|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

CPTPP: Cam kết về lao động ngành thủy sản

10:49 | 31/08/2020
Chia sẻ
Thủy sản là ngành sử dụng nhiều lao động, lại có môi trường lao động khá đặc thù. Các cam kết của CPTPP về lao động sẽ có tác động nhất định tới ngành thuỷ sản, chủ yếu là theo hướng gián tiếp.
CPTPP: Cam kết về lao động ngành thủy sản - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp định CPTPP có một Chương riêng về lao động với các cam kết liên quan tới các quyền cơ bản của người lao động, điều kiện lao động, xu hướng về tiêu chuẩn lao động. 

Trong khi đó, thủy sản là ngành sử dụng nhiều lao động, lại có môi trường lao động khá đặc thù (ví dụ môi trường nước, ẩm, lạnh, sử dụng hóa chất…). Vì vậy, dự kiến các cam kết CPTPP sẽ có tác động gián tiếp tới doanh nghiệp và người lao động trong ngành thủy sản.

Suy đoán là các cam kết của CPTPP về lao động sẽ có tác động nhất định tới ngành thuỷ sản, chủ yếu là theo hướng gián tiếp (do CPTPP không có cam kết về bất kì tiêu chuẩn lao động cụ thể nào).

Sau đây là một số tóm tắt các cam kết về lao động của CPTPP có thể ảnh hưởng đáng kể tới ngành thủy sản:

Nhóm cam kết về nguyên tắc, điều kiện lao động

CPTPP yêu cầu các nước Thành viên phải bảo đảm thông qua, duy trì và thực thi các qui định pháp luật về các nguyên tắc liên quan tới lao động thuộc hai nhóm sau:

Nhóm các nguyên tắc lao động cơ bản trong Tuyên bố của ILO năm 1998, bao gồm:

- Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động.

- Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc.

- Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

- Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Liên quan tới 4 nhóm nguyên tắc cơ bản này, ngoại trừ vấn đề quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, các nguyên tắc khác cơ bản đã được thể hiện ở các mức độ khác nhau trong pháp luật lao động Việt Nam hiện hành và đang được thực thi trên thực tế. 

Tuy nhiên, khi có CPTPP, việc thực thi suy đoán sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn, và các chủ thể kinh doanh trong ngành thủy sản sẽ phải chú ý hơn tới việc tuân thủ đầy đủ pháp luật về lao động (đặc biệt với những trường hợp liên quan tới lao động trẻ em, lao động mùa vụ…).

Về vấn đề quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, đây là cam kết mới, chưa từng có trong pháp luật và thực tiễn Việt Nam, hiện đang được bổ sung vào Bộ luật Lao động sửa đổi 2019. 

Đối với các doanh nghiệp thủy sản sử dụng nhiều lao động, khả năng xuất hiện hai hoặc nhiều hơn các tổ chức đại diện người lao động trong cùng một cơ sở sản xuất. Do đó, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để có cơ chế trao đổi thông tin, thương lượng hoặc quan hệ khác với các tổ chức đại diện người lao động khác nhau (thay vì chỉ một tổ chức công đoàn như trước đây).

Nhóm các nguyên tắc về “điều kiện lao động chấp nhận được”

Nhóm này bao gồm các cam kết về việc bảo đảm “các điều kiện lao động chấp nhận được” về lương tối thiểu, giờ làm việc, các vấn đề về an toàn lao động và sức khỏe của người lao động.

CPTPP không có định nghĩa hay tiêu chuẩn cụ thể nào về “các điều kiện lao động chấp nhận được”. Vì vậy cơ bản các cam kết này sẽ không tạo ra tác động thay đổi quá lớn trong pháp luật Việt Nam liên quan tới các điều kiện lao động. 

Tuy nhiên, cũng như trên, khi có CPTPP, việc thực thi suy đoán sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn, và các chủ thể kinh doanh ngành thủy sản sẽ phải chú ý hơn tới việc tuân thủ đầy đủ pháp luật về lao động ở khía cạnh này.

Nhóm cam kết về các định hướng chính sách liên quan tới lao động

CPTPP yêu cầu các nước Thành viên bảo đảm các định hướng sau trong xây dựng, thực thi pháp luật, chính sách về lao động:

- Không khuyến khích thương mại hoặc đầu tư bằng cách làm suy yếu hoặc hạ thấp những biện pháp bảo vệ trong pháp luật lao động

- Không từ chối thực thi pháp luật lao động theo cách làm ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư giữa các nước Thành viên

Cần chú ý bên cạnh các nghĩa vụ chung nêu tại phần Lời văn của Chương Lao động nói trên, trong các Thư song phương giữa Việt Nam và các nước Thành viên CPTPP, Việt Nam đã bảo lưu một số vấn đề liên quan tới cơ chế giải quyết tranh chấp về các nghĩa vụ trong Chương lao động, đặc biệt là nghĩa vụ về quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể.