|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CEO Pfizer: Hiệu quả vắc xin COVID-19 giảm còn 84% sau 6 tháng

08:06 | 29/07/2021
Chia sẻ
Đại diện hãng dược Pfizer vừa thông báo về việc hiệu quả của vắc xin COVID-19 do hãng này sản xuất có thể giảm còn 84% sau khi tiêm mũi hai từ 4-6 tháng.

Theo CNBC, Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla, cho biết hiệu quả vắc xin ngừa COVID-19 của hãng có thể giảm dần theo thời gian, xuống còn khoảng 84% đối với những người đã tiêm chủng khoảng 4 đến 6 tháng sau mũi thứ hai.

Nhận định này dựa trên một nghiên cứu mới do hãng tài trợ, trong bối cảnh xảy ra tranh cãi giữa nhà sản xuất vắc xin và các quan chức y tế Mỹ về nhu cầu tiêm liều vắc xin thứ ba để tăng cường khả năng bảo vệ miễn dịch.

Nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vắc xin đạt đến cực điểm ở mức 96,2%, trong khoảng thời gian từ một tuần đến hai tháng sau khi tiêm liều thứ hai. Mức độ hiệu quả sẽ giảm trung bình 6% sau mỗi hai tháng. Con số này dựa vào nghiên cứu ở hơn 44.000 người trên khắp nước Mỹ và các quốc gia khác.

CEO Pfizer: Hiệu quả vắc xin COVID-19 giảm còn 84% sau 6 tháng - Ảnh 1.

Một cụ bà được tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech. (Ảnh: Reuters).

Kết quả nghiên cứu trên được công bố chỉ một ngày sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo những người đã được tiêm phòng đầy đủ sống ở khu vực có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao vẫn cần tiếp tục đeo khẩu trang trong nhà.

Vào đầu tháng này, hãng dược Pfizer đã công bố kế hoạch đề nghị các cơ quan quản lý ở Mỹ cho tiêm thêm một liều tăng cường với vắc xin COVID-19 của hãng, dựa trên bằng chứng là nguy cơ nhiễm virus tăng lên sau 6 tháng sau tiêm và sự xuất hiện của biến thể Delta rất dễ lây.

Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm - Dược phẩm và CDC thuộc Bộ Y tế Mỹ đã đưa ra tuyên bố chung bác bỏ yêu cầu trên. Đồng thời, kết luận người đã tiêm đủ vắc xin COVID-19 chưa cần tiêm nhắc lại với mũi thứ 3.

Hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến khích không tiêm mũi nhắc lại vì vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. "Chúng tôi rất rõ ràng về việc này và hiện không có đủ thông tin để kết luận. Đây là một chủ đề rất nóng và có rất nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để có thể đưa ra khuyến nghị đủ bằng chứng", Tiến sĩ Kate O'Brien, Giám đốc tiêm chủng, vắc xin và sinh phẩm của WHO chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến.

Những tuần gần đây, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn nước Mỹ đã gia tăng trở lại bởi sự xuất hiện của biến thể Delta. Trong khi, các quan chức y tế Mỹ khẳng định phần lớn các ca nhập viện và tử vong là ở những người không được tiêm chủng.

Tuy nhiên, "biến thể Delta rất dễ lây lan đến mức những người đã tiêm chủng vẫn có thể truyền vi rút như những người không được tiêm chủng, ngay cả trong trường hợp không có triệu chứng", Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết.

Sơn Thạnh (Theo CNBC)