Gần 80.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và việc thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng gần 29%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 27%. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cũng trong 7 tháng năm nay, có 75.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký hơn 1.065 nghìn tỷ đồng, tăng gần 14%, và tổng số lao động đăng ký là 555.500 lao động, giảm 7%.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 14 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.367 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27.600 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm là 2.432 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước còn có 29.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2021 là 105.400 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 15.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tính riêng trong tháng 7, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới, giảm gần 23% so với tháng trước đó. Số vốn đăng ký gần 123.000 tỷ đồng và số lao động đăng ký 71.200 người.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm trên 3% so với tháng trước và 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, cả nước có 4.947 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cả nước cũng có tổng cộng 5.374 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.
Theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ở đầu quý III/2021 đang xấu hơn rất nhiều.
“Trong khu vực dịch vụ, ngoài khu vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các lĩnh vực dịch vụ khác thực sự là những tử huyệt của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải đang chết dần, chết mòn và có nhiều khả năng nhiều doanh nghiệp trong khu vực này không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu như chúng ta không có biện pháp hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ cho khu vực này. Trong thời gian qua, đã có một số biện pháp nhưng thực sự chưa đưa đi vào cuộc sống bao nhiêu,” đại biểu Lộc nêu thực tế.
Riêng tại TP HCM, trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, Hiệp hội Ngân hàng TP HCM mới đây đã ký đồng thuận với 16 ngân hàng thương mại lớn ở thành phố sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng đang vay. Dự kiến, sẽ có khoảng 400.000 khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn sẽ được giảm lãi suất lần này.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM cho biết tùy mức độ thiệt hại của doanh nghiệp, mức giảm lãi suất có thể dao động từ 0,5% - 2,5%; mức giảm trung bình là 1%/năm.
Việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, tổ chức dụng trên địa bàn sẽ được đưa vào hoạt động giám sát từ nay đến cuối năm.
Hiện nay, TP HCM có khoảng 460.000 doanh nghiệp. Trong đợt dịch bệnh COVID-19 lần này, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng và đang khó khăn. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn đang thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp.