|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

430 triệu liều vắc xin đến các nước đang phát triển qua cơ chế mới của COVAX

18:07 | 28/07/2021
Chia sẻ
Kế hoạch mới này là thỏa thuận giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và COVAX, đồng thời được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI).

Ngày 26/7, Cơ chế tiếp cận vắc xin COVID-19 toàn cầu (COVAX) và Ngân hàng Thế giới đã lên kế hoạch đẩy nhanh việc cung cấp vắc xin COVID-19 đến các nước đang phát triển thông qua một cơ chế chia sẻ tài chính mới.

Thông qua cơ chế này, giờ đây COVAX có thể mua trước vắc xin với giá cạnh tranh từ những nhà sản xuất vắc xin, dựa trên nhu cầu thực tế của các quốc gia, bằng nguồn tài trợ từ Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương khác.

Kế hoạch của World Bank và COVAX tập trung hỗ trợ các nước đang phát triển, vì đây là khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với các nước giàu.

Các nước đang phát triển khi tham gia cơ chế sẽ có tầm nhìn chi tiết hơn về những loại vắc xin sẵn có, với số lượng cụ thể và lịch trình giao hàng trong tương lai. Điều đó cho phép họ đảm bảo lượng vắc xin, chuẩn bị và thực hiện các kế hoạch tiêm chủng hiệu quả hơn.

430 triệu liều vắc xin đến các nước đang phát triển qua cơ chế mới của COVAX - Ảnh 1.

Lô vắc xin AstraZeneca do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam. (Ảnh: TTXVN).

"Trong lúc chúng ta vượt qua mục tiêu ban đầu và phối hợp để hỗ trợ các nước trong công tác bảo vệ phần lớn người dân, sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới sẽ giúp chúng ta đến gần hơn mục tiêu khống chế COVID-19", Tiến sĩ Seth Berkley, Giám đốc điều hành Liên minh vắc xin GAVI, cho biết.

Cơ chế mới còn tạo thuận lợi cho COVAX trong quá trình đàm phán thỏa thuận đặt trước với các nhà sản xuất vắc xin. Việc Ngân hàng Thế giới hỗ trợ tài chính cũng giúp các quốc gia dễ dàng mua vắc xin, triển khai tiêm chủng và đầu tư mở rộng hệ thống y tế.

Thỏa thuận của World Bank và COVAX kêu gọi các nước (đang có dự án thu mua vắc xin được World Bank phê duyệt) gửi đề nghị mua vắc xin thông qua COVAX, và yêu cầu World Bank thanh toán chi phí thay họ bằng cách sử dụng nguồn vốn dự án hiện có.

Xác nhận của World Bank giúp giảm thiểu rủi ro, lẫn sự thiếu chắc chắn trong nhu cầu và tài chính của các nước tham gia.

"Tiếp cận vắc xin vẫn đang là thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phát triển đang đối mặt trong việc bảo vệ người dân, trước những tác động của đại dịch COVID-19 lên y tế, xã hội và kinh tế.

Cơ chế này sẽ mở ra các nguồn cung mới, đồng thời cho phép các nước đẩy nhanh việc mua vắc xin. Cơ chế cũng sẽ cung cấp tính minh bạch về số vắc xin đang có, cũng như giá cả và lịch trình giao vắc xin", Chủ tịch World Bank David Malpass chia sẻ.

Theo thỏa thuận tài trợ của Ngân hàng Thế giới, sẽ có thêm đến 430 triệu liều vắc xin sẵn sàng được chuyển giao trong giai đoạn cuối năm 2021 đến giữa năm 2022 cho 92 quốc gia đang tham gia COVAX. Số vắc xin này có thể tiêm đủ 2 liều cho 250 triệu dân.

Trước đó, COVAX được thành lập để đảm bảo các nền kinh tế đang phát triển có thể tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 miễn phí. Cơ chế này nhận được hậu thuẫn của WHO, Liên minh Đổi mới và Sẵn sàng về Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI).

Sơn Thạnh