Nhiều kỳ vọng với CPTPP
Dệt xuất khẩu tại một đơn vị trong nước. Ảnh: CAO THĂNG |
Thuận lợi xuất khẩu
Bà Phạm Thị Quỳnh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, cho biết, về cơ bản CPTPP không có nhiều thay đổi so với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được các nước thương thảo trước đó. Về biểu thuế, cắt giảm 100% dòng thuế. Trong đó, có 66% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, 86,5% trong số dòng thuế còn lại về 0% sau 3 năm, ngoại trừ một số mặt hàng như xăng dầu không áp dụng thuế xuất khẩu. Mặt khác, Việt Nam còn được dành riêng quyền chuyển đổi thực thi nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật với nông hóa phẩm và có linh hoạt khi thực thi nghĩa vụ lưu hành dược phẩm kéo dài lên đến 10 năm.
Xét ở góc độ doanh nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực Việt Nam như dệt may, da giày, điện - điện tử, trang thiết bị phụ tùng, máy móc, sản phẩm nông lâm thủy hải sản, thực phẩm chế biến… sẽ có điều kiện xuất khẩu thuận lợi hơn so với các hiệp định thương mại tự do khác. Bởi những điều kiện rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, quy tắc xuất xứ… cũng được nới lỏng hơn. Đơn cử như với hàng xuất khẩu dệt may, da giày, các hiệp định thương mại khác chỉ cho phép doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế suất nếu đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ từ sợi. Riêng với CPTPP, cũng quy định như vậy nhưng cho phép doanh nghiệp Việt Nam áp dụng biện pháp linh hoạt là nhập khẩu sợi trong trường hợp nguồn cung thiếu hụt. Nguồn cung sợi nhập khẩu này có thể được áp dụng cho cả nước là thành viên hoặc không là thành viên của CPTPP.
Bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho rằng, so với các hiệp định thương mại tự do khác, CPTPP tạo lợi thế hơn cho ngành hàng nông, lâm, thủy hải sản. Điển hình như xuất khẩu tôm giống, cho phép không đồng nhất kích thước 100% nếu chứng minh được điều kiện nuôi trồng bị ảnh hưởng bởi thổ nhưỡng, thời tiết, mất mùa. Với sản phẩm là hạt điều, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn được hưởng ưu đãi thuế nếu nguồn nguyên liệu nhập khẩu hạt điều đã bóc vỏ, hoặc với mặt hàng cà phê đã rang, cho phép được nhập khẩu 60% nguyên liệu cà phê chưa rang. Ngoài ra, tùy vào từng ngành hàng cụ thể mà những ưu đãi dành cho các ngành hàng cũng khác nhau và đi kèm với đó cũng sẽ có những điều khoản linh hoạt phù hợp.
Những thách thức
Bộ Công thương cho rằng, bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào cũng có những cơ hội và thách thức. Cơ hội của doanh nghiệp trong nước chính là mở ra thị trường xuất khẩu lớn với nhiều lợi thế cạnh tranh cao, nhất là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn tại thị trường nội địa. Trong đó, đáng lo ngại nhất là sự đổ bộ mạnh mẽ của doanh nghiệp các nước Nhật Bản, Singapore, New Zealand… Doanh nghiệp những nước này vốn có tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm truyền thống đầu tư đa ngành và khai thác thị trường.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, nhấn mạnh, với những hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực hiện nay thì doanh nghiệp nội cũng đã phải rất chật vật để cạnh tranh. Rất nhiều doanh nghiệp đã bị buộc phải sáp nhập, chuyển nhượng hoặc phải dừng hoạt động trong năm 2018. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, cùng với nhưng ưu đãi linh hoạt về quy tắc xuất xứ nguồn nguyên liệu vải thì rào cản kỹ thuật an toàn môi trường cũng đáng lo ngại, như không gây ô nhiễm môi trường, tiết giảm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất, giảm khí thải, nguyên liệu vải cũng như sản phẩm dệt may không chứa chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng… Trong khi đó, có đến 98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, nội lực vốn ít nên rất khó đáp ứng điều kiện này.
Theo các chuyên gia kinh tế và chủ doanh nghiệp, Bộ Công thương cũng như các cơ quan chức năng liên quan cần thiết áp dụng hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại. Theo đó, những rào cản kỹ thuật phải được áp dụng chặt chẽ để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng tại thị trường nội địa. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may và thêu đan TPHCM, nhấn mạnh, các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt khâu thu hút đầu tư. Trên thực tế, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thép, thiết bị, máy móc phụ tùng, thủy hải sản… đã từng bị các nước nhập khẩu kiện và áp dụng biện pháp phòng vệ. Doanh nghiệp trong nước cũng phải tốn rất nhiều chi phí để theo đuổi các vụ kiện cũng như giải trình với các tổ chức liên quan. Do đó, chủ động phòng bị từ xa sẽ giúp doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất cũng như tận dụng tốt hơn lợi thế của thị trường xuất khẩu.
CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt NamNgày 14-1, Bộ Công thương thông tin, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14-1. Trước đó, vào ngày 8-3-2018, Việt Nam đã cùng 10 nước chính thức ký kết CPTPP. Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc phê chuẩn CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12-11-2018 và chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. VĂN PHÚC |