông Du nhấn mạnh: Cần làm sao "để người thổi sáo hay nhất có được cây sáo tốt nhất", khi đó Việt Nam mới có thể bước lên nấc thang mới của đổi mới sáng tạo.
TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công - Đại học Fulbright Việt Nam. |
Theo TS. Huỳnh Thế Du, các chỉ tiêu cơ bản về giáo dục, đổi mới công nghệ của Việt Nam rất tốt. Chẳng hạn như số năm đến trường bình quân, số năm đến trường kì vọng trong tương lai của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của thế giới. Số du học sinh của Việt Nam rất đông, đứng thứ 9 trong số 100 quốc gia được thống kê. Số du học sinh Việt Nam đến Mỹ xếp thứ 6 và có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm các nước dẫn đầu.
Chỉ số vốn con người của Việt Nam hiện ở mức cao trong khu vực, xếp ngang với Trung Quốc, còn chỉ số đổi mới sáng tạo đứng ở mức khá cao (xếp thứ 45). Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số này, chỉ sau Ukraine.
"Có nhiều người nói về câu chuyện tị nạn giáo dục nhưng tôi nhìn ngược lại. Việc cả trăm nghìn học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập là tín hiệu tốt bởi các nền kinh tế phát triển khác trong khu vực như Nhật, Hàn, Trung Quốc cũng có số lượng du học sinh đi học nước ngoài cao. Nếu học theo xu hướng của Hàn Quốc, Việt Nam sẽ có nửa triệu du học sinh chứ không phải chỉ chưa tới 100.000 người như hiện nay", TS. Du bình luận.
Một điểm đáng chú ý được TS. Du chỉ ra là số người đến tuổi đi học đại học của Việt Nam tưởng cao mà hóa ra lại thấp. Ở chỉ số này, Việt Nam đứng dưới mức trung bình của thế giới, theo tính toán của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). "Điều này cho thấy Việt Nam muốn phát triển thì số đi học đại học phải cao hơn nữa. Ví dụ nếu chúng ta muốn được như Hàn Quốc, Phần Lan thì số lượng người đi học đại học cần phải nhiều hơn nữa", ông Du nói.
Xem thêm |