Doanh nghiệp Mỹ vận động chính phủ gửi thêm vắc xin COVID-19 cho Việt Nam
Bên cạnh việc kêu gọi Chính phủ Mỹ gửi thêm vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam, trong bức thư được gửi đi ngày 27/7, Hiệp hội đại diện cho nhiều thương hiệu thời trang toàn cầu như Adidas, Gap,... cũng đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam xem xét, ưu tiên tiêm văc xin cho công nhân trong lĩnh vực may mặc và giày dép, Nikkei Asia đưa tin.
Các nhà sản xuất điện tử đã thực hiện phương án "3 tại chỗ" để duy trì mục tiêu kép của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với nhà sản xuất dệt may có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn vì vậy ít có khả năng để trả chi phí cho phương án này.
"Sự hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ Việt Nam dành cho người lao động trong ngành may mặc sẽ giúp chúng tôi có cơ sở đề nghị Chính phủ Mỹ đẩy nhanh tốc độ viện trợ. Sự thành công của ngành công nghiệp may mặc phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe ngành này ở Việt Nam", Ông Steve Lamar, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AAFA cho biết.
Các thành viên của AAFA sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau, từ áo sơ mi Calvin Klein đến giày ECCO và ba lô Jansport. Các nhà cung cấp tại Việt Nam đóng góp 50% sản lượng giày dép toàn cầu năm 2020. Tuy nhiên với việc dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của các hãng này.
Panjiva, một công ty con của S&P Global, cho biết trong một báo cáo gần đây cho thấy Nike gặp vấn đề về nguồn cung giày dép đang ở mức thấp do dịch COVID-19 tại Việt Nam. Một số nhà sản xuất chính bao gồm PouChen, Changshin, Feng Tay Enterprises và Eclat Textile cũng đã tạm dừng sản xuất trong tháng này.
Hiệp hội này mong muốn Việt Nam chuyển nhiều vắc xin hơn tới các trung tâm công nghiệp phía Nam, hiện đang là điểm nóng của dịch trên cả nước.
Làn sóng COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện tại các khu công nghiệp Bắc Giang, nơi có những công ty công nghệ lớn như Samsung và nhà cung cấp Foxconn của Apple. Những công ty này đã được thêm vào danh sách tiêm phòng vắc xin và quyên góp cho quỹ vắc xin quốc gia để đảm bảo việc tiêm chủng.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, các lô hàng dệt may từ Việt Nam đã tăng 20% tính đến tháng 5 năm nay, so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, Việt Nam chiếm 15% tổng nhập khẩu của Mỹ, so với 28% của Trung Quốc.
Tính đến nay, Mỹ đã viện trợ Việt Nam hơn 5 triệu liều vắc xin Moderna, trong tổng số 23 triệu liều dành cho 20 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á. Số vắc xin này nằm trong tổng số 80 triệu liều vắc xin mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trên toàn cầu.