Bệnh 'mệnh ai nấy lo' của doanh nghiệp Việt
Samsung bắt tay các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng linh, phụ kiện |
Doanh nghiệp Việt Nam ‘mệnh ai nấy lo’
Lưu Thế Lợi, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Kyber Network từng lập kỳ tích gọi vốn 52 triệu USD bằng tiền điện tử trong năm 2017, đã nói về bệnh "mệnh ai nấy lo" của giới doanh nghiệp Việt.
“"Tầm nhìn của chúng ta thật ngắn, mà có quá nhiều việc phải làm. Việc xây dựng một hệ sinh thái blockchain ở Việt Nam là việc chúng ta cũng muốn làm từ lâu, mà vẫn chưa làm nổi. Mỗi người một việc, một mảng, nhưng bao giờ chúng ta cũng cần phải kết hợp chặt chẽ với nhau", anh Lợi phát biểu.
Vị giám đốc nhận định Silicon Valley hay và thú vị bởi vì họ xây dựng một vòng tròn kín (closed circle), cùng giúp đỡ nhau, cùng phát triển. Xâm nhập vào vòng tròn đó là việc khó vô cùng.
"Ở xứ mình, cộng đồng startup thoi thóp cũng là vì mạnh ai người nấy làm, không phối hợp, giúp đỡ nhau”, anh nhấn mạnh.
Còn trong ngành giao thông vận tải, Chủ tịch hãng taxi Thành Công, ông Nguyễn Anh Quân, cũng mô tả chuyện thị trường taxi truyền thống của Việt Nam bằng những từ "manh mún", "nhỏ lẻ". Vì vậy, taxi truyền thống Việt không đủ tiềm lực để cạnh tranh với “gã khổng lồ” Grab từ Singapore vẫn ngày một phát triển và thống lĩnh thị trường taxi công nghệ ở Việt Nam.
Hay trong vấn đề về kết nối khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng chia sẻ: “Hiện nay, Việt Nam có nhiều trung tâm khởi nghiệp khắp mọi nơi nhưng hoạt động rời rạc và thiếu kết nối. Chúng ta cần tăng tính kết nối các trung tâm này để tăng khả năng tương tác và hiệu ứng cộng hưởng giá trị”.
Liên kết chuỗi là giải pháp duy nhất để doanh nghiệp Việt tồn tại một cách vững chãi
Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập và mở cửa và những thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp Việt, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), khẳng định: “Liên kết chuỗi là mục tiêu chúng ta phải thực hiện, là giải pháp duy nhất để doanh nghiệp Việt Nam tồn tại một cách vững chãi”.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. |
Nghiên cứu của ông cùng các tác giả khác chứng minh rằng, khi các doanh nghiệp liên kết tốt với nhau, họ sẽ tạo ra một quy mô kinh doanh lớn hơn, chất lượng hơn.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra rằng ở Việt Nam và nước ngoài, khi giới chuyên môn mổ xẻ các cơ chế bên trong của chuỗi, họ thấy rằng các doanh nghiệp đứng ở tầng thấp có giá trị gia tăng càng thấp, các doanh nghiệp đứng sát đỉnh chuỗi có giá trị gia tăng cao hơn.
Khi so sánh các chuỗi liên kết do một doanh nghiệp nước ngoài và một chuỗi do doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu, ông Hoài Nam chỉ ra rằng khi doanh nghiệp Việt đứng đầu chuỗi thì thực tế số doanh nghiệp sát điểm đỉnh có tỷ lệ cao hơn, hay nói cách khác, các doanh nghiệp thuộc chuỗi hưởng lợi nhiều hơn.
Và nhiệm vụ của doanh nghiệp đứng đầu chính là dẫn dắt và đột phá. Ông cho rằng cần nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu chuỗi với nhiệm vụ tạo nên sự đột phá, rất cần sự ủng hộ lớn về mặt chính sách và xã hội. Vì vậy, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV nhận định yếu tố quan trọng để chuỗi hình thành là coi trọng việc đánh giá và kết quả, không đặt nặng vấn đề thành phần kinh tế hay bất kỳ yếu tố nào khác, trong vấn đề về thể chế chính sách.
Câu chuyện thực tế từ G7 Taxi
Với sự xuất hiện của mô hình kinh doanh dịch vụ vận tải điện tử và sức ép cạnh tranh từ những “thế lực” lớn, một ví dụ về liên kết chuỗi có thể thấy gần đây chính là mô hình hợp tác G7 Taxi - gồm ba hãng Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội.
Nhận định về việc “định danh” Grab và sự cạnh tranh giữa các hãng taxi truyền thống và taxi công nghệ, ông Hoài Nam nhận định: “Rất khó để ngăn chặn một doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển, thông minh hơn, và lấn lướt các khác cạnh tranh. Đó là quy luật tự nhiên”.
Gia nhập G7, Chủ tịch taxi Thành Công, ông Nguyễn Anh Quân, cho biết, việc tham gia vào G7 taxi của hãng không nằm ngoài mục tiêu tạo ra một thế lực mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với taxi công nghệ.
3.000 xe taxi thuộc ba hãng Thành Công, Ba Sao, Sao Hà Nội hoạt động dưới thương hiệu, hệ thống điều hành của G7 Taxi. Ban điều hành G7 taxi có trách nhiệm đầu tư phát triển thương hiệu, thị trường và thu phí quản lý thương hiệu của ba hãng taxi tham gia.
Hà Nội có nhiều hãng taxi nhỏ lẻ, nhiều đơn vị dưới 100 xe, ít hãng có đủ số lượng xe, năng lực tài chính để cạnh tranh với taxi công nghệ. Thấm nhuần “Câu chuyện bó đũa”, ba hãng tận dụng sức mạnh của từng bên tạo thành một lực lượng đủ sức cạnh tranh và tồn tại.
"Cái được đầu tiên là tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, có môi trường kinh doanh với quy mô lớn hơn để phát triển”, ông Quân phát biểu.