|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận doanh nghiệp dược phân hóa trong nửa đầu năm COVID-19 thứ hai

08:03 | 23/07/2021
Chia sẻ
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dược phẩm cho thấy sự phân hóa sau hai quý đầu năm 2021. Trong đó, các "ông lớn" tiếp tục giữ được đà tăng trưởng. Tuy nhiên nhóm công ty quy mô nhỏ lại ghi nhận lợi nhuận đi ngang thậm chí giảm sút.
Dược phẩm - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành dược phẩm đạt 11,8%. Song tốc độ này đến năm 2020 đã chậm lại.

6 tháng đầu năm nay, dịch COVID-19 tái diễn và bao trùm lên hầu khắp các ngành kinh tế. Có doanh nghiệp dược cũng đã cho thấy sự hụt hơi, nhất là ở kênh bán thuốc qua bệnh viện (kênh ETC) - động lực tăng trưởng chính của ngành.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report cuối năm ngoái, không phải doanh nghiệp dược và vật tư y tế nào cũng được hưởng lợi nhờ COVID-19. Thay vào đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp dược sẽ tương đối phân hóa trong bối cảnh dịch bệnh.

Thực tế, kết quả kinh doanh hai quý đầu năm của các doanh nghiệp dược phẩm cho thấy các công ty đầu ngành như CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG), CTCP Traphaco (Mã: TRA) hay CTCP Pymepharco (Mã: PME) tiếp tục duy trì mức tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ. Thậm chí, Công ty Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco đã vượt 1,7 lần kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau hai quý.

Một số công ty khác báo lãi đi ngang như CTCP Dược phẩm OPC (Mã: OPC) và cũng có đơn vị ghi nhận lợi nhuận giảm sút bao gồm CTCP Dược Hà Tây (Mã: DHT), CTCP Dược Trung ương Mediplantex (Mã: MED) và CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (Mã: DP3).

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành dược tiếp tục phân hóa trong năm COVID-19 thứ hai - Ảnh 2.

"Anh cả" của ngành là Dược Hậu Giang tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai chữ số với doanh thu thuần đạt 1.965 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 405 tỷ, lần lượt tăng 17% và tăng 12%. Đây cũng là kỳ Dược Hậu Giang có kết quả lợi nhuận sau thuế cao nhất kể từ đầu năm 2017 đến nay.

Tương tự, Pymepharco cũng ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận sau 6 tháng. Theo giải trình, nhờ trong quý II Pymepharco đã có thêm thương hiệu sản phẩm nên doanh thu thuần bán hàng trong quý tăng gần 46%.

Dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, là doanh nghiệp có động lực tăng trưởng chính từ kênh ETC, CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) chỉ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận 6 tháng tăng lần lượt 4% và 3% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo dữ liệu của Chứng khoán Phú Hưng thì Imexpharm là một trong số ba doanh nghiệp có giá trị trúng thầu cao nhất trong mảng kháng sinh ở nhóm 2. Gần 90% doanh thu kênh ETC của công ty tới từ doanh thu đấu thầu thuốc kháng sinh ở nhóm 2.

Đặc biệt trong nhóm doanh nghiệp dược, lợi nhuận nửa đầu năm của CTCP Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco (Mã: PBC) đã tăng trưởng 291% so với cùng kỳ nhờ hoạt động kinh doanh chính.

Biên lợi nhuận được cải thiện từ 17% lên 21%. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, Pharbaco là công ty dược duy nhất vượt kế hoạch năm.

Mặt khác, lợi nhuận CTCP Dược phẩm OPC (Mã: OPC) lại đi ngang so với cùng kỳ. Trong khi đó hai doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn là CTCP Dược Trung ương Mediplantex (Mã: MED) và CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (Mã: DP3) lại hụt hơi trong sự tái diễn của COVID-19.

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành dược tiếp tục phân hóa trong nửa đầu năm COVID-19 thứ hai - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Báo Kiểm toán Nhà nước.

Kênh ETC không tăng trưởng đột biến và cơ hội đến từ kênh OTC

Theo báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Phú Hưng (PHS), năm 2021 là ẩn số đối với ngành dược phẩm Việt Nam.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, làm suy giảm nhu cầu khám bệnh của người dân, tác động đến doanh thu kênh ETC. Do đó, sự phục hồi của kênh ETC sẽ phụ thuộc lớn vào tình hình kiểm soát dịch của Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có thể kênh ETC có thể sẽ không tăng trưởng đột biến trong năm nay do tâm lý sợ lây nhiễm từ bệnh viện. Điều đó sẽ góp phần làm cho kênh OTC (kênh bán lẻ của các nhà thuốc) phát triển. 

Mặt khác giá thuốc OTC không bị ràng buộc về luật đấu thầu nên sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm. Song, nguồn cung thuốc thành phẩm nhập khẩu vẫn có thể bị hạn chế và khả năng sẽ gây áp lực đến giá thuốc trên thị trường.

Minh Hằng